Bản tin thời sự sáng 4/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình hợp tác với đối tác Nga; dự kiến giảm thuế 1.000 đồng trên mỗi lít xăng; 7 ngành kiến nghị TP.HCM lùi ngày thu phí cảng biển đến hết 31/12; kiến nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo…

Yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình hợp tác với đối tác Nga

Ngân hàng Nhà nước đề nghị một số ngân hàng báo cáo về tình hình hợp tác với thị trường Nga, liên quan đến quan hệ đại lý, doanh số thanh toán, chuyển tiền, các dự án hợp tác khác.

Biểu tượng hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Biểu tượng hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Vụ Hợp tác Quốc tế - Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn hỏa tốc số 1143 gửi các ngân hàng thương mại liên quan đến tình hình quan hệ với Nga trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong bối cảnh Mỹ và EU tăng cường các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đối mặt một số tác động tiêu cực, nhất là các tổ chức hiện đang có liên quan hoặc hợp tác trực tiếp với tổ chức tài chính quốc tịch Nga.

Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Để có cơ sở báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị một số ngân hàng báo cáo về tình hình hợp tác giữa ngân hàng với thị trường Nga, liên quan đến quan hệ đại lý, doanh số thanh toán, chuyển tiền, các dự án hợp tác, khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về các tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng, đặc biệt về tình hình công nợ hai chiều. Bên cạnh đó, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán chuyển tiền với thị trường Nga trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) đã loại bảy ngân hàng Nga khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), do các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Việc Nga bị loại khỏi SWIFT đồng nghĩa các ngân hàng Nga sẽ không thể liên kết an toàn với các ngân hàng bên ngoài biên giới Nga.

Dự kiến giảm thuế 1.000 đồng trên mỗi lít xăng

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng trên mỗi lít xăng, dầu cho đến hết năm nay.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng trên mỗi lít xăng, dầu

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng trên mỗi lít xăng, dầu

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay).

Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Chính sách giảm thuế dự kiến có hiệu lực đến hết năm nay.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.

Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng mỗi lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng một lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng mỗi kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng một kg.

Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành, được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết ngành sản xuất trong nền kinh tế. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân.

Với mức giảm thuế này, giá xăng (trừ etanol) có thể giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (gồm VAT). Giá mỗi lít dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả giảm tương ứng 550 đồng. Mỗi kg mỡ nhờn giá giảm 550 đồng.

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu tháng 4 năm nay, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng (gồm thuế VAT).

Đầu tư gần 7.000 tỷ đồng xây dựng sân bay Sa Pa

UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức động thổ Cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Phối cảnh sân bay Sa Pa

Phối cảnh sân bay Sa Pa

Dự án Cảng hàng không Sa Pa được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), trên diện tích 371 ha, trong đó giai đoạn 1 là 295 ha, giai đoạn 2 là 75 ha.

Giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2021, sân bay được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm.

Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2028, hoàn thành các hạng mục của Dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm.

Do đầu tư theo hình thức đối tác công tư nên Dự án sẽ chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công và xây dựng sân bay theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Nhà nước sẽ góp khoảng 2.730 tỷ đồng ở hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, số còn lại 4.218 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động vốn.

Trình Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang vào tháng 6/2022

Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Vân Phong- Nha Trang sẽ được hoàn thiện trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong thời gian từ ngày 20 - 30/6/2022.

Trình Bộ GTVT dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang vào tháng 6/2022

Trình Bộ GTVT dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang vào tháng 6/2022

Đây là thông tin về tình hình thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Vân Phong - Nha Trang được Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội phê duyệt với tổng chiều dài 84 km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.

Theo khảo sát, tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 780 ha, trong đó, diện tích đất tái định cư khoảng gần 7 ha, rải rác tại 4 địa phương dọc tuyến. Dự án có điểm đầu tại Km285+000 thuộc địa phận xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa và điểm cuối tại Km369+000, vị trí giao với quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo lộ trình dự kiến, công tác lập thiết kế cơ sở Dự án bắt đầu từ 14/2 - 30/4/2022. Xin ý kiến thoả thuận các bộ/ngành, địa phương về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi từ 30/4 - 25/05. Công tác thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi bắt đầu từ 14/2 - 25/5. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi từ ngày 31/3 - 20/6/2022.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang được đầu tư quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80km/h, giai đoạn 2021 - 2025. Tổng mức đầu tư dự án, tính sơ bộ khoảng trên 12.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư khoảng hơn 1.380 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng hơn 8.153 tỷ đồng.

Bảy ngành kiến nghị TP.HCM lùi ngày thu phí cảng biển đến hết 31/12

Thay vì thu phí cảng biển từ 1/4, bảy hiệp hội cùng kiến nghị TP.HCM dời đến hết 31/12 để giúp doanh nghiệp tránh rơi vào khó khăn, kiệt quệ.

Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP HCM

Bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP HCM

Bảy hiệp hội gồm: Thực phẩm Minh bạch; Dệt may; Da giày - Túi xách; Sữa; Nhựa; Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ vừa đồng kiến nghị TP.HCM chưa nên triển khai thu phí cảng biển đến hết 31/12.

Theo các hiệp hội, nửa năm 2021, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh, trong khi phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... do không xuất khẩu, bán được hàng.

Tháng 10/2021, Thành phố mở cửa trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng vì thiếu công nhân, nguyên liệu và chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Đến đầu năm nay, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu, giá nguyên liệu đều tăng...

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, nếu TP.HCM quyết thu phí cảng biển ngày 1/4, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ.

Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh Thành phố đang vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16/2 đến hết ngày 15/3, nhằm chuẩn bị cho thu phí chính thức từ 1/4.

Việc thu phí hạ tầng cảng biển đến nay đã được lùi hai lần. Lần đầu tiên thay vì áp dụng từ tháng 7/2021, HĐND Thành phố dự kiến thu từ đầu tháng 10/2021.

Đến tháng 10 năm ngoái, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì bị ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND TP.HCM tiếp tục đề nghị HĐND Thành phố cho lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/4/2022, chậm 6 tháng so với kế hoạch.

Giải tỏa 2.000 hộ dân làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Để giải phóng mặt bằng 373 ha giao chủ đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai phải giải tỏa hơn 2.000 hộ dân.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

UBND tỉnh Đồng Nai mới giao chính quyền TP. Biên Hòa và huyện Long Thành nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, sớm khởi công các khu tái định cư để di dời những hộ dân nằm trong khu vực Dự án xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Dự án cao tốc nói trên vừa được Bộ Giao thông vận tải trình báo cáo tiền khả thi (giai đoạn 1) lên Chính phủ, đề xuất đầu tư công với tổng mức gần 18.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch đầu tư hoàn thiện toàn tuyến. Tỉnh sẽ thu hồi 373 ha đất và dự kiến bố trí tái định cư hơn 2.000 hộ mà dự án đi qua.

Công trình cao tốc dài hơn 53 km này có điểm đầu nối tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa, điểm cuối giao Quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa. Trong đó, đoạn qua TP. Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km; đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km. Ở giai đoạn đầu, Dự án quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc 100 km/h.

Kiến nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo

Cục Hàng không vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.

Cục Hàng không vừa kiến nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo. Ảnh minh họa

Cục Hàng không vừa kiến nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo. Ảnh minh họa

Sau 2 lần thẩm định, Cục Hàng không đánh giá hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty CP IPP Air Cargo phù hợp với các quy định hiện nay.

Trước đó, hãng hàng không IPP Air Cargo phải bổ sung nhiều tài liệu vào hồ sơ này, trong đó có phương án tăng vốn để bù đắp vốn thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do lợi nhuận âm, chứng minh IPP Air Cargo có 100% vốn Việt Nam...

Trên cơ sở này, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét kết quả thẩm định hồ sơ, trình Chính phủ việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng bay này.

Công ty CP IPP Air Cargo có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp 210 tỷ đồng (70%), còn Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu - vợ và con ông Johnathan Hạnh Nguyễn - mỗi bên góp 10%.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin thành lập Dự án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo giữa năm ngoái. Tuy nhiên khi đó, Cục Hàng không chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa trong lúc ngành hàng không Việt Nam vẫn chồng chất khó khăn vì dịch bệnh.

Theo kế hoạch, IPP Air Cargo muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 5. Hãng dự kiến khai thác các loại máy bay B737, B777 hoặc tương đương. Chủ tịch IPPG cho biết đang cố gắng xúc tiến để nhận máy bay Boeing chở hàng đầu tiên vào tháng 6.

Tuy nhiên, để có thể cất cánh, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, IPP Air Cargo vẫn cần có thêm chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan.