Sân bay Phù Cát sẽ có kiến trúc tòa Tháp Chàm, đón 7 triệu khách/năm
Đến năm 2050, Cảng hàng không Phù Cát (tỉnh Bình Định) dự kiến xây mới các nhà ga hành khách, nâng công suất lên 7 triệu khách/năm và khai thác được tàu bay Code E. Cùng với đó, sẽ tạo hình thức kiến trúc của khối nhà ga đồng bộ, có 3 tòa tháp mang dáng dấp những tòa Tháp Chàm...
Sân bay Phù Cát sẽ có kiến trúc tòa Tháp Chàm |
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Theo đó, Cảng hàng không Phù Cát, trước đây là sân bay Phù Cát, được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970. Nhà ga hành khách hiện có công suất 600 hành khách/giờ cao điểm, tương đương 1,5 triệu hành khách/năm; diện tích sử dụng 8.397 m2.
Đánh giá năng lực khai thác của sân đỗ tàu bay, đơn vị tư vấn nhận định với tổng số 8 vị trí đỗ, Cảng hàng không Phù Cát đảm bảo đáp ứng nhu cầu khai thác hiện tại các loại tàu bay Code C (A320, A321 và tương đương) với điều kiện hạn chế về tải trọng khai thác do sức chịu tải của hệ thống sân đường khu bay xuống cấp vì được xây dựng, khai thác từ lâu...
Đồng thời, Cảng hàng không Phù Cát là sân bay quân sự cấp I, có mật độ bay huấn luyện cao.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu khai thác các loại tàu bay Code C đầy tải hoặc tàu bay Code E lớn hơn cần phải nâng cấp toàn bộ hệ thống sân đường khu bay theo định hướng.
Theo đó, với quy hoạch nhà ga hành khách, trên cơ sở dự báo sản lượng hành khách đến năm 2030, đơn vị tư vấn cho rằng cần thiết xây mới nhà ga hành khách cạnh nhà ga hành khách hiện hữu, công suất thiết kế 2,3 triệu hành khách, cải tạo nhà ga hiện hữu đạt công suất 2,4 - 2,7 triệu hành khách, tổng công suất nhà ga đạt được 5 triệu hành khách/năm.
Sau đó, giai đoạn đến 2050, xây mới nhà ga hành khách về phía bên trái nhà ga hiện hữu với công suất 2,3 triệu hành khách tổng công suất nhà ga đạt được 7 triệu hành khách/năm. Cải tạo hình thức kiến trúc của khối nhà ga cũ đồng bộ với khối nhà ga mới thành tập hợp công trình có 3 tòa tháp mang dáng dấp những tòa Tháp Chàm, một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử của địa phương.
Quảng Trị huỷ kết quả trúng đấu giá hàng chục lô đất do “bỏ cọc”
Mới đây, UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ra quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất tại Khu đô thị Khóm 6, thị trấn Diên Sanh.
Hàng chục lô đất, trị giá hàng chục tỷ đồng tại Quảng Trị đã bị hủy kết quả trúng đấu giá do người trúng đấu giá "bỏ cọc" |
Nguyên nhân hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất do quá thời hạn, người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Được biết, 9 lô đất hủy kết quả trúng đấu giá có diện tích 1.751 m2, tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 13,4 tỷ đồng. 9 người trúng đấu giá đã nộp trước hơn 1,4 tỷ đồng.
UBND huyện Hải Lăng cũng quyết định trưng thu số tiền hơn 1,4 tỷ đồng này nộp vào ngân sách nhà nước. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Hải Lăng có trách nhiệm thực hiện thủ tục trưng thu số tiền đặt trước trên để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức bán đấu giá lại 9 lô đất vừa nêu.
Thời gian qua, tình trạng người trúng đấu giá các lô đất bỏ cọc (tiền ký quỹ) xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chính quyền các địa phương trong tỉnh Quảng Trị liên tục ra các quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng hàng chục lô đất, giá trị hàng tỷ đồng với lý do người trúng đấu giá “bỏ cọc”.
Hà Nội bố trí làn đường dành riêng cho xe máy trên cầu Thanh Trì
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội tiến hành thu hẹp dải phân cách, mở thêm làn cho xe ô tô và bố trí làn đường dành riêng cho xe máy trên cầu Thanh Trì với chiều rộng là 3,5 m và 2,9 m.
Giao thông trên cầu Thanh Trì nhìn từ trên cao |
Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, trước nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông trên cầu Thanh trì, Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT Hà Nội) đã giao cho Ban tiến hành tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì, bố trí 3 làn ô tô và 1 làn dành riêng cho xe máy được chia bằng dải phân cách thay cho 2 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp trước đó.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đã tiến hành thu hẹp dải phân cách, mở thêm làn cho xe ô tô và bố trí làn đường dành riêng cho xe máy trên cầu Thanh Trì.
Bề rộng phần đường dành cho xe máy là 2,9 m và mỗi làn đường dành cho ôtô rộng 3,5 m. Toàn bộ công đoạn tổ chức lại giao thông, sửa chữa, sơn kẻ vạch đường dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 12/2022.
Sau một thời gian đưa vào khai thác, hiện nay, số lượng phương tiện lưu thông qua cầu Thanh Trì gấp 7 lần so với thiết kế ban đầu với 25.000 lượt phương tiện/ngày. Thời gian qua, khu vực này trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, việc tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì nhằm giảm tải lưu lượng phương tiện xe cơ giới qua cầu.
Bến Tre đóng cửa nhà máy rác gây ô nhiễm
Nhà máy của Công ty CP Xử lý rác thải Bến Tre bị buộc đóng cửa 7 tháng rưỡi để xử lý gần 100.000 tấn rác tồn đọng.
"Núi rác" gần 100.000 tấn tồn đọng ở Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre |
Quyết định xử phạt Công ty CP Xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh bến Tre) vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam ký, sau nhiều lần yêu cầu nhưng đơn vị này không khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre rộng gần 4 ha, tổng vốn 200 tỷ đồng khởi công đầu năm 2016, hoạt động từ giữa năm 2018. Theo thiết kế, Nhà máy có thể tiếp nhận 200 tấn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên, quá trình vận hành nơi đây chỉ xử lý được khoảng 40% công suất. Sau 4 năm, lượng rác tồn đọng gần 100.000 tấn.
Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải, khí thải của Nhà máy hoạt động chưa hiệu quả, tro xỉ chưa được thu gom. Tại khu vực bãi chứa, rác chưa được xử lý bốc mùi hôi, nước rỉ chảy ra ngoài ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Hàng chục hộ đã nhiều lần gửi đơn phản ánh đề nghị Nhà máy khắc phục ô nhiễm, nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý.
4 tháng trước, chính quyền Bến Tre ra "tối hậu thư" yêu cầu đến cuối tháng 7 Nhà máy phải hoàn thiện các hạng mục còn dang dở và giải quyết tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, đến hạn đơn vị này vẫn chưa khắc phục.
Bình Dương thử nghiệm ô tô không người lái chở khách
Tuyến đường 750 m ở trung tâm thành phố Thủ Dầu Một được dùng vận hành thử nghiệm xe không người lái chở khách.
Xe không người lái chạy thử nghiệm ở Bình Dương |
Xe không người lái được UBND tỉnh Bình Dương cho chạy thử nghiệm từ ngày 3 - 9/10. Ô tô chạy trên tuyến đường từ tòa nhà Trung tâm hành chính Tỉnh đến Khu thương mại Hikari nhằm phục vụ khách ở hai tòa nhà này.
Ô tô không người lái do Tập đoàn Phenikaa-X Việt Nam nghiên cứu, phát triển vào năm 2021, đã thử nghiệm thành công tại Đại học Phenikaa (Hà Nội). Xe dài 3,5 m, rộng 1,6 m, cao 2,3 m, chở 4 - 5 người (tối đa 600 kg); thân làm bằng vật liệu composite; tốc độ tối đa 20 km/h, mỗi lần sạc (6 giờ) có thể chạy quãng đường 40 km; chạy được hai chiều; hoạt động an toàn khi trời mưa... Chi phí sản xuất trước đó được Phenikaa-X thông tin khoảng 1,5 tỷ đồng.
Theo đại diện nhà sản xuất, các tính năng tự hành của xe đạt đến cấp độ 4 (tiêu chuẩn của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi, gồm 5 cấp độ) nhờ trang bị bản đồ 3D, các cảm biến LiDAR và GPS phân giải cao. Các tính năng này cùng với hệ thống an toàn, nhận diện và điều khiển thông minh giúp ô tô ra quyết định rẽ trái, phải, dừng lại, nhường đường, giảm tốc độ khi vào góc cua, gặp vật cản...
Ông Oh Dongkun, Tổng giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu (đơn vị phối hợp dự án thử nghiệm ở Bình Dương) cho biết, sau thời gian thử nghiệm, các đơn vị liên quan sẽ xác minh độ an toàn, khả năng xử lý của xe, khảo sát khách sử dụng. Từ dữ liệu thu được, các bên phân tích và nghiên cứu những biện pháp thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, trong đó gồm lĩnh vực giao thông.
