Bản tin thời sự sáng 30/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phát hành bộ tem 50 năm bảo vệ thành cổ Quảng Trị; TP.HCM khởi công cải tạo hồ Con Rùa; tiêm mũi bốn vaccine Covid-19 sau mũi ba ít nhất 4 tháng; Quảng Trị khởi công đường ven biển hơn 2.000 tỷ đồng; đề xuất hơn 8.300 tỷ đồng làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú…

Phát hành bộ tem 50 năm bảo vệ thành cổ Quảng Trị

Tại di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký, đóng dấu phát hành bộ tem 50 năm bảo vệ thành cổ.

Tem được phát hành ngày 29/4, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị

Tem được phát hành ngày 29/4, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị

Ngày 29/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức phát hành đặc biệt bộ tem 50 năm bảo vệ thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022).

Bộ tem được thiết kế theo phong cách đồ họa, tái hiện quang cảnh những người lính giải phóng đang bảo vệ thành cổ trong mưa bom, bão lửa. Hình tượng chính của tem là cảnh các chiến sĩ đang chiến đấu bảo vệ thành cổ, cổng chính vào thành và đài tưởng niệm trung tâm. Nền tem là cánh chim hòa bình đang tung bay trên bầu trời xanh.

Bộ tem có kích cỡ 46x31 mm, gồm một mẫu giá mặt 4.000 đồng do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ 29/4 đến hết năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, việc phát hành bộ tem nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Bộ tem được gửi đi từ mảnh đất từng bị hủy diệt, đến nay vẫn mang đầy vết thương chiến tranh như một thông điệp của nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình gửi đến thế giới về một ước nguyện hòa bình.

TP.HCM khởi công cải tạo hồ Con Rùa

Dự án cải tạo, nâng cấp khoảng 6.700 m2 vỉa hè các tuyến đường quanh Hồ Con Rùa, Quận 3, kinh phí gần 15 tỷ đồng, được triển khai sáng 29/4.

Hồ Con Rùa, vòng xoay giao nhau của các đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần

Hồ Con Rùa, vòng xoay giao nhau của các đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần

Công trình cải tạo, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường quanh hồ gồm Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Cao Vân (từ hồ Con Rùa đến Hai Bà Trưng) và Võ Văn Tần (từ hồ đến Pasteur). Tổng chiều dài cải tạo trên các tuyến đường gần 1,3 km.

Vỉa hè các tuyến được nâng cấp, lắp ghế ngồi; bổ sung mảng xanh. Hố ga thoát nước mưa được cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, tủ điện... Dự án thực hiện từ nguồn xã hội hoá, thi công trong 4 tháng, hoàn thành trước lễ Quốc khánh 2/9.

Việc nâng cấp vỉa hè các tuyến đường xung quanh hồ Con Rùa là một phần kế hoạch cải tạo tổng thể cảnh quan tại khu vực trên. Ngoài vỉa hè, việc sửa chữa phần lõi của hồ sẽ được Sở Xây dựng triển khai sau.

Khu vực hồ Con Rùa có tên Công trường Quốc tế, là nút giao của đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần. Xung quanh hồ có nhiều nhà hàng, quán bar, cà phê, là nơi được nhiều người dân, du khách đến vui chơi, giải trí.

Tiêm mũi bốn vaccine Covid-19 sau mũi ba ít nhất 4 tháng

Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đề nghị tiêm mũi bốn vaccine Covid-19 cách mũi ba ít nhất 4 tháng, dành cho 4 nhóm người.

Người dân tại TP. Thủ Đức, TP.HCM tiêm vaccine Covid-19

Người dân tại TP. Thủ Đức, TP.HCM tiêm vaccine Covid-19

Đây là kết luận của Hội đồng Tư vấn sử dụng vaccine, được Cục Y tế dự phòng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo đó, mũi bốn tiêm cho 4 nhóm gồm người từ 50 tuổi trở lên, người trưởng thành suy giảm miễn dịch, người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19, người trên tuyến đầu chống dịch. Người đã tiêm mũi ba nếu mắc Covid-19, ba tháng sau khi khỏi bệnh mới tiêm mũi bốn.

