Bản tin thời sự sáng 3/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm 4 gối cầu tuyến Metro số 1 gặp sự cố; Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố; Sân bay Tân Sơn Nhất mở làn cho xe công nghệ đón khách; cơ quan điều tra tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án giao đất “vàng” cho doanh nghiệp; cầu Thủ Thiêm 2 đối mặt nhiều rủi ro…

Tuyến Metro số 1: Thêm 4 gối cầu gặp sự cố

4 gối cầu trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa bị phát hiện lệch khỏi vị trí, khiến Chủ đầu tư nhận định sự cố "có tính chất hệ thống".

Kỹ sư kiểm tra gối dầm cầu tại khu vực giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức)

Kỹ sư kiểm tra gối dầm cầu tại khu vực giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức)

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư), 4 gối cầu nằm ở vị trí trụ P9-05 đoạn cầu cạn VD19 và trụ P11-06 đoạn cầu VD11, thuộc Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) tuyến Metro số 1. Các gối bị xê dịch khỏi đá kê 7 - 11 mm. Trong số này, 2 gối sản xuất tại Nhà máy Megaba (Hàn Quốc), còn lại từ Nhà máy Kawakin (Nhật Bản). Hiện chưa rõ nguyên nhân 4 gối dịch chuyển.

Việc tiếp tục xảy ra sự cố, cùng 2 gối bị phát hiện trước đó khiến Chủ đầu tư nhận định sự dịch chuyển gối lệch khỏi đá kê "có tính chất hệ thống". MAUR yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân nhằm giảm tối đa ảnh hưởng, thiệt hại cho công trình. Do công trình chưa bàn giao nên Liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC - đơn vị phụ trách Gói thầu) phải chịu trách nhiệm.

Từ cuối tháng 10/2020, gối cao su tại trụ P14-10 (đoạn gần dốc Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội), sau đó là gối đoạn ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức) bị phát hiện lệch khỏi vị trí lắp. Qua rà soát, Chủ đầu tư ghi nhận vật liệu của gối cầu không đúng yêu cầu hợp đồng. Sự cố còn do Liên danh tư vấn giám sát NJPT "thiếu trách nhiệm trong nghiệm thu lắp đặt, thi công...".

Metro số 1 dài gần 20 km, tổng đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự án hiện đạt hơn 83% khối lượng, trong đó Gói thầu CP2 đạt gần 92%. Công trình dự kiến đưa vào khai thác thương mại năm 2022.

Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố

Ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Tổng giám đốc Công ty Bemes) bị Công an TP. Hà Nội đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng, khung hình phạt từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Ông Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản

Ông Thản bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đề nghị truy tố theo Khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố: Nguyễn Duy Uyển (Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, Hà Đông), Vương Đăng Quân (nguyên Phó chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông) và Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999. Khung hình phạt của tội danh này từ 3 - 12 năm tù.

Ông Thản bị Công an TP. Hà Nội cáo buộc liên quan sai phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Ông bị khởi tố, cho tại ngoại vào tháng 7/2019.

Hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội truy tố. Ông Thản được biết đến là đại gia nhà giá rẻ với việc phát triển rất nhiều dự án; sở hữu chuỗi khách sạn 3 - 5 sao ở hàng chục tỉnh, thành.

Sân bay Tân Sơn Nhất mở làn cho xe công nghệ đón khách

Làn B ga đến quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình (TP.HCM), sẽ được tổ chức để xe công nghệ hãng Be đón khách từ ngày 5/4.

Làn B ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất

Làn B ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất

Đại diện hãng xe Be cho biết vừa ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hoạt động tại đây. Nơi đón khách của hãng ở làn B (từ cột số 7 đến 11) ga đến quốc tế. Khách bay trong nước khi rời nhà ga thay vì đi thẳng ra nhà xe TCP thì rẽ trái, đi chừng 100 m sẽ tới điểm đón khách của Be.

Đại diện hãng Be cho hay, tại làn B, đơn vị sẽ bố trí nhân viên điều phối, sắp tài, đảm bảo trật tự, kiểm soát giá cả... Sau khi nhận khách đặt xe qua ứng dụng, tài xế mới được di chuyển từ ngoài vào bãi đệm ở ga quốc tế. Khi khách tới làn B, tài xế mới chạy đến đón. Hãng sẽ thu thêm khách 15.000 đồng phí điểm đón (hiển thị trên ứng dụng khi khách đặt xe), 10.000 đồng phí ô tô dừng đỗ tại Sân bay.

Be thử nghiệm đón khách tại làn này trong giai đoạn đầu, sau đó tùy tình hình sẽ điều chỉnh, tạo thuận lợi cho khách và tài xế.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hiện mới có hãng Be được đón khách tại làn này. Hãng Grab đang hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng nhượng quyền khai thác đón khách.

Cơ quan điều tra tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án giao đất “vàng” cho doanh nghiệp

Cơ quan điều tra phát hiện dấu hiệu tội phạm trong việc giao 7.300 m2 đất của Trường Chính trị, ở trung tâm TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho doanh nghiệp làm dự án.

Khu đất hơn 7.300 m2 đường Trần Hưng Đạo được tỉnh Khánh Hòa giao doanh nghiệp làm dự án đã đưa vào hoạt động

Khu đất hơn 7.300 m2 đường Trần Hưng Đạo được tỉnh Khánh Hòa giao doanh nghiệp làm dự án đã đưa vào hoạt động

Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự vừa được đại tá Đặng Văn Mạnh - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa - ký.

