Bản tin thời sự sáng 5/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội thay thế toàn bộ buýt chạy diezel sau năm 2035; nguyên Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận nhiệm vụ mới; chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ trong quý III; TP.HCM chính thức chấm dứt hoạt động của Dự án Công viên Sài Gòn Silicon…

Hà Nội thay thế toàn bộ buýt chạy diezel sau năm 2035

TP. Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ chuyển đổi buýt diezel sang năng lượng xanh đến năm 2030 đạt 70 - 90% và 100% từ sau năm 2035.

Xe buýt truyền thống của Hà Nội hiện nay sử dụng dầu diezel

Xe buýt truyền thống của Hà Nội hiện nay sử dụng dầu diezel

Sáng 4/7, HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện, năng lượng xanh. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.

Xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong Vành đai 4) được định hướng chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến buýt mở mới ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.

Về kế hoạch chuyển đổi, Thành phố sẽ thay toàn bộ buýt chạy dầu diezel đã hết khấu hao và hết hạn thầu. Với các xe còn khấu hao (chưa đến 10 năm từ ngày sản xuất) được sử dụng đến hết khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh. Giai đoạn 2024 - 2030, tỷ lệ chuyển đổi buýt diezel là 70 - 90%. Giai đoạn 2031 - 2035 là 100%.

HĐND TP. Hà Nội yêu cầu UBND Thành phố bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành.

Thẩm tra nội dung này, Ban Đô thị đồng tình với mục tiêu của Đề án, tránh tình trạng ô nhiễm không khí, phù hợp cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, bền vững.

Ban Đô thị đề nghị UBND Thành phố nghiên cứu phương án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh bảo đảm tỷ lệ vận tải đến năm 2030 đạt 45 - 50%; kết nối hạ tầng kỹ thuật hệ thống xe buýt với hệ thống đường sắt đô thị hiệu quả, tiếp tục chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. 11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

Nguyên Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận nhiệm vụ mới

Ông Lê Trí Thanh, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, được điều động giữ chức Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh.

Ông Lê Trí Thanh

Ông Lê Trí Thanh

Sáng 4/7, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 16 công bố các quyết định về công tác nhân sự. Ông Lê Trí Thanh, nguyên Chủ tịch Tỉnh, được điều động đến nhận công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 và giữ chức vụ Bí thư Đảng đoàn.

Ông Thanh được giới thiệu hiệp thương tham gia và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh Khóa 10, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ông Lê Trí Thanh 54 tuổi, quê xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, là thạc sĩ chính sách công. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch thị xã Điện Bàn; Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp; Giám đốc Sở Ngoại vụ; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam.

Tháng 11/2023, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ Đảng. Trong đó, Chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh bị khiển trách. Ông Thanh sau đó xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch Tỉnh và được miễn nhiệm.

Cũng trong sáng 4/7, Tỉnh ủy điều động ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, đến nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo. Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Tam Kỳ.

Tỉnh ủy Quảng Nam cũng công bố quyết định của Thủ tướng phê chuẩn chức danh Chủ tịch tỉnh Lê Văn Dũng và 2 Phó chủ tịch tỉnh đối với ông Phan Thái Bình, Trần Nam Hưng.

Chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ trong quý III

Trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tại tỉnh Quảng Trị có tổng mức đầu tư là 348,4 tỷ đồng, với tiến độ tổng thể xây dựng dự kiến trong vòng 15 tháng.

Chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ trong quý III. Ảnh minh họa

Chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ trong quý III. Ảnh minh họa

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa ký quyết định phê duyệt thông tin Dự án Đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ Km725+500 thuộc Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, Dự án Đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ Km725+500 thuộc Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ bao gồm 2 trạm bên phải và bên trái tuyến, trong đó, trạm bên phải tuyến có tổng diện tích 5,27 ha, trạm bên trái tuyến có tổng diện tích 5,59 ha. Vị trí xây dựng trạm thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Trạm dừng nghỉ này có 3 hạng mục đó là công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Công trình dịch vụ thương mại gồm: khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân…

Vốn đầu tư Dự án là 348,4 tỷ đồng gồm: sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 342,4 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 6 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư dự án bằng 100% vốn của nhà đầu tư được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Dự án theo quy định pháp luật về đầu tư.

Tiến độ tổng thể Dự án dự kiến 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công dự kiến 9 tháng được xác định kể từ ngày hợp đồng giữa cơ quan có thẩm quyền với nhà đầu tư có hiệu lực; thời gian khai thác sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm 10 tháng.

Dự án do bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện với hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi trong nước, một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý III/2024.

TP.HCM chính thức chấm dứt hoạt động của Dự án Công viên Sài Gòn Silicon

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM ban hành quyết định chấm dứt Dự án Công viên Sài Gòn Silicon vì 52 ha đất “vàng” bị bỏ hoang nhiều năm không xây dựng Dự án.

Dự án Công viên Sài Gòn Silicon tại Khu công nghệ cao TP.HCM đang xây dựng dở dang 2 tòa nhà rồi bỏ hoang nhiều năm nay.

Dự án Công viên Sài Gòn Silicon tại Khu công nghệ cao TP.HCM đang xây dựng dở dang 2 tòa nhà rồi bỏ hoang nhiều năm nay.

Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM Nguyễn Anh Thi, vừa ký ban hành Quyết định số 238/QĐ/KCNC về việc chấm dứt hoạt động của Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển khu công viên Sài Gòn Silicon.

Dự án do Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 27/4/2015 và điều chỉnh lần 1 ngày 24/11/2016.

Lý do chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020: “Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động”.

Thời điểm chấm dứt dự án đầu tư có hiệu lực từ ngày 28/6/2024. Nhà đầu tư các trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Dự án công viên Sài Gòn Silicon do Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư động thổ xây dựng vào tháng 8/2016 trên diện tích 52 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư thời điểm lúc đó là 40 triệu USD (tương đương 860 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, Dự án xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) và được kỳ vọng khu Sài Gòn Silicon City sẽ là một đô thị thông minh, sẵn sàng đáp ứng cơ sở hạ tầng và tiện ích thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đến đầu tư.

Tuy nhiên, kể từ khi được bàn giao đất vào ngày 6/1/2016, nhà đầu tư triển khai quá chậm, không đáp ứng tiến độ như đã cam kết ban đầu.

Dù Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM luôn hỗ trợ, thúc đẩy và yêu cầu rà soát xử lý những vấn đề tồn tại nhưng từ năm 2019 đến nay, song Dự án dừng lại, không đầu tư xây dựng, tại công trường không có công nhân làm việc. Các đơn vị thi công đã dừng xây dựng tại công trường.

Quy Nhơn sẽ xây công viên sát biển để phát triển kinh tế đêm

Công viên Galina Quy Nhơn beach Park tổng kinh phí 300 tỷ đồng nằm sát bờ biển giúp thu hút khách, phát triển kinh tế đêm.

Quy Nhơn về đêm

Quy Nhơn về đêm

Chủ trương thông qua ý tưởng quy hoạch dự án khu vui chơi giải trí đêm sát bờ biển vừa được lãnh đạo tỉnh Bình Định thống nhất thông qua, theo đề xuất của UBND TP. Quy Nhơn và Sở Xây dựng.

Dự án có 2 phần với tổng diện tích 11.100 m2. Trong đó, phần nổi diện tích 4.600 m2, xây dựng nâng cấp khu vực công viên cây xanh kết hợp các loại hình vui chơi giải trí, khu vực mua sắm shop luxury, beer club và trình diễn ánh sáng về đêm.

Phần ngầm gồm 2 tầng, tổ hợp các loại hình vui chơi giải trí đêm. Trong đó, tầng 1 rộng khoảng 4.500 m2, gồm mô hình pub club và câu lạc bộ đa năng, nhà hàng, rạp chiếu phim, spa...

Tầng hầm lửng diện tích khoảng 2.000 m2, gồm mô hình khai thác khu spa massage và pub club, chiều sâu tầng hầm khoảng 6,5 m.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ hoạt động ở khung giờ từ 18h đến 2h hôm sau, trừ các loại hình kinh doanh có điều kiện.

Đối với phần nổi Dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu không xây công trình kiên cố, mật độ xây dựng thấp, chỉ bố trí một số kiốt sử dụng vật liệu hiện đại, phù hợp.

Vị trí Dự án trước công viên phải bảo đảm nguyên tắc và các chức năng sử dụng mang tính cộng đồng như công viên sử dụng chung, không rào chắn, thu phí, không ảnh hưởng đi lại, tiếp cận vui chơi của người dân.

Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Xây dựng tham mưu thiết kế quy hoạch không gian ngầm bên bờ biển để phục vụ người dân, phát triển du lịch.

Ngăn chặn các vi phạm an toàn bay do chiếu đèn laze, thả diều, flycam

Cục Hàng không đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến và xử lý vi phạm về an toàn khai thác tại khu vực lân cận cảng hàng không theo quy định.

Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn; các cảng vụ hàng không về việc bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu ACV kiểm soát chặt chẽ tải trọng máy bay khai thác tại các cảng hàng không, sân bay để bảo đảm máy bay khai thác không vượt quá tải trọng được phép khai thác; chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tình trạng mất an toàn khai thác do tải trọng máy bay khai thác vượt quá tải trọng được phép khai thác theo quy định.

ACV phối hợp với cảng vụ hàng không khu vực để đề nghị với chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác quản lý chướng ngại vật, tuyên truyền, phổ biến về quy định an toàn khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay liên quan đến việc chiếu đèn laze, thả diều, điều khiển vật thể bay không người lái (flycam).

Đối với các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Cục Hàng không yêu cầu các cảng vụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với tải trọng khai thác máy bay tại các cảng hàng không, sân bay; ngăn chặn kịp thời các trường hợp máy bay vượt quá tải trọng khai thác và xử lý nghiêm các trường hợp máy bay khai thác vượt quá tải trọng cho phép theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cảng hàng không, sân bay để cung cấp bản đồ chướng ngại vật và làm việc với chính quyền địa phương để đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác quản lý chướng ngại vật khu vực lân cận sân bay, bảo đảm an toàn khai thác theo quy định.

Các cảng vụ hàng không định kỳ tham gia họp và có ý kiến yêu cầu tổ an toàn đường cất hạ cánh thống kê sự cố liên quan đến việc máy bay bị ảnh hưởng bởi việc chiếu đèn laze, thả diều, vật thể bay không người lái (flycam) trong quá trình cất, hạ cánh làm cơ sở làm việc và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến và xử lý vi phạm về an toàn khai thác tại khu vực lân cận cảng hàng không theo quy định...

Công ty khai thác quặng thiếc ở Nghệ An bị xử phạt 250 triệu đồng

Một công ty khai thác quặng ở huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) vừa bị cơ quan chức năng huyện này xử phạt 250 triệu đồng và đình chỉ hoạt động hơn 4 tháng.

Hệ thống xử lý và bể chứa thải của công ty nằm ngoài khu vực đất chưa được thuê

Hệ thống xử lý và bể chứa thải của công ty nằm ngoài khu vực đất chưa được thuê

UBND huyện Quỳ Hợp vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thiếc Hà An vì 3 lỗi. Cụ thể gồm: Sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản.

Tổng hợp 3 lỗi trên, Công ty TNHH Thiếc Hà An bị xử phạt 250 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 4,5 tháng.

Công ty này cũng vi phạm trong việc thuê đất khi toàn bộ 5 bể chứa khu vực 2 của công ty đang nằm ngoài diện tích thuê đất. Những ngày cuối tháng 6, tại khu vực Công ty TNHH Thiếc Hà An, nước thải đục ngầu đổ ra dòng suối Bắc.

UBND huyện Quỳ Hợp đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát theo dấu vết ngược dòng suối Nậm Huống từ xã Châu Cường lên đầu nguồn nước chảy. Lực lượng chức năng đã xác định nguồn phát sinh nước thải có dấu hiệu ô nhiễm là điểm cuối đầu nguồn từ khu vực mỏ của Công ty TNHH Thiếc Hà An.

Qua kiểm tra thực tế tại khu vực mỏ vào ngày 2/7, Công ty TNHH Thiếc Hà An đã dừng hoạt động từ ngày 30/1.

Tại vị trí cống thoát còn có nước và bùn màu đục, vàng sẫm chảy ra khe tự nhiên nhập vào dòng suối Nậm Huống. Bùn lắng màu đục, vàng sẫm tại vị trí hệ thống mương thu gom nước mưa chảy tràn của công ty có cùng màu với bùn lắng tại khu vực suối Nậm Huống.

Công an huyện Quỳ Hợp đang phối hợp với Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An lấy mẫu nước tại các khu vực để làm rõ nguyên nhân và xử lý vụ việc theo quy định.

Tin cùng chuyên mục