Bản tin thời sự sáng 4/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dự kiến giảm 50% xã, phường; Chính phủ lập tổ phản ứng nhanh khi Mỹ áp thuế với Việt Nam; đề xuất tăng đại biểu HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập; giá USD ngân hàng lần đầu lên 26.000 đồng; hơn 280 mã giảm sàn trên HoSE, chứng khoán mất hơn 88 điểm…

Hà Nội dự kiến giảm 50% xã, phường

Hà Nội xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm khoảng 50% so với hiện tại, từ 526 phường, xã, thị trấn, xuống còn khoảng 263 đơn vị.

Hồ Gươm nhìn từ trên cao

Hồ Gươm nhìn từ trên cao

Thông tin này được Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị giao ban quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với các quận, huyện, thị xã, chiều 3/4.

Theo dự thảo phương án, việc sắp xếp sẽ dựa trên các nguyên tắc chung của Trung ương và các nguyên tắc riêng áp dụng cho đô thị đặc biệt như Hà Nội. Trong đó, yếu tố quy hoạch phát triển đô thị (hai đô thị trực thuộc phía Bắc và phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, công nghiệp và dư địa phát triển của từng địa phương được đặc biệt chú trọng.

Bên cạnh đó, phương án cũng đảm bảo giữ gìn những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa của các vùng, đặc biệt là các vùng văn hóa tiêu biểu như Thăng Long, xứ Đoài, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng. Chức năng của từng địa phương được cân nhắc, ví dụ như Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, Hoàn Kiếm cần bảo tồn giá trị văn hóa 36 phố phường, hay Sơn Tây giữ nét đặc sắc văn hóa xứ Đoài.

Các đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, khó khăn trong kết nối giao thông sẽ được xem xét, ví dụ như xã Minh Châu (huyện Ba Vì).

Hà Nội cũng tính đến việc áp dụng cách đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên huyện cũ kèm số, theo tinh thần chỉ đạo từ Trung ương, nhằm tối ưu hóa công tác số hóa và quản lý dữ liệu (ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...). Bên cạnh đó, Thành phố đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và vinh danh các địa danh nội đô giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, mang đậm dấu ấn của Thủ đô và đất nước.

Các đơn vị lân cận sẽ được đặt tên theo các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng đặc sắc khác, tránh trùng lặp. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm có thể giữ nguyên tên; từ quận Đống Đa có thể hình thành các đơn vị mang tên Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tương tự với Hai Bà Trưng (có thể có Bạch Mai), Đông Anh (có thể có Cổ Loa), Hà Đông (có thể giữ Hà Đông), Sơn Tây (có thể giữ Sơn Tây)...

Chính phủ lập tổ phản ứng nhanh khi Mỹ áp thuế với Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lập ngay tổ phản ứng nhanh để có đối sách chủ động khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam.

Chính phủ họp sau tuyên bố của Mỹ về mức thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, sáng 3/4

Chính phủ họp sau tuyên bố của Mỹ về mức thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, sáng 3/4

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ ngành sau tuyên bố của Mỹ về mức áp thuế mới với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cuộc họp có sự tham gia của người đứng đầu các bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều cơ quan khác.

"Việt Nam muốn Mỹ có chính sách phù hợp hơn với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", Thủ tướng nói, thêm rằng điều này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, phải tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề, kéo dài sau nhiều năm chiến tranh.

Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại. Theo đó, khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, áp dụng từ 9/4.

Trong đó, Việt Nam chịu mức 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành "có đối sách chủ động, linh hoạt với mọi diễn biến". Việc này nhằm giúp Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, cú sốc từ bên ngoài như những gì đã trải qua trong bối cảnh dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng...

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Ông giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo các bộ ngành, ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, nhất là đơn vị xuất khẩu lớn.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, các nhóm hàng chịu tác động từ chính sách thuế vừa công bố của Mỹ gồm: thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, giấy bột giấy, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện, máy móc thiết bị, điện tử...

Các doanh nghiệp lo ngại hàng hóa sẽ chịu tác động "rất căng thẳng" khi Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46% - thuộc nhóm nước chịu thuế suất cao. Điều này khiến giảm cạnh tranh của hàng Việt so với sản phẩm từ các nước khác.

Đề xuất tăng đại biểu HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập

Bộ Nội vụ đề xuất số đại biểu HĐND cấp tỉnh tăng thêm 15 đến 30 người so với quy định hiện hành để phù hợp với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã.

Trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh

Trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh

Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, địa phương miền núi, vùng cao có dưới 500.000 dân được đề xuất 50 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tỉnh trên 500.000 dân, cứ thêm 50.000 dân bầu thêm 1 đại biểu, tối đa 90 người (tăng 15 đại biểu so với mức tối đa hiện tại). Các tỉnh đồng bằng có dưới một triệu dân được đề xuất 50 đại biểu; cứ thêm 75.000 dân bầu thêm 1 đại biểu, tối đa 90 người (tăng 5).

Với thành phố trực thuộc Trung ương dưới một triệu dân, Bộ đề xuất 70 đại biểu (tăng 20). Thành phố trên một triệu dân thì cứ thêm 75.000 dân bầu thêm 1 đại biểu, tối đa 90 người (tăng 5). HĐND TP.HCM được đề xuất tăng từ 95 lên 125 đại biểu, bằng Hà Nội theo quy định tại Luật Thủ đô.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phường. Theo dự thảo, xã miền núi, vùng cao và đồng bằng sẽ có 20 - 40 đại biểu tùy quy mô dân số, phường có 30 - 40 đại biểu HĐND, tăng tối đa 10 người so với hiện hành. Đặc khu hải đảo có 20 - 40 đại biểu tương ứng dân số 5.000 đến trên 20.000.

Điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi là bỏ các quy định về chính quyền cấp huyện do cấp này dự kiến không còn sau sáp nhập.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ soạn thảo, 11 tỉnh, thành dự kiến giữ nguyên hiện trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc trung ương là TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng thuộc diện sắp xếp.

Tổng Bí thư Tô Lâm trước đó cho biết, dự kiến cả nước còn khoảng 34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp 63 tỉnh, thành hiện tại; không còn cấp huyện; và cả nước còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã.

Giá USD ngân hàng lần đầu lên 26.000 đồng

Giá USD trên thị trường chính thức tăng mạnh, lần đầu tiên chạm mốc 26.000 đồng một USD.

Giá USD ngân hàng lần đầu lên 26.000 đồng

Giá USD ngân hàng lần đầu lên 26.000 đồng

Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.854 đồng, tăng nhẹ 3 đồng so với ngày 2/4. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán trong vùng 23.611 - 26.096 đồng một USD.

Tới chiều 3/4, các ngân hàng thương mại tiếp tục nâng giá USD so với phiên sáng. Theo đó, Vietcombank niêm yết giá USD lên 25.610 - 26.000 đồng, cao hơn 180 đồng mỗi USD so với ngày 2/4. Tại BIDV, tỷ giá cũng lên 25.635 - 25.995 đồng một USD. Cùng thời điểm, giá mua bán USD tại Eximbank lên 25.610 - 25.990 đồng. Nếu so với đầu năm, hiện mỗi USD trên thị trường chính thức cao hơn khoảng 450 đồng, tương đương với mức tăng 1,75%.

Hiện, giá bán USD của các ngân hàng thương mại thậm chí cao hơn so với trên thị trường tự do, còn chiều mua vào từ người dân thấp hơn so với "chợ đen" chỉ khoảng 250 đồng. Chiều 3/4, một số điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch USD trong vùng 25.870 - 25.970 đồng.

Diễn biến của giá USD trong nước lệch pha so với thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt hiện giao dịch quanh mức 102,16 điểm, giảm nhẹ trong vài ngày qua.

Hơn 280 mã giảm sàn trên HoSE, chứng khoán mất hơn 88 điểm

Thị trường chứng khoán diễn biến không tích cực, nhà đầu tư bán tháo với thanh khoản sàn HoSE hơn 39.230 tỷ đồng.