Đề xuất lập thêm phố ẩm thực ở TP.HCM
Phố ẩm thực Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (TP.HCM), dự kiến có tuyến xe điện và bến thuyền phục vụ du khách, tổng kinh phí thực hiện 31 tỷ đồng.
Phố ẩm thực ở đường Hồ Thị Kỷ (Quận 10) |
Kiến nghị được nêu trong báo cáo của Sở Công Thương gửi UBND TP.HCM ngày 4/10. Phố ẩm thực dự kiến nằm trên trục đường Phan Xích Long dẫn vào Khu dân cư Rạch Miễu, các đường nhánh (mang tên đường hoa), đường Nguyễn Công Hoan, Cù Lao tại Phường 1, 2, 7.
Cổng chính khu phố ở đầu đường Phan Xích Long giao Phan Đăng Lưu (cổng chính) và tại ngã ba Trường Sa - Hoa Phượng (cổng phụ) có cổng chào. Vỉa hè đường Phan Xích Long được cải tạo, trang trí đèn, sửa chữa cảnh quan. Khu vực có xe điện cho khách, mở bến thuyền du lịch tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kết nối hai bến hiện hữu ở Quận 1 và 3. Khách từ quận Phú Nhuận có thể tham quan về đêm trên sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, Tân Cảng...
Kinh phí làm phố ẩm thực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa; chi phí vận hành dự kiến 500 triệu đồng mỗi năm.
Sở Công Thương đánh giá, phố ẩm thực này sẽ tạo không gian giải trí, tham quan, vui chơi cho người dân, đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế đêm. Đường Phan Xích Long tập trung nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng, thu hút du khách.
TP.HCM hiện có một số tuyến phố đi bộ, ẩm thực gồm: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (Quận 1); phố ẩm thực đường Vĩnh Khánh (Quận 4), Hậu Giang (Quận 6), Quang Trung, Hồ Thị Kỷ (Quận 10).
TP.HCM phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng Vành đai 3
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM.
TP.HCM phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng Vành đai 3 |
Phạm vi ranh giải phóng mặt bằng được chia thành hai đoạn. Đoạn 1 (địa phận TP. Thủ Đức) dài khoảng 14,73 km với điểm đầu giáp nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn. Đoạn 2 (địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) dài khoảng 32,62 km, điểm giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Thầy Thuốc.
Việc phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc Dự án Vành đai 3 sẽ là cơ sở để TP.HCM thực hiện các công việc tiếp theo như lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Xác định nhu cầu tái định cư, bám sát tiến độ tổng thể của Dự án đã được đề ra.
UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (Ban Giao thông) phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan tổ chức cắm cọc và bàn giao hồ sơ ranh giải phóng mặt bằng dự án để thực hiện các công việc tiếp theo.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.378 tỷ đồng.
Phá đường dây làm giả sổ đỏ, CCCD gắn chip ở Sài Gòn
Nguyễn Văn Thái thuê nhà trọ ở TP. Thủ Đức (TP.HCM), mua máy móc rồi cùng đồng phạm làm giả sổ đỏ, CCCD gắn chip... với giá vài triệu đồng.
Căn cước công dân giả |
Ngày 4/10, Thái cùng Võ Văn Tư, Phạm Văn Triều bị Công an TP. Thủ Đức bắt về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo điều tra, Thái cùng Tư thuê trọ tại phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, đầu tư mua máy móc về làm giả các loại giấy tờ. Bộ đôi đăng quảng cáo trên các diễn đàn, nhóm kín về việc làm giấy tờ, bằng cấp "bằng mắt thường không biết là giả" với giá từ một triệu đến vài triệu đồng, tuỳ độ khó; hứa bảo mật thông tin.
Khi có khách, nhóm này nhận thông tin qua Zalo, khi làm xong sẽ thuê Triều đi giao hoặc nhờ bên giao hàng công nghệ.
Khám xét nhà trọ của nhóm Thái, cảnh sát phát hiện nhiều máy móc, con dấu, nguyên liệu... và hàng loạt sổ đỏ, bằng đại học, CCCD gắn chip giả chưa kịp giao khách.
Ngoài ra, hồi cuối tháng 9, Công an TP. Thủ Đức cũng bắt Nguyễn Văn Duy và 3 người khác về hành vi tương tự.
Trong đó, Duy đang bị Công an huyện Nhà Bè truy nã về tội Bắt giữ người trái pháp luật. Thời gian bỏ trốn, Duy dùng CMND giả thuê căn hộ làm nơi sản xuất giấy tờ giả, thuê 2 đàn em kiếm khách và đi giao hàng, trả lương 10 triệu đồng mỗi tháng.