Bản tin thời sự sáng 30/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; sạt lở ở Hà Giang làm 3 người chết và mất tích, con số có thể tăng lên; đề xuất xây cảng khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội; hoàn thành đường cống ngăn lũ cát ở Phan Thiết; Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ việc người nước ngoài ở nhà xã hội…

Khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 34 km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công sáng 29/9.

Phối cảnh cầu Hòa Sơn trên tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu
Phối cảnh cầu Hòa Sơn trên tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án dự kiến giải phóng mặt bằng quy mô 4 làn xe và hoàn thành vào năm 2028. Tỉnh Hòa Bình được phân cấp đầu tư dự án từ ngân sách trung ương và địa phương. Tuyến đường có điểm đầu tại thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình), điểm cuối tại xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, Sơn La).

Cao tốc không chỉ có hầm xuyên núi mà còn có cầu dây văng Hòa Sơn với nhịp chính dài 550 m, trụ tháp cao 187 m, bắc qua hồ Hòa Bình. Giai đoạn một, cao tốc được thiết kế tốc độ 80 km/h, chiều rộng nền đường 12 m. Cầu Hòa Sơn được xây quy mô 4 làn xe. Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng tạo điều kiện nguồn vốn đầu tư giai đoạn hoàn thiện (nâng cấp lên 4 làn xe) cho dự án này.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu góp phần thực hiện chủ trương ba đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông cũng như nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng. Công trình cũng thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho địa phương phát triển hạ tầng, theo tinh thần hội nghị Trung ương 10 khóa 13 là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thủ tướng giao tỉnh Hòa Bình phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kết quả phải cân đong, đo đếm được. Công tác giải phóng mặt bằng cần hoàn thành trước 30/11/2024, đảm bảo nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi cũ.

Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải cố gắng quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" để Dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra - trước 31/12/2027.

Sạt lở ở Hà Giang làm 3 người chết và mất tích, con số có thể tăng lên

Theo cơ quan chức năng, số lượng người bị vùi lấp có thể tăng lên, Công an tỉnh Hà Giang đang huy động thêm các chiến sĩ khẩn trương tìm kiếm trong các ngôi nhà bị vùi lấp.

Hiện trường vụ sạt lở

Hiện trường vụ sạt lở

Liên quan tới vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 2, đoạn qua xã Việt Vinh (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), chiều 29/9, Công an tỉnh Hà Giang cho biết, vụ việc đã khiến một người tử vong, 2 người mất tích, 5 ô tô bị vùi lấp (1 xe khách, 1 xe tải và 3 xe con), giao thông bị ách tắc.

Cụ thể khoảng 8h30 cùng ngày xảy ra vụ sạt lở ta luy dương ở Quốc lộ 2, đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang. Đoạn sạt lở dài khoảng 300 m, khối lượng đất đá khoảng trên 3.000 m3, làm đổ sập 3 ngôi nhà, 1 người tử vong, 2 người mất tích, 5 xe bị vùi lấp, giao thông bị ách tắc.

Sau sự cố, các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang, Công an huyện Bắc Quang đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Cảnh sát đã huy động 5 máy xúc cỡ lớn, 1 máy xúc lật và 8 ô tô tải đến hiện trường để san gạt, vận chuyển đất đá.

Đến trưa cùng ngày, tại hiện trường vụ sạt lở, lực lượng chức năng đã tìm thấy một người tử vong là bà Tạ Thị H. (SN 1971, ở thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh).

Hiện tại lực lượng công an vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích, đồng thời hỗ trợ các hộ dân có nhà nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đồ đạc về nơi an toàn.

Theo cơ quan chức năng, số lượng người bị vùi lấp có thể tăng lên. Công an tỉnh Hà Giang vẫn đang huy động thêm các chiến sĩ khẩn trương tìm kiếm người trong các ngôi nhà bị vùi lấp.

Cũng theo Công an tỉnh Hà Giang, tại thời điểm xảy ra sạt lở, có nhiều phương tiện và người dân đang di chuyển trên đường.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), thời điểm xảy ra sự việc, ban đầu xác định có 6 phương tiện đang lưu thông thì bị đất đá đẩy xuống ta luy âm.

Đề xuất xây cảng khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội

Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Quận 4 (TP.HCM), được đề xuất nâng cấp thành bến tàu khách quốc tế với kinh phí 625 tỷ đồng giúp phát triển kinh tế, du lịch sông Sài Gòn.

Phối cảnh dự án cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội

Phối cảnh dự án cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội

Dự án đang được Công ty CP Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý, khai thác cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất UBND TP.HCM xin chủ trương đầu tư.

Khu vực triển khai Dự án gồm toàn bộ khu 3 và một phần cầu K10 nối tới đường Nguyễn Tất Thành, tổng diện tích hơn 68.000 m2 nằm trong cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Nơi này sẽ được xây dựng thành một khu phức hợp đa năng, như: bến khách quốc tế có thể tiếp nhận tàu du lịch sức chở 1.000 người; neo đậu du thuyền; khu hậu cần phục vụ quản lý, khai thác. Ngoài ra, Dự án còn bao gồm quảng trường, bến bãi xe buýt, bãi xe bến phà...

Công ty Cảng Sài Gòn dự kiến tổng mức đầu tư Dự án gần 625 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027. Trong đó, nhà đầu tư bố trí 30% tổng vốn, còn lại vay ngân hàng và huy động từ các nguồn khác.

Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có vị trí đắc địa khi nằm ngay trung tâm TP.HCM, sát bến Bạch Đằng, đối diện là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo Công ty Cảng Sài Gòn, thời gian qua nơi đây thường xuyên đón tàu du lịch quốc tế trọng tải lớn với số lượng khách từ 300 - 1.100 người. Ngoài ra, khu cảng còn các tàu khách nội địa, tàu nhà hàng phục vụ thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn hoạt động về đêm, tạo sôi động cho cả khu vực.

Do đó, theo đơn vị đề xuất, khi triển khai dự án sẽ góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến TP.HCM, tạo thêm địa điểm vui chơi, giải trí cho người dân. Ngoài ra, Dự án cũng phù hợp chủ trương di dời cảng hàng hóa ra khỏi trung tâm, chuyển đổi thành cảng khách quốc tế. Công trình cũng sẽ hình thành khu bến tàu khách và du thuyền ở ngay trung tâm, giúp cải tạo cảnh quan đô thị.

Hoàn thành đường cống ngăn lũ cát ở Phan Thiết

Đơn vị thi công đấu nối hơn 2 km cống thoát nước dự án Cửa số 1 từ đồi cao đổ ra biển giúp ngăn lũ cát trên đường Nguyễn Thông, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Cống gom nước trên đường 706B đã được đấu nối vào cống ngầm (chỗ cát đỏ) nối xuống biển, không còn xả tràn ra khu đất trống gây lũ cát đổ xuống đường Nguyễn Thông khi mưa lớn

Cống gom nước trên đường 706B đã được đấu nối vào cống ngầm (chỗ cát đỏ) nối xuống biển, không còn xả tràn ra khu đất trống gây lũ cát đổ xuống đường Nguyễn Thông khi mưa lớn

Chiều 28/9, ông Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bình Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, Dự án cống thoát nước Cửa số 1 tại phường Phú Hài có nhiệm vụ thu gom nước mưa ở khu vực đầu đường 706B.

Dự án được khởi công từ năm 2010, nhưng sau 4 năm mới hoàn thành tuyến gom số 1, 2. Tuyến gom số 3 dài khoảng 130 m gần biển chưa thể hoàn thành do vướng mặt bằng hai hộ dân. Toàn tuyến thu gom nước chưa xong nên hệ thống gom nước trên phía đường 706B chưa thể đấu nối vào. Khi mưa lớn nước cùng cát trên đồi tràn xuống đường Nguyễn Thông cách đó vài trăm mét, vùi lấp nhà cửa, tài sản người dân. Gần đây nhất, hôm 5/9, lũ cát cuốn trôi cô gái hơn 200 m, may mắn được người đi đường cứu sống.

Theo đại diện chủ đầu tư, trước tình hình cấp bách, mới đây được sự thống nhất của UBND TP. Phan Thiết, đơn vị thi công dịch đoạn cống cuối cùng này ra gần nền đường 1/5, không đi vào đất của hộ dân còn vướng mắc. Sau khi hoàn thành đoạn cống, hệ thống gom nước ở đường 706B nối vào giúp nước thoát ra biển.

Trước đó chính quyền TP. Phan Thiết cho thi công đoạn rọ đá cao 0,5 m, rộng 1 m, trên chiều dài 30 m để hạn chế lũ cát tràn xuống đường Nguyễn Thông, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và người đi đường.

Hồi tháng 6, sau khi kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận xác định trên địa bàn có 14 dự án và công trình xây dựng trên đồi cao có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng người đi đường và nhà dân.

Cơ quan này đã yêu cầu các chủ đầu tư phải rà soát hồ sơ thiết kế và hạng mục công trình thuộc dự án, có giải pháp bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư phải lập tổ ứng phó nhanh sự cố tại chỗ để chủ động xử lý, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường khi mưa lớn.

Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ việc người nước ngoài ở nhà xã hội

Bộ Xây dựng đề nghị UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh kiểm tra tình trạng người nước ngoài thuê, sống trong các khu nhà xã hội trên địa bàn.

Khu nhà xã hội Evergreen với gần 1.000 căn mới bàn giao cho cư dân từ tháng 3/2024

Khu nhà xã hội Evergreen với gần 1.000 căn mới bàn giao cho cư dân từ tháng 3/2024

Vừa qua, nhiều người nước ngoài thuê, sống trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh - 2 thủ phủ công nghiệp phía Bắc, được nhiều người dân và truyền thông phản ánh. Các khu có nhiều người nước ngoài sinh sống gồm Evergreen Bắc Giang, Vân Trung, Nội Hoàng (Bắc Giang), Kinh Bắc, V-city, Cát Tường, Thống Nhất (Bắc Ninh).

Trong văn bản gửi 2 địa phương này, Bộ Xây dựng đề nghị kiểm tra và giải quyết tình trạng trên. Hai tỉnh cần báo cáo Bộ trước ngày 3/10.

Theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8, chính sách hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội dành cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người thu nhập thấp; công nhân, lao động làm việc tại khu công nghiệp... So với trước đây, thân nhân liệt sĩ, công chức, viên chức quốc phòng được bổ sung vào nhóm nhận chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà xã hội.

Định kỳ hằng năm, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương công bố danh sách cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà xã hội trên địa bàn để tránh trục lợi chính sách.

Trước đề nghị của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Giang giao các sở, chính quyền huyện Việt Yên và Yên Dũng kiểm tra, giải quyết vi phạm (nếu có). Đây là hai huyện có nhiều khu nhà xã hội đang xảy ra tình trạng cho người nước ngoài thuê và sinh sống.

Theo Bộ Xây dựng, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai địa phương có kết quả tích cực về xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, Bắc Ninh hoàn thành và đang làm 31 dự án, với 22.000 căn hộ. Tỉnh này đặt mục tiêu có khoảng 21.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025. Còn Bắc Giang đã triển khai 15 dự án với 75.000 căn, đáp ứng 90% công nhân có nhu cầu nhà ở tới 2030.

TP.HCM đẩy nhanh cấp sổ hồng cho các căn hộ vướng mắc

Từ nay đến hết năm, TP.HCM sẽ rà soát các khó khăn và cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án đang vướng mắc.

Bất động sản khu Đông TP.HCM, với các căn hộ chung cư, dự án đất nền, nhà phố; TP. Thủ Đức

Bất động sản khu Đông TP.HCM, với các căn hộ chung cư, dự án đất nền, nhà phố; TP. Thủ Đức

Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nêu trong kế hoạch triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng, bảo đảm quyền và lợi ích cho người mua nhà tại các dự án. Quá trình triển khai gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, Thành phố sẽ lập Tổ công tác trước 4/10 và hoàn tất rà soát, thu thập số liệu, hồ sơ pháp lý, công bố kết quả thống kê danh mục các dự án nhà ở thương mại trước 23/10.

Giai đoạn 2 là phân loại các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Trong đó tổ công tác phải lên được danh mục các dự án nhà ở thương mại thuộc từng nhóm vướng mắc cụ thể và giải pháp giải quyết, hoàn tất trước 15/11.

Giai đoạn 3, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ và giải quyết cấp sổ hồng cho người mua nhà. Quá trình này dự kiến triển khai từ tháng 11 đến hết tháng 12.

Theo cập nhật của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tính đến tháng 3 năm nay, toàn Thành phố còn 59.000 căn hộ dự án chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư dự án chậm nộp hồ sơ, bất động sản mới (officetel, shophouse) thiếu pháp lý, căn hộ phải nộp tài chính bổ sung hoặc thuộc diện đang thanh tra, điều tra...

Tính đến tháng 6, Thành phố mới cấp được sổ hồng cho 22.147 căn nhà trên địa bàn. Hiện TP.HCM còn nhiều căn hộ chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng, do dự án đang thế chấp ngân hàng, vi phạm trong xây dựng. Do đó, không ít người mua nhà đã nhận bàn giao và vào ở ổn định nhiều năm vẫn chưa được nhận sổ.

Công ty năng lượng bán khách sạn để trả nợ trái phiếu

Công ty BB Sunrise Power - muốn bán khách sạn Victoria Sapa để trả nợ trái phiếu.

