Bản tin thời sự sáng 31/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông xe kỹ thuật cầu Trần Hoàng Na gần 800 tỷ đồng bắc qua sông Cần Thơ; năm 2023, xử lý vi phạm nồng độ cồn cao kỷ lục; giá vàng miếng giảm 3,5 triệu đồng trước nghỉ lễ; MobiFone lãi hơn 1.600 tỷ đồng; gần 1.300 doanh nghiệp địa ốc đóng cửa năm 2023…

Thông xe kỹ thuật cầu Trần Hoàng Na gần 800 tỷ đồng bắc qua sông Cần Thơ

Cầu vòm thép Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, kết nối Quốc lộ 1 với trung tâm TP. Cần Thơ được thông xe kỹ thuật sáng 30/12, sau hơn 3 năm thi công.

Cầu Trần Hoàng Na có tổng chiều dài 820 m

Cầu Trần Hoàng Na có tổng chiều dài 820 m

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ (Chủ đầu tư), công trình có tổng chiều dài 820 m, trong đó cầu chính gần 600 m, rộng 23 m, tổng vốn đầu tư 791 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, đến nay đã hoàn thành hơn 92%. Nhà thầu đang tập trung thảm nhựa mặt cầu, lắp đặt hệ thống an toàn, chiếu sáng... đảm bảo hoàn thành, đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2024.

Cầu Trần Hoàng Na khi hoàn thành giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho đường Nguyễn Văn Linh, kết nối quận Ninh Kiều với Quốc lộ 1A, Khu đô thị Nam Cần Thơ, bến xe khách trung tâm ở quận Cái Răng.

Cầu Trần Hoàng Na được khởi công tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành tháng 7/2022 nhưng bị chậm tiến độ, sau đó được gia hạn đến cuối năm 2023.

Trong tổng chiều dài cầu chính gần 600 m, có 3 nhịp chính bằng thép. Hơn 4.000 tấn thép được nhập khẩu từ Hàn Quốc để xây 3 nhịp chính này. Đây là cầu đầu tiên của Cần Thơ được lấy ý kiến rộng rãi về phương án kiến trúc. Công trình được cho vừa đảm bảo chức năng giao thông thủy - bộ, vừa mang kiến trúc cảnh quan đặc trưng địa phương.

Trần Hoàng Na là cây cầu thứ ba bắc qua sông Cần Thơ kết nối Khu đô thị Nam Cần Thơ diện tích hơn 1.800 ha (quận Cái Răng) với quận trung tâm Ninh Kiều, sau cầu Quang Trung và Hưng Lợi...

Năm 2023, xử lý vi phạm nồng độ cồn cao kỷ lục

Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn năm 2023 là 770.000, cao gấp rưỡi năm 2022 và hơn tổng số ba năm 2020 - 2022 cộng lại.

Cảnh sát giao thông Hòa Bình kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa

Cảnh sát giao thông Hòa Bình kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa

Sáng 30/12, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, năm 2023, công an cả nước xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn một triệu phương tiện.

Trong đó, xử lý vi phạm về nồng cồn cao kỷ lục, hơn 770.000 trường hợp, tăng hơn 460.000 so với năm 2022. Người đi xe máy vi phạm chiếm phần lớn. "Nhờ quyết liệt xử lý, tai nạn giao thông đã giảm 9%, giảm 26% người chết và bị thương so với năm 2022", đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

Năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương mở nhiều đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, Cục Cảnh sát giao thông cử nhiều tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm soát. Gần đây nhất, từ 30/8 đến 15/10, cả nước thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe container.

Trong đợt này, cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm soát gần 200.000 phương tiện, phạt hơn 6.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cảnh sát cũng xác định có hơn 230 người vi phạm là cán bộ, công chức. Ngoài xử lý hành chính, lực lượng chức năng đã khởi tố 8 vụ với 9 đối tượng về các hành vi như chống người thi hành công vụ, tàng trữ chất ma túy, sử dụng con dấu giả.

