Bản tin thời sự sáng 5/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 sẽ mở cửa trong 8 ngày; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong; bắt tạm giam cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn; không có ai tham gia đấu giá du thuyền của FLC; chưa thể thu phí không dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất…

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 sẽ mở cửa trong 8 ngày

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 sẽ mở cửa trong 8 ngày, từ 19h ngày 19/1 đến 21h ngày 26/1/2023 (tức từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).

Đường hoa Nguyễn Huệ trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân TP.HCM và du khách mỗi dịp Tết đến Xuân về

Đường hoa Nguyễn Huệ trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân TP.HCM và du khách mỗi dịp Tết đến Xuân về

Ngày 4/11, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức trang trí đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 - Tết Quý Mão 2023.

Theo đó, đường hoa Nguyễn Huệ 2023 mang chủ đề "TP.HCM - Xuân an vui, xuân thịnh vượng". Thời gian thi công đường hoa từ ngày 3/1 đến ngày 19/1/2023.

Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa phục vụ người dân trong 8 ngày, từ 19h ngày 19/1 đến 21h ngày 26/1/2023 (tức từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết). Trong thời gian này, sẽ cấm tất cả xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ.

Kinh phí tổ chức đường hoa từ nguồn vận động xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước.

Theo UBND TP.HCM, đường hoa Nguyễn Huệ năm nay sẽ có các hoạt động kết nối như lồng ghép trong thiết kế thể hiện điểm nhấn đường hoa được liên tục thực hiện lần thứ 20.

Bên cạnh đó, tại đường hoa sẽ tổ chức các hoạt động đặc trưng văn hóa ngày Tết với sự tham gia của đại diện cơ quan ngoại giao các nước; tổ chức 20 gian hàng ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật…

Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong

Trước khi miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong, cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định để ông Lê Tuấn Phong thôi giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy và thôi tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025 để nghỉ công tác từ ngày 1/11/2022.

HĐND tỉnh Bình Thuận đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Lê Tuấn Phong

HĐND tỉnh Bình Thuận đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Lê Tuấn Phong

Ngày 4/11, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã khai mạc Kỳ họp thứ 10 (chuyên đề) để thực hiện công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND Tỉnh.

Kỳ họp có 40/53 đại biểu tham gia, trong đó ông Lê Tuấn Phong vắng mặt vì lý do việc gia đình. Kết quả bỏ phiếu có 40/40 đại biểu đồng ý miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trước đó, vì nhiều lý do khác nhau, ông Phong có nguyện vọng được cấp có thẩm quyền cho thôi giữ các chức vụ để nghỉ công tác.

Ngày 26/10, cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định để ông Lê Tuấn Phong thôi giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy và thôi tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025 để nghỉ công tác từ ngày 1/11/2022.

Hồi cuối tháng 7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký hàng loạt quyết định kỷ luật nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận do đã có những khuyết điểm trong công tác, gây hậu quả nghiêm trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ông Lê Tuấn Phong đã để xảy ra sai phạm thời kỳ làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận. Ông Phong đã ký tờ trình tham mưu UBND Tỉnh chấp thuận Công ty Trường Phúc Hải làm Dự án "lấn biển, chỉnh trang đô thị và sắp xếp lại dân cư ở phường Đức Long, TP. Phan Thiết" (Hamubay). Đây là một trong 9 dự án "đất vàng" ở Bình Thuận bị Bộ Công an điều tra dấu hiệu giao đất giá rẻ, không đấu giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Bắt tạm giam cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa bắt tạm giam Nguyễn Tín Trung, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trụ sở Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco trên đường Sương Nguyệt Ánh, Quận 1, TP.HCM

Trụ sở Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco trên đường Sương Nguyệt Ánh, Quận 1, TP.HCM

Cùng tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, ngoài ông Nguyễn Tín Trung, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM còn bắt tạm giam Nguyễn Phước Ngọc (cựu Tổng giám đốc Resco, hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM); Võ Hữu Hải (kiểm soát viên Tổng công ty Resco giai đoạn từ năm 2010 đến 2016) và ba thành viên HĐTV gồm: Trần Công Đức, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Đỗ Văn Phúc.

Theo cơ quan Công an, trong thời kỳ công tác tại Resco, các bị can chuyển nhượng hai mặt bằng tại địa chỉ 299/18 Lý Thường Kiệt (Phường 15, Quận 11, TP.HCM) gây thiệt hại 80 tỷ đồng và mặt bằng 682 Hồng Bàng (Phường 1, Quận 11, TP.HCM) gây thiệt hại cho Nhà nước 14 tỷ đồng. Tổng thiệt hại do chuyển nhượng hai mặt bằng trên là 94 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, Thanh tra TP.HCM công bố Kết luận thanh tra thời kỳ 2017, 2018 về phòng chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Resco. Kết luận thanh tra đã chỉ ra việc Resco chi tùy tiện hơn 54 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt bất thường, sai phạm tài chính, đầu tư tại 6 dự án. Trong đó, điển hình là sai phạm tại 2 dự án đầu tư chung cư Nguyễn Kim - khu B (3 mặt tiền đường Lý Thường Kiệt - Nhật Tảo - Vĩnh Viễn, Phường 7, Quận 10) và cao ốc văn phòng số 257 Điện Biên Phủ (Quận 3).

Không có ai tham gia đấu giá du thuyền của FLC

Buổi đấu giá du thuyền FLC Albatross với mức giá khởi điểm gần 36 tỷ đồng ngày 4/11 bất thành do không có người đăng ký tham gia.

Du thuyền FLC Albatross được neo đậu tại TP.HCM

Du thuyền FLC Albatross được neo đậu tại TP.HCM

Ngày 4/11, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp tổ chức đấu giá du thuyền FLC Albatross với mức giá khởi điểm gần 36 tỷ đồng nhưng không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia buổi đấu giá này. Do đó, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp vừa thông báo sẽ tổ chức buổi đấu giá tài sản này lần 2 vào sáng 21/11 tại TP.HCM.

Đây là tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV Chi nhánh Quy Nhơn, được bán đấu giá để thu hồi nợ. Du thuyền của FLC thuộc dòng Galeon 660 Fly được đóng tại Ba Lan năm 2017.

Mức giá khởi điểm để đấu giá du thuyền FLC Albatross được giảm hơn 1 tỷ đồng so với lần đầu tiên, xuống còn 34,6 tỷ đồng. Người tham giá đấu giá phải đặt trước 3,46 tỷ đồng, tương ứng 10% mức giá khởi điểm.

Hiện tại, du thuyền vẫn được neo đậu ở Công ty TNHH Câu lạc bộ Du thuyền Việt Nam, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Chưa thể thu phí không dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu trong tháng 10 phải thử nghiệm thu phí không dừng nhưng đã tháng 11, hoạt động thu phí tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vẫn được thực hiện thủ công.

Tài xế dừng trước trạm thu phí để trả thẻ và trả phí mỗi lượt ra/vào sân bay Tân Sơn Nhất

Tài xế dừng trước trạm thu phí để trả thẻ và trả phí mỗi lượt ra/vào sân bay Tân Sơn Nhất

Hoạt động thu phí ra vào sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được xử lý thủ công. Ô tô ra, vào sân bay để đón khách, người thân đều dừng chờ trước các trạm thu phí để nhân viên làm thủ tục kiểm soát vé.

Thời gian qua, sân bay Tân Sơn Nhất có lượng khách đông đúc với cao điểm có ngày đạt trên 100 nghìn khách đi/đến. Do đó, lượng ô tô ra vào đón khách qua sân bay này cũng tăng, kéo theo tình trạng ùn ứ khi qua hệ thống các trạm thu phí sân bay lẫn khu vực nhà giữ xe TCP.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương nghiên cứu việc đầu tư và vận hành chế độ không dừng bằng công nghệ camera nhận diện xe ra, vào cảng hàng không để tránh tình trạng ùn tắc tại cảng hàng không, sân bay.

ACV chọn sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài để triển khai thí điểm. Dự kiến trong tháng 10/2022 sẽ đưa vào thử nghiệm hệ thống, thế nhưng tới tháng 11, nơi đây vẫn chưa có dấu hiệu biến chuyển.

Đại diện ACV cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã phối hợp với bên cung ứng công nghệ hoàn thành lắp đặt thiết bị và chỉ chờ kết nối dữ liệu vào hệ thống quốc gia. Theo quy trình, ACV đang chờ xin ý kiến của cấp có thẩm quyền quyết định để đưa hệ thống vào vận hành.

Bắt tạm giam Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá

Ông Cầm Bá Xuân (Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, cựu Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân) bị bắt với cáo buộc "ưu ái người thân" chuyển đổi giá trị đất trái quy định.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Cầm Bá Xuân

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Cầm Bá Xuân

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Cầm Bá Xuân, sinh năm 1965, ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân), hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, năm 2014, với vai trò là Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, ông Cầm Bá Xuân đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch, ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu của xã Ngọc Phục, ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 5.000 m2 từ đất rừng sản xuất sang đất ở nông thôn, ký phê duyệt giá đất để chuyển mục đích sử dụng đất thấp hơn giá quy định để tạo điều kiện cho công dân xây dựng cơ sở chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Liên quan đến vụ án này, ngày 2/11, Cơ quan CSĐT Công an Tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Lê Văn Khánh, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thường Xuân về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều mở rộng vụ án.

Đề xuất mở 17 tuyến xe đưa đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất

Công ty Liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân đề xuất mở 17 tuyến nối sân bay Tân Sơn Nhất với khu đô thị, bến xe... ở TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại.

Khách lên xe buýt ở sân bay Tân Sơn Nhất

Khách lên xe buýt ở sân bay Tân Sơn Nhất

Nội dung trên vừa được Công ty gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi được yêu cầu bổ sung các thông tin liên quan nhằm hoàn chỉnh kế hoạch mở các tuyến. Đây là đơn vị thời gian qua tham gia dịch vụ chở khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Trong 17 tuyến được đề xuất, có 4 chặng sẽ kết nối sân bay đến bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức. Hai tuyến đi về bến xe Miền Tây, quận Bình Tân. Hai tuyến nối khu Phú Mỹ Hưng (Quận 7) và khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh).

Các tuyến còn lại lần lượt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến các khu vực: Thảo Điền, An Phú, đảo Kim Cương (TP. Thủ Đức); trạm trung chuyển Hàm Nghi (Quận 1); khu dân cư Dương Hồng - Mizuki (huyện Bình Chánh); chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn); Khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh); Khu tái định cư Phú Định (Quận 8); cầu Phú Long (Quận 12).

Trước đó, để giúp sân bay Tân Sơn Nhất giảm ùn tắc và khách thêm lựa chọn đi lại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất mở hai tuyến buýt chạy qua sân bay đón trả khách. Hiện khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có ba tuyến buýt, trong đó hai chặng hoạt động ở nội đô gồm: 109 nối đến bến xe buýt Sài Gòn, Quận 1 và 152 chạy đến huyện Bình Chánh. Tuyến còn lại mã 72-1 chạy đến Vũng Tàu.

Đấu giá nhà công sản ở Quảng Ngãi, có trường hợp trúng sát giá khởi điểm

Những căn nhà công sản có giá hàng chục tỷ đồng được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá tạo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, có một số căn nhà mà giá trúng đấu giá chỉ cao hơn giá khởi điểm khoảng 20 triệu đồng.

Ngôi nhà 477 đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi nguyên là trụ sở Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi

Ngôi nhà 477 đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi nguyên là trụ sở Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá 6 nhà, đất công sản trên địa bàn TP. Quảng Ngãi. Kết quả thu về khoảng 118 tỷ đồng.

Trong số 6 nhà, đất công sản được đưa ra đấu giá, có trường hợp giá trúng đấu giá tăng đến hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp giá trúng đấu giá chỉ tăng khoảng 20 triệu đồng.

Chẳng hạn như nhà, đất công sản số 388 đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi có diện tích đất 66,8 m2 với giá khởi điểm gần 6 tỷ đồng. Qua đấu giá, ngôi nhà này được bán với giá 20,1 tỷ đồng, tăng khoảng 14 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trong khi đó, nhà, đất công sản số 477 đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi có diện tích đất 759,4 m2, giá khởi điểm là 41,128 tỷ đồng và giá trúng đấu giá là 41,149 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm khoảng 21 triệu đồng.

Nhà, đất công sản số 321 đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi có diện tích đất 264,4 m2, giá khởi điểm 14,038 tỷ đồng. Người trúng đấu giá đã trả 14,058 tỷ đồng, cao hơn khoảng 20 triệu đồng so với giá khởi điểm.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tất cả nhà, đất công sản được đưa ra bán đấu giá đều đang bỏ hoang do không có nhu cầu sử dụng, tất cả tài sản trên đất hầu như đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả Louis Vuitton, Gucci tại TP.HCM

Tối 4/11, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đã tạm giữ 1.903 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM tạm giữ 1.903 sản phẩm giả mạo Louis Vuitton, Gucci...

Cục Quản lý thị trường TP.HCM tạm giữ 1.903 sản phẩm giả mạo Louis Vuitton, Gucci...

Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phối hợp Đội 7 - PC03, Công an TP.HCM kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của điểm kinh doanh và chứa trữ hàng hóa Nhật Si 68 (1110 B10 - B11 - B12 đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Đông, TP. Thủ Đức) do ông Nguyễn Khánh Hồng Linh (sinh năm 1993) là chủ kinh doanh.

Qua kiểm tra thực tế, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện 1.903 đơn vị sản phẩm áo, giày, dép, túi xách chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam (Louis Vuitton, Gucci, Dior…).

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Khánh Hồng Linh trình bày, toàn bộ hàng hóa nêu trên do mình làm chủ sở hữu, được mua trôi nổi trên thị trường trong nước. Khi mua không có hóa đơn chứng từ, không rõ họ tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ cụ thể của người bán.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (TP.HCM).

Lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra 6 điểm kinh doanh các mặt hàng như túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Đây là các hộ kinh doanh có tên tuổi trong Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.