Khách sạn Victoria Sapa
Khách sạn Victoria Sapa

Công ty CP BB Sunrise Power vừa thông báo điều chỉnh một số nội dung xử lý phần tài sản đảm bảo và thanh toán cho lô trái phiếu BBSP.H.20.23.001, sau khi được cái trái chủ chấp thuận.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là khách sạn Victoria Sapa (Lào Cai) thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Khách sạn Victoria Sapa. BB Sunrise Power dự kiến sẽ giải chấp, xóa đăng ký giao dịch đảm bảo để chuyển nhượng khách sạn này cho bên thứ ba. Giá trị chuyển nhượng khách sạn này dự kiến là 210 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế (khoảng 30 tỷ đồng), 180 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

BB Sunrise Power được thành lập vào 2019, vốn điều lệ 500 tỷ đồng, là công ty con thuộc BB Power Holdings (sở hữu 90%). Doanh nghiệp này là một thành viên của BB Group, công ty đa ngành do ông Vũ Quang Bảo giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Bảo cũng là người đứng đầu của Bitexco Group.

BB Sunrise Power hoạt động chính trong lĩnh vực năng lượng, truyền tải và phân phối điện. Công ty này thực hiện một số dự án như thủy điện tại Hà Giang, Kon Tum và điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận.

Việc giải chấp, bán khách sạn để trả gốc, lãi trái phiếu của BB Sunrise Power trong bối cảnh một doanh nghiệp khác cùng trong hệ sinh thái của ông Vũ Quang Bảo là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco vừa chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Saigon Glory - chủ đầu tư Dự án One Central HCM - cho một doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội.

Bảo tàng Quảng Ninh đón khách trở lại

Từ 30/9, công trình biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh mở cửa trở lại, đón khách tất cả các ngày trong tuần.

Công trình nghìn tỷ của Quảng Ninh bị vỡ nhiều ô kính, sập trần thạch cao do gió lốc tràn vào

Công trình nghìn tỷ của Quảng Ninh bị vỡ nhiều ô kính, sập trần thạch cao do gió lốc tràn vào

Sau hơn 20 ngày đóng cửa khắc phục thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra, ngày 29/9, đại diện Bảo tàng Quảng Ninh thông báo sẽ chính thức mở cửa công trình và đón khách trở lại từ ngày 30/9,

Cụ thể, Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần trong khung giờ 8 - 12h và 13 - 17h.

Trước đó, ngày 7/9, cơn số 3 mạnh chưa từng có trong 30 năm mang theo cuồng phong và mưa lớn tàn phá tỉnh Quảng Ninh, trong đó Bảo tàng Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề.

Công trình kiến trúc trọng điểm này bị vỡ hàng trăm m2 kính, bay nhiều khung thép, mái đổ vỡ, hư hỏng nặng, cây cối tiểu cảnh đổ gãy, nhiều bức tường bị rách, thấm nước, hư hỏng hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, ngổn ngang rác thải rắn,...

Một ngày sau bão, đơn vị quản lý Bảo tàng thông báo tạm ngưng hoạt động đón khách để khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai gây ra. Trong quá trình khắc phục hậu quả của mưa bão, Bảo tàng nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, chính quyền địa phương, các ban ngành cũng như các đơn vị bạn, khách tham quan trong và ngoài nước.

Với mục tiêu nhanh chóng đưa bảo tàng trở lại hoạt động bình thường, ban lãnh đạo đã ban hành Kế hoạch 476/BTQN-HCTH và phát động chiến dịch 15 ngày đêm khắc phục thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra. Bảo tàng huy động khoảng 1.000 ngày công lao động của viên chức và người lao động trong cơ quan, không kể ngày đêm khẩn trương dọn dẹp, gia cố cơ sở hạ tầng, tái thiết lại bảo tàng sau bão.

Đến nay, bảo tàng đã hoàn thành công tác khắc phục thiệt hại sau bão như: tổng vệ sinh trong và ngoài cơ qua, khắc phục các ống lấy sáng, đập kính vỡ, vệ sinh thang cuốn, thang máy, vận chuyển thiết lập rác thải. Đồng thời kiểm tra, sửa chữa các thiệt bị điện, nước, thiết bị báo cháy, camera an ninh, màn hình, đèn chiếu sáng... Các không gian trưng bày được chỉnh lý, bổ sung đảm bảo về chất lượng hình ảnh. Hệ thống bán vé cũng đã hoạt động trở lại bình thường.

Tin cùng chuyên mục