Sang năm 2024, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục xác định xử lý vi phạm nồng độ cồn là trọng điểm trong công tác, với tinh thần "không có vùng cấm, không ngoại lệ, không ngày nghỉ và tạo thành thói quen cho người dân".

Giá vàng miếng giảm 3,5 triệu đồng trước nghỉ lễ

Vàng miếng tại SJC sáng 30/12 liên tục giảm, còn 72 triệu đồng/lượng sau khi biến động mạnh vào ngày 29/12.

Vàng miếng SJC sáng 30/12 liên tục giảm

Vàng miếng SJC sáng 30/12 liên tục giảm

Mở cửa đầu ngày làm việc cuối cùng trước nghỉ lễ (30/12), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại giảm 2 triệu đồng một lượng vàng miếng xuống 71 - 74 triệu đồng. Hôm 29/12, có lúc vàng miếng cũng về mức này nhưng sau đó bật lên nhanh chóng.

So với mức đỉnh thiết lập vào ngày 26/12, giá vàng SJC mua vào hiện thấp hơn 8 triệu đồng, tương ứng mức giảm 10%, còn chiều bán ra giảm 6 triệu đồng, tương ứng giảm 8%.

Sáng 30/12, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nới rộng khoảng cách mua bán vàng miếng lên mức "khủng" 6 triệu đồng/lượng. DOJI mua vào 70 triệu đồng/lượng, trong khi bán ra 76 triệu đồng/lượng.

Cuối buổi sáng, SJC giảm thêm 1,5 triệu đồng so với đầu giờ sáng, đưa giá vàng miếng xuống 69,5 - 72,5 triệu đồng một lượng.

Vàng nhẫn và nữ trang cũng trong đà giảm hai ngày qua nhưng với biến động thấp hơn. Tại SJC, vàng nhẫn giảm gần 1 triệu đồng một lượng trong hai ngày, xuống 61,95 - 63,05 triệu đồng. Vàng nữ trang cũng giảm mức tương ứng xuống 61,85 - 62,75 triệu đồng.

Giá vàng trong nước giảm kéo chênh lệch với thế giới thu hẹp, đặc biệt là với vàng miếng. Giá vàng thế giới quanh 2.062 USD một ounce quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank tương đương 60,7 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện còn khoảng hơn 11,5 triệu đồng, trong khi tuần qua có lúc lên gần 20 triệu đồng.

MobiFone lãi hơn 1.600 tỷ đồng

Trong năm nay, tổng doanh thu của Công ty mẹ MobiFone ước đạt 25.440 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.638 tỷ đồng, đều giảm so với năm liền trước.

Năm 2023 là năm đầu tiên MobiFone kinh doanh theo chuẩn mực kế toán mới (hạch toán theo tiêu dùng)

Năm 2023 là năm đầu tiên MobiFone kinh doanh theo chuẩn mực kế toán mới (hạch toán theo tiêu dùng)

Tổng công ty Viễn thông MobiFone vừa công bố báo cáo tổng kết năm 2023, trong đó tổng doanh thu Công ty mẹ MobiFone ước đạt 25.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.638 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 40% so với năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ước đạt 7,25%.

Hồi đầu năm, MobiFone đã cho ra mắt nhà mạng dành cho giới trẻ mang tên Saymee. Đến nay, thương hiệu này phát triển được gần 400.000 thuê bao, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều vượt mức đề ra

Gần 1.300 doanh nghiệp địa ốc đóng cửa năm 2023

2023 tiếp tục là năm thị trường địa ốc đối diện với nhiều khó khăn khi có gần 1.300 doanh nghiệp phá sản, tăng gần 8% so với năm ngoái.

2023 tiếp tục là năm thị trường địa ốc đối diện với nhiều khó khăn

2023 tiếp tục là năm thị trường địa ốc đối diện với nhiều khó khăn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2023 tiếp tục ghi nhận lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng gần 21% so với 2022; nhóm chờ thủ tục giải thể tăng xấp xỉ 29%. Bình quân mỗi tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kinh doanh bất động sản đứng đầu lĩnh vực có doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất với gần 1.300 doanh nghiệp, tăng khoảng 8% so với 2022. Bình quân mỗi tháng có 107 doanh nghiệp ngành này phá sản. Trong khi đó, số lập mới giảm 45%, trên 4.700 doanh nghiệp.