Động thái này được đưa ra nhằm làm rõ sai phạm trong việc quản lý, giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, việc giao khu đất của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trên đường Trần Hưng Đạo cho doanh nghiệp lập dự án được cho là sai phạm do không tổ chức đấu giá, gây hậu quả nghiêm trọng...

Năm 2014, Công ty CP Thanh Yến được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý, ký văn bản để thực hiện Dự án BT Xây dựng Trường Chính trị tỉnh tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, với mức đầu tư 149 tỷ đồng, không qua đấu giá. Doanh nghiệp được hoàn vốn bằng quỹ đất hơn 7.300 m2, hai mặt tiền Trần Hưng Đạo và Lý Tự Trọng ở trung tâm TP. Nha Trang.

Tháng 7/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt khu đất cho doanh nghiệp với giá khoảng 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở; còn đất thương mại dịch vụ là hơn 7,8 triệu đồng/m2. Tổng giá trị khu đất là hơn 114 tỷ đồng - được cho là rẻ hơn rất nhiều so với quy định và giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Khu đất vốn do Trường Chính trị quản lý, đã được doanh nghiệp đầu tư làm khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 - nay đổi tên là Dự án Gold Coast, cao 40 tầng, đã đưa vào hoạt động.

Cầu Thủ Thiêm 2 đối mặt nhiều rủi ro

Cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM), vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng, sẽ đối mặt nhiều nguy cơ khi bị dừng thi công kéo dài.

Cầu Thủ Thiêm 2

Cầu Thủ Thiêm 2

Công trình bắc qua sông Sài Gòn, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) với trung tâm Quận 1 có chiều dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài hơn 880 m, 6 làn xe. Cầu thiết kế dây văng với trụ tháp chính hình rồng cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm. Khởi công năm 2015, cầu dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng liên tục trễ hẹn. Tháng 9/2020, công trình đạt 70% khối lượng phải dừng do vướng mặt bằng, thủ tục thanh toán hợp đồng BT.

Trong báo cáo dự án gửi UBND TP.HCM mới đây, Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) cho biết, Nhà thầu đã lắp được 11/17 đốt dầm thép ở nhịp cầu chính công trình; lắp 36/56 bộ cáp dây văng.

Hiện nay, hệ dầm thép của cầu sau khi gia công tại Hải Phòng đã đưa vào Vũng Tàu chờ thi công. Mỗi đốt dầm nặng hơn 90 tấn, đặt trên gối kê, nhưng phần nền kho bãi tại Vũng Tàu không bằng phẳng, về lâu dài có thể gây biến dạng kết cấu thép, nguy cơ không dùng được cho công trình.

Nhà đầu tư cho biết, hiện Liên danh nhà thầu kiến nghị đến giữa tháng 4 nếu không thi công trở lại sẽ giải thể công trường. Các thiết bị đặc chủng phục vụ thi công sẽ được chuyển qua làm ở các công trình khác tại nước ngoài. Việc này gây bất lợi cho Dự án bởi huy động trở lại sẽ mất khoảng nửa năm. Trước tình hình trên, Nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục pháp lý liên quan, bàn giao mặt bằng để thi công trở lại.

Do vướng mặt bằng phía Quận 1, nhịp cuối cùng của cầu Thủ Thiêm 2 không thể thi công nối từ Quận 1 sang Quận 2. Đồng thời, Dự án còn gặp khó khăn trong xác nhận khối lượng và giá trị thực hiện để thanh toán.

Công ty cạnh hồ nước màu hồng tím bị phạt 372 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng

Công ty TNHH Nghê Huỳnh (sản xuất bột cá) tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cạnh hồ nước đổi màu hồng tím, bị phạt 372 triệu đồng vì xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Hồ nước chuyển màu hồng tím

Hồ nước chuyển màu hồng tím

UBND Bà Rịa - Vũng Tàu vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng đối với Công ty TNHH Nghê Huỳnh.

Doanh nghiệp này bị buộc có biện pháp tách riêng hệ thống nước thải và nước mưa; thu gom triệt để nước thải sinh hoạt và sản xuất phát sinh trong quá trình hoạt động về hệ thống xử lý nước thải; đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh được xử lý đạt quy định. Nước thải sau xử lý phải được tái sử dụng hoàn toàn như đã cam kết.

Trước đó, người dân xã Tân Hải phát hiện hồ hơn 10 ha trước Cống số 6 đổi màu đục, nổi váng và hôi thối. Nước hồ đổi màu dần và nay có màu hồng tím.

Đoàn liên ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra đột xuất phát hiện Công ty TNHH Nghê Huỳnh, nằm cách mép hồ điều tiết lũ trước Cống số 6 hơn 30 m, tự lắp đường ống xả nước mưa, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra hố gas, rồi xả thẳng ra hồ nước. Ngoài ra, đường ống này còn có nhánh thu gom nước từ khu tập kết cá bị hở mối nối làm rò rỉ nước thải sản xuất ra hố gas. Kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy tại hố gas vượt các quy chuẩn hiện hành 10 lần trở lên.

Việc hồ nước bị đổi màu có xuất phát từ xả thải của doanh nghiệp này hay không chưa được khẳng định. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu mời các cơ quan chuyên môn ở TP.HCM đến kiểm tra để đưa ra kết luận.