Hiện chưa có kế hoạch cụ thể về tiêm chủng mũi bốn. Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng kế hoạch tiêm mũi bốn. Loại vaccine sử dụng là Pfizer hoặc Moderna, AstraZeneca hay vaccine cùng loại với mũi ba.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, tham vấn ý kiến chuyên gia, ưu tiên tiêm cho nhóm có nguy cơ cao, sau đó tiêm đại trà.

Hiện nay, 100% người trên 18 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, 52% tiêm mũi ba, tổng số liều tiêm trẻ 5 - 11 tuổi là hơn 1,1 triệu.

Quảng Trị khởi công đường ven biển hơn 2.000 tỷ đồng

Tuyến đường dài 48 km, đi qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP. Đông Hà, được khởi công sáng 29/4.

Phối cảnh cầu Thạch Hãn, một trong sáu cây cầu trên tuyến đường ven biển ở Quảng Trị

Phối cảnh cầu Thạch Hãn, một trong sáu cây cầu trên tuyến đường ven biển ở Quảng Trị

Tuyến đường có tổng đầu tư 2.060 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 1.640 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 400 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến đường chia làm hai đoạn. Đoạn một từ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, giáp ranh tỉnh Quảng Bình, chạy ven biển đến phía bắc cầu Cửa Việt dài 36 km. Đoạn hai từ xã Triệu Vân lên trung tâm TP. Đông Hà dài 12 km. Vận tốc thiết kế từ 60 đến 80 km/h, có hai làn xe cơ giới, có dải đất trồng cây xanh... Toàn tuyến có 6 cây cầu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Dự án sẽ kết nối thông suốt đường bộ ven biển cả nước, liên kết các cảng biển, củng cố quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, mở rộng không gian về phía Đông cho TP. Đông Hà, góp phần hình thành đô thị vệ tinh từ Thành phố về đến biển.

Đề xuất hơn 8.300 tỷ đồng làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Hơn 60 km thuộc cao tốc từ vòng xoay Dầu Giây đi Đà Lạt được đề xuất thực hiện với quy mô đường rộng 17 m, 4 làn, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cùng với hai đoạn khác là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương giúp thông thương từ các tỉnh Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên

Đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cùng với hai đoạn khác là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương giúp thông thương từ các tỉnh Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tuyến cao tốc có điểm đầu giao Quốc lộ 1 (trùng điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc địa phận huyện Thống Nhất; điểm cuối giao cắt Quốc lộ 20 tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú.

Trong tổng vốn đầu tư dự kiến, chi phí xây dựng, thiết bị gần 5.000 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 1.300 tỷ đồng và các chi phí khác.

Về phương án huy động vốn, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.300 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư huy động hơn 7.000 tỷ đồng.

Nếu được chấp thuận, công trình dự kiến chuẩn bị, lựa chọn nhà đầu tư từ 2022 - 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 2022 - 2023 và thi công, xây dựng từ 2023 - 2025.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, nhằm kết nối TP.HCM lên các tỉnh Tây Nguyên, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 20.

Vũ trường ở Đà Nẵng được mở cửa trở lại

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho phép các vũ trường hoạt động trở lại sau tròn một năm đóng cửa, từ ngày 29/4.

Vũ trường Phương Đông trên đường Đống Đa (Đà Nẵng) bị phong toả năm 2021 do xuất hiện ổ dịch

Vũ trường Phương Đông trên đường Đống Đa (Đà Nẵng) bị phong toả năm 2021 do xuất hiện ổ dịch

Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở có phương án phòng, chống Covid-19 theo quy định; toàn bộ nhân viên tiêm đủ 3 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong 6 tháng. Ai có các triệu chứng nghi mắc Covid-19 cần chủ động xét nghiệm và báo ngay cho cơ sở y tế...

Các ngành văn hóa và thể thao, công an và chính quyền các quận, huyện sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Vũ trường là loại hình dịch vụ cuối cùng ở Đà Nẵng được mở cửa hoạt động trở lại, trong bối cảnh bình thường mới. Thành phố đang kích cầu du lịch để sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Lần gần nhất Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng "loại hình dịch vụ không thiết yếu", trong đó có quán bar, vũ trường, karaoke, massage... vào đầu tháng 5/2021 khi dịch bùng phát.