Khó khăn của thị trường bất động sản bắt đầu từ 2022 và kéo dài đến nay dù có nhiều biện pháp gỡ khó từ Chính phủ. Bất động sản kém sắc, nhiều dự án, công trình chậm triển khai khiến nhóm doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng tiếp tục một năm làm ăn thua lỗ. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, tính chung doanh thu của nhiều doanh nghiệp thuộc bộ này (gồm những ông lớn như HUD, Coma, Lilama, Vicem...) giảm 16% so với 2022. Lợi nhuận giảm tới 66% so với năm ngoái, chỉ đạt 1.380 tỷ đồng.

Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường địa ốc vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, từ nguy cơ bong bóng sang suy thoái, nguồn cung thiếu và cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp nhu cầu.

Số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, lượng giao dịch thành công của 3 quý năm nay chưa bằng một nửa năm 2022. Nhiều dự án bị dừng, chậm triển khai do khó khăn về pháp lý, vốn. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 83 tỷ trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chưa đến 0,07%.

Giới phân tích dự báo năm 2024, địa ốc vẫn khó về nguồn cung, thanh khoản, nhưng sẽ là giai đoạn bản lề cho sự chuyển mình từ năm 2025, thời điểm các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực.

Năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm lần đầu giảm sau 10 năm

Khủng hoảng niềm tin khiến doanh thu phí thị trường bảo hiểm năm 2023 giảm hơn 8,3%, lần đầu tiên giảm sau 10 năm.

Doanh thu phí thị trường bảo hiểm cả năm 2023 giảm hơn 8,3%

Doanh thu phí thị trường bảo hiểm cả năm 2023 giảm hơn 8,3%

Tổng cục Thống kê cho biết, năm nay, thị trường bảo hiểm đối mặt với nhiều khó khăn. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV ước tính giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước (trong đó bảo hiểm nhân thọ giảm mạnh 17%; phi nhân thọ tăng 2%). Như vậy, đây là quý thứ ba liên tiếp ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm.

Tính chung, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2023 ước đạt 227,1 tỷ đồng, giảm 8,33% so với cùng kỳ 2022. Năm nay là năm đầu tiên sau 10 năm, doanh thu phí bảo hiểm đi lùi.

Theo Bộ Tài chính, doanh thu giảm do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng. Trong đó, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng phát sinh tranh chấp gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.

Bộ Tài chính cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khách hàng. Năm nay, cơ quan này đã thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ ra một loạt sai phạm.

Doanh thu giảm nhưng chi trả quyền lợi bảo hiểm lại tăng tới 32,52%, ước đạt hơn 81.162 tỷ đồng, trong đó, 70% là của bảo hiểm nhân thọ.

Becamex phát hành trái phiếu lãi suất 12,5%/năm

Becamex IDC vừa phát hành thành công lô trái phiếu có tổng trị giá 406 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12,5%/năm, cao gấp đôi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay.

Becamex IDC vừa phát hành thành công lô trái phiếu có tổng trị giá 406 tỷ đồng

Becamex IDC vừa phát hành thành công lô trái phiếu có tổng trị giá 406 tỷ đồng

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC (HoSE: BCM) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo về việc phát hành thành công lô trái phiếu 406 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp đã phát hành 406 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm. Ngày phát hành là 6/10, ngày hoàn tất là 20/12 và ngày đáo hạn là 6/10/2028.

Đáng chú ý, lô trái phiếu này có lãi suất phát hành lên tới 12,5%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên, ở các kỳ tiếp theo lãi sẽ được tính bằng trung bình lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng của VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank cộng biên độ 4,5% nhưng không thấp hơn 11%/năm.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Trước đó, vào cuối tháng 9, Becamex IDC cũng phát hành thành công 1 lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, sẽ đáo hạn vào ngày 5/7/2028.