Hơn 280 mã giảm sàn trên HoSE, chứng khoán mất hơn 88 điểm. Ảnh minh họa

Hơn 280 mã giảm sàn trên HoSE, chứng khoán mất hơn 88 điểm. Ảnh minh họa

Chốt phiên giao dịch chiều 3/4, thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến không mấy tích cực. VN-Index giảm gần 88 điểm, tương ứng giảm 6,68%, được nhiều chuyên gia đánh giá là mức giảm mạnh nhất lịch sử. VN-Index về mức 1.229,84 điểm.

Sàn HoSE chỉ có một vài mã tăng giá, còn lại 517 mã giảm giá, bao gồm 282 mã giảm sàn. Sàn HNX cũng bị bao phủ bởi sắc đỏ, mức giảm hơn 17 điểm, tương ứng giảm 7,2%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 giảm mạnh hơn, mức giảm hơn 93,7 điểm. Nhóm có 30 cổ phiếu thì 28 mã giảm sàn, chỉ VNM và SSB giữ được sắc đỏ hiếm hoi.

Trong nhóm này, cổ phiếu STB (Sacombank) xuất hiện giao dịch đột biến với khối lượng gần 91 triệu đơn vị. Theo sau đó, cổ phiếu MBB (MB) cũng giao dịch hơn 86 triệu đơn vị. Cổ phiếu HPG (Hòa Phát) nằm trong top 3 có khối lượng giao dịch lớn, với gần 80,7 triệu đơn vị.

Nhiều mã ngân hàng khác như SHB, TCB, TPB, VPB cũng giao dịch vài chục triệu đơn vị trong phiên này.

Về xu hướng dòng tiền, mã FPT tác động tiêu cực nhất đến rổ chỉ số, giá giảm sàn về 113.500 đồng/đơn vị. Mã này giao dịch hơn 11,4 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 1.318 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngành ngân hàng là TCB (Techcombank), ACB, LPB, MBB, VPB, STB, VCB, HDB... cũng trong nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung.

Thị trường chứng khoán diễn biến không tích cực khiến dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường. Riêng HoSE ghi nhận thanh khoản cao, hơn 39.630 tỷ đồng, HNX gần 2.554 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng rút tiền khỏi thị trường với giá trị bán ròng hơn 3.690 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh như MBB, TPB, FPT, VNM, VCB, STB, SSI, MWG, TCB, ACB...

Thảo Cầm Viên được giao hơn 96% diện tích đất thay vì thuê

TP.HCM vừa điều chỉnh từ cho thuê sang giao hơn 96% diện tích đất Thảo Cầm Viên cho doanh nghiệp cùng tên quản lý, sử dụng.

Khu đất Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) nhìn từ trên cao

Khu đất Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1) nhìn từ trên cao

Đây là nội dung trong quyết định vừa được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường ký.

Khu đất Thảo Cầm Viên có diện tích hơn 170.500 m2, vị trí tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, hiện trạng là khu Thảo Cầm Viên lớn nhất TP.HCM. Năm 2014, UBND Thành phố ký quyết định cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên thuê hơn 158.117 m2 đất với thời hạn 50 năm, trả tiền thuê hàng năm và sử dụng vào mục đích công cộng.

Tuy nhiên, theo quyết định vừa ký này, 164.702 m2 diện tích đất có mục đích công cộng (tương đương 96%) của Thảo Cầm Viên được Thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn quản lý, sử dụng. Với 5.875 m2 diện tích đất có kinh doanh (bãi giữ xe, quầy giải khát, khu ẩm thực, khu trò chơi, văn phòng làm việc...), doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thuê theo hình thức trả tiền hằng năm. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm được tính từ ngày 4/12/2014.

Thành phố cũng giao Chi cục Thuế khu vực II xác định tiền thuê đất và truy thu tiền thuê đất còn thiếu (nếu có) của Thảo Cầm Viên. Quyết định này của UBND TP.HCM là cơ sở để cơ quan thuế tính lại số tiền thuê đất cho sở thú này.

Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên là doanh nghiệp 100% vốn thuộc UBND TP.HCM, vận hành công trình cùng tên tại trung tâm Quận 1. Thảo Cầm Viên được xây dựng từ năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo (được người dân quen gọi là sở thú).

Từ năm 2015, Thảo Cầm Viên hoạt động tự chủ hoàn toàn về tài chính, ngân sách không hỗ trợ. Đây là doanh nghiệp không hoạt động vì mục đích lợi nhuận, chức năng chính là quản lý vườn thú cổ 160 năm tuổi, chăm sóc nhiều động vật và thực vật quý hiếm.

Dự kiến hơn 1,1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025

Hơn 1,1 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6, trong năm đầu kỳ thi theo chương trình mới, tăng khoảng 40.000 em so với năm ngoái.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024

Thông tin được ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu tại hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp THPT, sáng 3/4.

Kỳ thi năm nay được tổ chức cho 2 nhóm thí sinh, tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) và cũ (2006). Con số nêu trên là nhóm học sinh tốt nghiệp năm nay. Số thí sinh tự do sẽ căn cứ thực tế đăng ký.

So với năm ngoái, số thí sinh tăng từ 1,06 triệu lên trên 1,1 triệu.

Từ ngày 21 - 28/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trước đó các em có 4 ngày để đăng ký thử. Ông Chương lưu ý thí sinh sử dụng thông tin mã định danh trên VNEID để đăng ký trực tuyến tại trường THPT, không cần cung cấp thêm giấy tờ khác. Riêng con thương binh, liệt sĩ phải có thêm minh chứng để cộng điểm ưu tiên.

"Khi đăng ký, thí sinh phải chọn chương trình. Đây là thông tin quan trọng, làm căn cứ sắp xếp địa điểm, bố trí phòng, đề thi cho các em", ông Chương nói.

Ngoài ra, vì kỳ thi năm nay có hai nhóm thí sinh với lịch thi, số môn khác nhau nên các địa phương không được bố trí hai nhóm ở cùng một điểm thi.

"Dù chỉ có một thí sinh theo chương trình cũ thì cũng phải bố trí thi riêng", ông cho hay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong hai ngày 26 - 27/6.

Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu phải làm bốn bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn hai môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).

Trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, điểm các môn thi chiếm 50%; còn lại là điểm học bạ lớp 10, 11 và 12 (50%) và điểm ưu tiên nếu có. So với trước, điểm học bạ tăng 20%.

Thí sinh thi theo chương trình cũ (chương trình 2006) sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng một trong hai bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Hai cao tốc qua Bình Định, Phú Yên sẽ thông xe dịp 2/9

Hai đoạn cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc tuyến Bắc Nam giai đoạn 2 sẽ được thông xe dịp lễ 2/9, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Xây dựng.

Hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Hầm Sơn Triệu trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn dài hơn 70 km, đi qua tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 12.400 tỷ đồng. Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 61,7 km, đi qua Bình Định và Phú Yên, có tổng đầu tư hơn 14.800 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn đến nay đạt tiến độ hơn 70% giá trị hợp đồng, vượt 0,29% so với tiến độ được duyệt. Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh đạt hơn 71% sản lượng, cơ bản đảm bảo kế hoạch.

Hai dự án đã hoàn thành 79 cầu, còn 14 cầu đang lao dầm. Riêng cầu Kỳ Lộ dài gần 1,9 km, cao 49 m thi công trong điều kiện gió lớn nên gặp nhiều khó khăn, nhà thầu đang nỗ lực xử lý.

Thị sát hiện trường thi công, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu, các nhà thầu tranh thủ thời tiết miền Trung đang vào mùa khô, đẩy nhanh tiến độ. Cần làm ngày làm đêm, tăng ca tăng kíp, gói thầu xong càng sớm ngày nào càng tốt ngày ấy.

Bộ trưởng yêu cầu đến 2/9 các dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong thông tuyến. Nhà thầu cần giám sát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo an toàn cho công nhân, không vì chạy theo tiến độ mà đánh đổi chất lượng dự án.

12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) được khởi công ngày 1/1/2023, với tổng vốn 146.990 tỷ đồng, dài 729 km. Bộ Xây dựng đang phấn đấu thông xe 4 dự án vào dịp 30/4, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang.

Hai dự án được thông xe vào dịp 30/6 là Vũng Áng - Bùng, Vạn Ninh - Cam Lộ. Các dự án còn lại sẽ được thông xe trong năm 2025, nối thông cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tin cùng chuyên mục