Bản tin thời sự sáng 5/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ đề xuất bổ sung 44.000 tỷ đồng chi trả chế độ sau tinh gọn bộ máy; xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử sớm; doanh thu du lịch TP.HCM dịp 30/4 gấp đôi Tết; hệ thống KRX sẵn sàng vận hành từ 5/5; khách du lịch chi tiêu hơn 3.000 tỷ đồng ở Hà Nội dịp 30/4 và 1/5…

Chính phủ đề xuất bổ sung 44.000 tỷ đồng chi trả chế độ sau tinh gọn bộ máy

Báo cáo Quốc hội một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành ngân sách, Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ sau sắp xếp bộ máy.

Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp bộ máy

Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp bộ máy

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 vừa được Chính phủ hoàn thiện và gửi tới Quốc hội.

Việc xử lý một số nhiệm vụ chi phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước cũng được Chính phủ trình Quốc hội, nhằm thực hiện những chủ trương lớn trong năm nay như phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, miễn học phí…

Trong đó, Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 để bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng quy định tại các Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 28.290 tỷ đồng dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng quy định tại Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ theo cơ chế thực hiện cải cách tiền lương.

Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện khoản kinh phí 44.000 tỷ đồng nêu trên theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước.

Trường hợp sử dụng hết nguồn 44.000 tỷ đồng trên, để chủ động về nguồn bổ sung cho các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tích lũy chi cải cách tiền lương của ngân sách trung ương năm 2024 còn dư để bổ sung cho các địa phương, giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp gần nhất.

Theo chương trình dự kiến, ngay trong phiên khai mạc sáng 5/5, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử sớm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa mới.

Xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử sớm

Xem xét rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để bầu cử sớm

Chiều 3/5, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tại Phiên họp 44 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về sửa luật bầu cử cũng như trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xác định ngày bầu cử.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Thông lệ, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kết thúc vào tháng 1 thì công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5, tức là có 4 tháng để tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Theo bà Thủy, "thời gian 4 tháng là khá dài". Việc thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về mặt nhân sự cấp cao Nhà nước, gắn với kiện toàn nhân sự trong Đảng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để làm sao cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND lần tới tiến hành gần nhất có thể sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc.

Bà Thủy cho rằng, quy trình như trên sẽ thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy và nhân sự Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, luật bầu cử được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện để công tác bầu cử khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử.

Cũng theo bà Thuỷ, ngoài sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 2013, Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 34 dự án luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật…

Doanh thu du lịch TP.HCM dịp 30/4 gấp đôi Tết

Trong 15 ngày, từ 20/4 - 4/5, TP.HCM phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Người dân đứng xem diễu binh sáng 30/4 tại TP.HCM

Người dân đứng xem diễu binh sáng 30/4 tại TP.HCM

Loạt sự kiện, hoạt động trong dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP.HCM đã giúp ngành du lịch "bội thu".

Trong 15 ngày, từ 20/4 (ngày bắt đầu diễn ra các sự kiện quan trọng như sơ duyệt, tổng duyệt, bắn pháo hoa tầm cao) đến 4/5, Thành phố phục vụ 2,7 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt 15.700 tỷ đồng. Doanh thu này cao gấp đôi mức ngành du lịch Thành phố thu về trong 9 ngày nghỉ lễ dịp Tết Ất Tỵ, với 7.690 tỷ đồng, và bằng doanh thu tháng 3/2024 - một trong những tháng có doanh thu cao nhất năm ngoái.

Tính riêng 5 ngày nghỉ lễ, Thành phố phục vụ khoảng 1,95 triệu lượt khách, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách quốc tế đến thành phố đạt 120.000 lượt, tăng gấp đôi so với 54.000 lượt của năm ngoái. Tổng thu du lịch 5 ngày này ước đạt hơn 7.100 tỷ đồng.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, các khách sạn trong thành phố chạm "đỉnh công suất". Từ 27/4 - 1/5, công suất phòng các khách sạn 1 - 5 sao trung tâm Thành phố đạt từ 95 - 100%, nhiều khách sạn 4 - 5 sao kín phòng. Các khách sạn ở khu vực lân cận đạt công suất từ 80% trở lên, đặc biệt là hai ngày cao điểm 30/4 - 1/5 nhiều nơi cháy phòng.

Trong dịp đại lễ năm nay, các tour du lịch nội đô (city tour) và tour lịch sử, về nguồn "bùng nổ", tăng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách chọn khởi hành du lịch trễ (1 - 2/5) có xu hướng tăng, tuy nhiên xu hướng chính là ở lại Thành phố xem diễu binh và tham gia các tour nội đô.

Hệ thống KRX sẵn sàng vận hành từ 5/5

Theo lãnh đạo HoSE, nhà thầu, chủ đầu tư, các đơn vị thụ hưởng và các thành viên thị trường đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, sẵn sàng cho hệ thống KRX vận hành từ 5/5.

Hệ thống giao dịch KRX đã sẵn sàng "go-live" từ ngày 5/5

Hệ thống giao dịch KRX đã sẵn sàng "go-live" từ ngày 5/5

Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) đã sẵn sàng vận hành chính thức từ ngày 5/5.

“Theo báo cáo của các đơn vị, công tác chuyển đổi sang Hệ thống KRX cho thị trường chứng khoán đã hoàn tất. Các thành viên thị trường cũng đã hoàn thành kiểm thử Hệ thống mới sau chuyển đổi, dữ liệu các bên đã được so khớp đối chiếu. Kết quả cho thấy hệ thống hoạt động ổn định và sẵn sàng để mở cửa giao dịch vào ngày 5/5”, bà Trần Anh Đào nói.

Theo lãnh đạo HoSE, công tác chuyển đổi hệ thống đã diễn ra từ ngày 29/4 - 4/5. Đây là một trong những khâu chuẩn bị gần như cuối cùng, với sự tham gia của nhiều bên liên quan bao gồm nhà thầu, HoSE và các đơn vị thụ hưởng (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam - VSDC) và hơn 90 thành viên thị trường (công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng thanh toán…).

Về cơ bản, tới nay, dữ liệu đã được xuất từ hệ thống cũ chuyển đổi sang hệ thống mới và kiểm tra đối chiếu, đảm bảo đủ và đúng. Hệ thống đã vận hành thử một ngày giao dịch trên quy mô toàn thị trường vào 3/5 với kết quả ổn định.

Ngày 4/5, nhà thầu đã kiểm tra lần cuối hệ thống bao gồm kiểm tra kết nối với thành viên, thông số cấu hình thị trường, cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát máy chủ, ứng dụng, lưu trữ… để chuẩn bị cho việc go-live.

Bà Trần Anh Đào cho hay, trong thời gian đầu, để hệ thống vận hành thông suốt, an toàn, ổn định, nhất là trong ngày vận hành chính chức, nhà thầu đã cử hơn 40 chuyên gia làm việc trực tiếp tại HoSE.

Khách du lịch chi tiêu hơn 3.000 tỷ đồng ở Hà Nội dịp 30/4 và 1/5

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khoảng 875.200 lượt khách du lịch, tham quan và nghỉ dưỡng ở Thủ đô Hà Nội, chi tiêu hơn 3.000 tỷ đồng.

Khách du lịch xếp hàng mua vé tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Khách du lịch xếp hàng mua vé tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ từ ngày 30/4 - 4/5, hoạt động du lịch Hà Nội diễn ra sôi nổi.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, Thành phố ước đón khoảng 875.200 lượt khách, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2024, Hà Nội đón khoảng 737.900 lượt khách).

Trong đó, 136.190 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 55,35% so với cùng kỳ năm trước (khách quốc tế đến có lưu trú ước đạt 96.000 lượt khách) và 739.000 lượt khách du lịch nội địa, tăng 13,69% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 25,21% so với cùng kỳ năm 2024.

Các khu căn hộ cao cấp, khối khách sạn 4-5 sao công suất sử dụng phòng khá cao như khu căn hộ Somerset Grand Hanoi 99%, khách sạn Sofitel Legend Metrople 88,3%, khách sạn Fraser Suites 88%, khách sạn Apricot 84%...

Các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí và ăn uống phục vụ khách du lịch đều ghi nhận lượng khách và doanh thu tăng cao trong 5 ngày nghỉ lễ.

Một số điểm du lịch đón đông khách phải kể đến Khu du lịch Hồng Vân đón gần 100.000 lượt khách trong thời gian tổ chức Lễ hội Tình Yêu năm 2025, Vườn Thú Hà Nội đón 88.430 lượt khách, Di tích Nhà Tù Hỏa Lò đón 35.000 lượt khách, Di tích Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 30.000 lượt khách, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 27.800 lượt khách, Điểm du lịch Thiên đường Bảo Sơn đón 27.100 lượt khách, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đón khoảng 22.000 lượt khách...

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập than giá rẻ

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập 17,27 triệu tấn than trong ba tháng đầu năm, chủ yếu phục vụ nhà máy nhiệt điện.

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập 17,27 triệu tấn than trong ba tháng đầu năm

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập 17,27 triệu tấn than trong ba tháng đầu năm

Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu than trong quý I năm nay tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, song kim ngạch giảm 7,7% do giá nhập khẩu trung bình chỉ đạt 105,18 USD một tấn, giảm hơn 20%. Việc giá giảm nhưng lượng nhập tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ than trong nước vẫn cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống năng lượng quốc gia.

Indonesia tiếp tục giữ vai trò là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập trong quý I. Sản lượng than từ Indonesia đạt 6,98 triệu tấn, trị giá 579 triệu USD, tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Giá nhập trung bình từ Indonesia dao động quanh mức 82,9 USD một tấn, thấp hơn mặt bằng chung.

Australia đứng thứ hai với hơn 5,36 triệu tấn, trị giá 693,7 triệu USD, chiếm 31% tỷ trọng nhập khẩu. Tuy tăng mạnh về lượng, nhưng kim ngạch lại giảm do giá trung bình chỉ còn 129,3 USD một tấn.

Nga là đối tác lớn thứ ba, cung cấp 1,44 triệu tấn than, trị giá hơn 206 triệu USD. Trong khi lượng tăng không đáng kể, giá giảm gần 28%, xuống còn 142,3 USD một tấn.

Việt Nam phải nhập khẩu than dù là nước sản xuất mặt hàng này lâu đời là do nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Phần lớn than khai thác trong nước đóng vai trò phụ trợ, phù hợp với xi măng hoặc sản xuất nhỏ. Trong khi đó, nhiệt điện hiện đại yêu cầu loại than có năng suất tỏa nhiệt cao, đồng nhất và ít tạp chất.

Mặt khác, do trữ lượng dễ khai thác trong nước đang dần cạn kiệt, nhiều mỏ buộc phải đào sâu hơn, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả. Trong khi đó, nhập khẩu than giá rẻ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nguồn cung, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất.

Indonesia là một trong những nguồn cung cấp than các loại quan trọng cho Việt Nam. Hiện, Việt Nam áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với mức 0% cho các loại than nhập khẩu từ Indonesia, do cả hai quốc gia đều là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Năm nay, Việt Nam dự kiến sản xuất khoảng 37 triệu tấn than sạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 50 triệu tấn, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện. Do đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là than nhiệt từ Indonesia và Australia. Mặc dù có xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo, than vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu năng lượng quốc gia đến năm 2030.

Giao dịch đất thổ cư ở Hà Nội giảm hơn 50%

Quý I/2025, thị trường đất thổ cư Hà Nội ghi nhận khoảng 4.000 giao dịch, giảm 59% theo quý và 54% theo năm, theo One Housing.

Nhóm môi giới chào bán các lô đất huyện ven Hà Nội

Nhóm môi giới chào bán các lô đất huyện ven Hà Nội

Trong báo cáo mới đây, OneHousing, đơn vị nghiên cứu thị trường do Techcombank và Masterise hậu thuẫn, cho biết lượng giao dịch đất thổ cư tại Hà Nội có xu hướng lao dốc đầu năm.

Quý I/2025, thị trường ghi nhận khoảng 4.000 giao dịch đất thổ cư, giảm 59% so với quý IV/2024 và giảm 54% so cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch sụt giảm ở phần lớn khu vực trọng điểm, trong đó khu Tây, Đông và các quận nội thành chỉ đạt khoảng 1.200 giao dịch mỗi khu vực.

Tại khu Tây, quận Hà Đông ghi nhận đà giảm mạnh nhất, khoảng 71%, theo sau là Nam Từ Liêm (60%), Cầu Giấy (58%) và Bắc Từ Liêm (55%). Đây là những quận có phân khúc nhà trong ngõ tăng mạnh trong suốt năm ngoái, tiệm cận nhiều quận trung tâm khiến giao dịch đầu năm nay chững lại.

Khu Đông cũng ghi nhận đà giảm rõ rệt tại Long Biên (giảm 54%) và Gia Lâm (65%). Ở khu Nam, quận Hoàng Mai có khoảng 350 giao dịch đất thổ cư trong quý I, giảm 60% so với quý trước. Trong khi đó, mức giảm tại các quận nội thành thấp hơn mặt bằng chung thị trường, giảm khoảng 40%.

Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cuối năm ngoái đến nay, "sóng" đất nền xảy ra ở nhiều huyện ven Hà Nội, đẩy giá rao bán tăng hơn 30% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giao dịch thực tế chỉ phát sinh với những phân khúc dưới 2 tỷ đồng một lô, có thể khai thác tạo dòng tiền.

Giao dịch đất thổ cư giảm mạnh trong quý I do phần lớn người mua có tâm lý thận trọng trước mặt bằng giá cao. Chuyên gia của OneHousing cho biết năm ngoái, giá nhà đất tại một số quận vùng ven liên tục tăng, dao động 17 - 33% sau một năm.

Mặt bằng giá cao thúc đẩy dòng tiền đầu tư dịch chuyển từ Hà Nội sang các tỉnh có nhiều dư địa tăng trưởng. Theo One Housing, ngay từ sau Tết, nhiều nhà đầu tư đã tăng tìm kiếm đất nền tại các tỉnh có thông tin sáp nhập, nơi mặt bằng giá thấp hơn, phù hợp với ngân sách trung bình thấp. Một số tỉnh ghi nhận lượt tìm kiếm đất nền tăng mạnh đến 60% vào tháng 3 gồm Hưng Yên, Bắc Ninh...

Tin cùng chuyên mục