Liên quan đến Becamex, doanh nghiệp này vừa được UBND tỉnh Bình Dương cho phép chuyển nhượng Dự án Khu đô thị Tân Thành Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một cho một công ty thuộc Tập đoàn CapitaLand.

Dự án có tổng quy mô 18,9 ha, trong đó tổng diện tích xây dựng gần 593.000 m2. Với tổng mức đầu tư 13.645 tỷ đồng, Dự án Khu đô thị Tân Thành Bình Dương dự kiến cung cấp 462 căn biệt thự thấp tầng và khoảng 3.300 căn hộ. Quy mô dân số khoảng 12.000 người.

Dự kiến siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2029

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề xuất siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm 2029, lùi 4 năm so với đề xuất trước đó.

Hàng xuất qua các cửa khẩu biên giới, trong đó có Trung Quốc, gồm hàng xuất chính ngạch theo thông lệ quốc tế và trao đổi cư dân (tiểu ngạch)

Hàng xuất qua các cửa khẩu biên giới, trong đó có Trung Quốc, gồm hàng xuất chính ngạch theo thông lệ quốc tế và trao đổi cư dân (tiểu ngạch)

Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định số 14/2018/NĐ-CP về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất, từ 1/1/2029, hàng xuất khẩu tiểu ngạch sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Phương án cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất vào năm 2029.

Đồng thời, hàng xuất khẩu tiểu ngạch sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.

Sau đó một năm, từ đầu 2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đạt thỏa thuận song phương về xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu diện tiểu ngạch diễn ra khá sôi động nhờ được hưởng các ưu đãi như miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế với hàng dưới 2 triệu đồng một người một ngày và không quá 4 lượt một tháng.

Đặc biệt, nhiều nông sản của Việt Nam dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc (trái cây, thịt lợn, trâu bò...) nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch. Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như sắn, vải, dưa hấu) vẫn chủ động chuyển sang tiểu ngạch để xuất khẩu vào Trung Quốc.

VinBus vận hành tuyến E10 kết nối Khu đô thị Ocean Park với sân bay quốc tế Nội Bài

Từ ngày 1/1/2024, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus chính thức vận hành, khai thác tuyến buýt điện E10 kết nối Khu đô thị (KĐT) Ocean Park với sân bay quốc tế Nội Bài để đáp ứng nhu cầu di chuyển văn minh của người dân.

Tuyến VinBus E10 kết nối nội đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2024

Tuyến VinBus E10 kết nối nội đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2024

Theo đó, tuyến xe buýt điện E10 kết nối nội đô Hà Nội với sân bay Nội Bài có lộ trình tuyến chiều đi từ Khu đô thị Ocean Park → Lý Thánh Tông → đường gom cao tốc Hà Nội, Hải Phòng → Cổ Linh → Hồng Tiến - Hoàng Minh Đạo → Nguyễn Sơn → Nguyễn Văn Cừ → Lý Sơn - cầu Đông Trù → Trường Sa → Võ Nguyên Giáp → Võ Văn Kiệt → Bãi đỗ xe nhà ga nội địa T1 (trả khách tại bãi đỗ xe P2) → Võ Văn Kiệt → Bãi đỗ xe nhà ga quốc tế T2 (trả khách tại bãi đỗ xe nhà ga quốc tế P6). Lộ trình chiều về theo hướng ngược lại.

Tuyến có cự ly 40,2 km, sử dụng phương tiện xe buýt điện do VinFast sản xuất với nhiều tính năng hiện đại có sức chứa 68 chỗ, vận hành 96 lượt xe/ngày với tần suất 20 phút/lượt, từ 5h00 đến 22h00 mỗi ngày.

Trước đó, từ năm 2021, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã cho phép VinBus mở mới, đưa vào khai thác 9 tuyến buýt điện từ E01 đến E09.

Ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc VinBus cho biết, tính đến tháng 12/2023, VinBus đã vận hành 31 tuyến buýt thành phố và tuyến vận chuyển nội bộ, với tổng số 300 xe tại 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc.