Thủ tướng đốc thúc hoàn thiện thủ tục đầu tư đường sắt tốc độ cao
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Thủ tướng đốc thúc hoàn thiện thủ tục đầu tư đường sắt tốc độ cao |
Trong Chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa ban hành, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các cơ quan thực hiện nội dung nêu trên.
Bộ GTVT và các địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án hạ tầng quy mô lớn; nỗ lực hoàn thành mục tiêu toàn quốc có 3.000 km đường bộ cao tốc và hơn 1.000 km đường bộ ven biển trong năm nay.
Hàng loạt dự án trọng điểm cũng được Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ như các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; sân bay Long Thành.
Trong năm nay, các cơ quan phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ GTVT có nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương và cơ chế, chính sách đầu tư đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng... để trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (ngày 15/2).
Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua hôm 30/11. Tuyến đường dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trong các kỳ đầu tư công trung hạn và vốn hợp pháp khác.
Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.
Hà Nội tạm thời lấy nước Hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch
Để hồi sinh sông Tô Lịch trước ngày 2/9, trước mắt Hà Nội lấy nước Hồ Tây bổ sung, lâu dài sẽ nghiên cứu dẫn nước từ sông Hồng về theo trục đường Võ Chí Công.
Sông Tô Lịch nhìn từ cầu vượt Lê Văn Lương về phía hạ lưu |
Ngày 5/2, Văn phòng UBND TP. Hà Nội ra thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh tại buổi họp nghe báo cáo về phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Theo đó, Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án lấy nước từ Hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - Mương Thụy Khuê trong trường hợp cần thiết nhằm giữ mực nước sông Tô Lịch. Việc này hoàn thành trong tháng 8.
Để đảm bảo giữ ổn định mực nước Hồ Tây và không bị ảnh hưởng khi bổ cập cho sông Tô Lịch, quận Tây Hồ được giao chủ trì đề xuất phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nước sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để bổ cập lại cho hồ.
Nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải Hồ Tây và từ sông Hồng sẽ được đưa về hồ Sen với chức năng hồ lắng trung gian trước khi bổ sung cho Hồ Tây để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.
Thành phố sẽ lập dự án thu gom toàn bộ cửa xả nước thải xuống Hồ Tây còn lại. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn sẽ thường xuyên quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải Hồ Tây để nước thải sau xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
Về lâu dài, Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ rà soát quy hoạch có liên quan, nghiên cứu kỹ, đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công (có kết nối với việc bổ cập nước giai đoạn trước mắt đã triển khai) đảm bảo vừa bổ sung nước sông Tô Lịch vừa điều tiết mực nước Hồ Tây được ổn định.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp được giao rà soát toàn bộ cửa xả nước thải dọc sông Tô Lịch để bổ sung hệ thống cống thu gom triệt để nước thải hai bên sông đưa về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá; nghiên cứu xây dựng các đập dâng trên sông Tô Lịch.
Hoàn thành nâng cấp quốc lộ nối Bình Định - Gia Lai
Sau 4 năm thi công, Quốc lộ 19 nối từ cảng Quy Nhơn, Bình Định đến cửa khẩu Lệ Thanh, Gia Lai hoàn thành nâng cấp, sửa chữa giúp giao thông thuận lợi hơn.
Quốc lộ 19 đoạn đèo An Khê được hoàn thành sau gần 4 năm khởi công |
Thông tin được đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết ngày 5/2. Đường cũ 6 - 9 m được mở rộng lên 11 - 14 m, giúp rút ngắn thời gian lộ trình 6,5 - 7 tiếng còn 5 tiếng.
Trong 8 gói thầu thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 19, dài hơn 143 km, tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, Gói thầu mở rộng đèo An Khê dài 17 km gặp nhiều khó khăn do sạt lở, tuy nhiên, đoạn đường đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.
"Chỉ còn một số điểm hư hỏng đang được hoàn thiện trong tháng 2", ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc điều hành hiện trường, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam (đơn vị thi công) nói.
Quốc lộ 19 xây cách đây hơn 100 năm, dài 243 km. Đây là tuyến huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, lượng xe đi lại lớn, song mặt đường chật hẹp, xuống cấp, mất an toàn giao thông.
Tháng 6/2021, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến được khởi công, góp phần phát triển hệ thống đường bộ kết nối Việt Nam với các nước láng giềng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung…
Thủ tướng Chính phủ thúc vận hành cơ sở dữ liệu đất đai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.
Thủ tướng Chính phủ thúc vận hành cơ sở dữ liệu đất đai |
Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao hoàn thiện, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai; cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai ở các đô thị. Việc này nhằm nâng cao các chỉ số tiếp cận, đăng ký và chất lượng quản lý hành chính về đất đai.
Thủ tướng cũng giao bộ này tăng thanh, kiểm tra việc ban hành bảng giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất của các địa phương. Với các hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan quản lý chấn chỉnh, xử lý nghiêm, tránh gây nhiễu loạn thị trường.
Theo Luật Đất đai 2024, mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cần đảm bảo tập trung, kết nối liên thông cả nước và sử dụng đa mục tiêu. Luật quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương trong đảm bảo vận hành hệ thống này trong 2025.
Cả nước hiện có hai mô hình hệ thống thông tin đất đai được vận hành. 31 địa phương sử dụng chung phần mềm VBDLIS. Mô hình phân tán được 32 tỉnh, thành vận hành, qua các phần mềm khác nhau như ViLIS, ELIS, TMVLIS, DongNaiLIS, SouthLIS.
Với cơ sở dữ liệu đất đai, hiện Trung ương đã xây dựng xong 4 thành phần gồm hiện trạng sử dụng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khung giá và điều tra cơ bản về đất đai. Còn dữ liệu do các địa phương xây dựng cũng đang hoàn thiện với gần 50 triệu thửa từ 484 đơn vị cấp huyện đã có dữ liệu địa chính. Đến nay, gần một nửa đơn vị cấp huyện (300 đơn vị) xong dữ liệu giá đất.
Trước yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ đảm bảo hoàn thành và đưa vào sử dụng phần mềm hệ thống thông tin đất đai tập trung MPLIS trên cả nước trong năm nay.
Xuất khẩu gần 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc hai ngày đầu năm
Sau một tháng gián đoạn vì quy định mới, gần 1.000 tấn sầu riêng được thông quan sang Trung Quốc trở lại.
Sầu riêng được đóng hộp để xuất sang Trung Quốc |
Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, quá trình thông quan sang Trung Quốc đã suôn sẻ trở lại. Từ sau Tết đến nay, tại cửa khẩu Hữu Nghị đã có 19 xe sầu riêng được thông quan. Tương tự, ở cửa khẩu Tân Thanh, 27 xe sầu riêng đã xuất khẩu thuận lợi. Thống kê sơ bộ, gần 1.000 tấn sầu riêng ở hai cửa khẩu trên đã được thông quan.
Tại Lào Cai, lãnh đạo Cục hải quan địa phương cũng xác nhận xuất khẩu sầu riêng đã bình thường trở lại. Nhà chức trách đã chủ động điều tiết xe hàng, tránh tình trạng ùn ứ kéo dài.
Theo báo cáo từ Cục Bảo vệ thực vật, các phòng kiểm nghiệm sầu riêng được Trung Quốc công nhận tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau đã hoạt động, giúp doanh nghiệp nhanh chóng kiểm nghiệm hàng hóa theo yêu cầu của nước bạn.
Trước đó, từ ngày 10/1, Trung Quốc áp dụng quy định mới yêu cầu tất cả lô sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan phải có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O - một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Chỉ các phòng xét nghiệm được Trung Quốc phê duyệt mới được phép thực hiện kiểm tra tiêu chí này. Quy định được ban hành sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện dư lượng chất vàng O trong một lô hàng sầu riêng của Thái Lan cuối năm 2024.
Việc Trung Quốc chậm công nhận phòng kiểm nghiệm của Việt Nam đã khiến nhiều lô hàng bị tắc nghẽn trong tháng 1. Phải đến cuối tháng, nước này mới phê duyệt danh sách 9 phòng xét nghiệm, khiến doanh nghiệp không kịp kiểm nghiệm hàng hóa trước đó. Hàng loạt lô sầu riêng phải tạm dừng xuất khẩu, nhiều container buộc quay đầu để cấp đông hoặc tiêu thụ nội địa với giá chỉ bằng một nửa giá thu mua.
Việt Nam đang tích cực đàm phán với Trung Quốc nhằm mở rộng danh sách phòng kiểm nghiệm được công nhận, tạo điều kiện thông quan thuận lợi hơn. Hải quan khuyến cáo doanh nghiệp cần đảm bảo đầy đủ giấy tờ kiểm nghiệm cadimi, vàng O và các tiêu chuẩn nhập khẩu khác để tránh gián đoạn xuất khẩu.
Thanh tra chỉ ra sai phạm sản lượng khai thác gần 640.000 m3 đất, đá ở Đà Nẵng
Có 4 công ty khai thác khoáng sản ở thành phố Đà Nẵng bị thanh tra chỉ ra sai phạm trong việc khai thác đất, đá khi chưa hoàn thiện hồ sơ. Tổng sản lượng khai thác là hơn gần 640.000 m3.
Một mỏ đá đang khai thác khoáng sản tại thành phố Đà Nẵng |
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng vừa công bố loạt kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các công ty khai thác mỏ trên địa bàn Thành phố.
Trong đó, Công ty TNHH Xây dựng Biên Giới, tại thời điểm thanh tra, công ty chưa thực hiện lắp đặt trạm cân để thống kê sản lượng khai thác khoáng sản tại mỏ. Từ tháng 2 - 10/2020, Công ty đã khai thác 105.807 m3 đất khi chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất.
Công ty TNHH Xây dựng Biên Giới đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác vượt công suất cho phép và vi phạm quy định về thiết kế mỏ (năm 2022).
Năm 2022, Công ty cũng bị lập biên bản về hành vi không lắp đặt trạm cân thống kê sản lượng khai thác khoáng sản tại mỏ; lập sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hằng năm mà số liệu, thông tin không chính xác.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt công ty này 215 triệu đồng.
Tương tự, từ tháng 5/2021 đến ngày 30/5/2022, Công ty CP Quang - HT cũng thực hiện khai thác 129.000 m3 đá tại mỏ khi chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất.
Còn Công ty TNHH Trung Thành Đà Nẵng, từ ngày 1/9/2020 đến 31/12/2020 đã khai thác 13.400 m3 đá. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 24/4/2022, Công ty khai thác hơn 162.000 m3 đá khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Đông Sơn Hòa Ninh, từ ngày 8/6/2019 đến ngày 10/9/2021 khai thác hơn 228.730 m3 đá khi chưa có hồ sơ thuê đất theo quy định.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị cơ quan liên quan rà soát, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để một số doanh nghiệp khai thác mỏ mà không có đầy đủ hồ sơ thuê đất.
TP.HCM dự kiến nhu cầu lao động sau Tết khoảng 55.500 chỗ làm
Ngày 5/2, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM có báo cáo khảo sát tình hình lao động sau Tết Nguyên đán 2025.
Doanh nghiệp bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập là cách tốt nhất để giữ chân người lao động sau Tết |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, qua kết quả khảo sát nhanh và thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, có 85% doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vào mùng 6 Tết với tỷ lệ lao động vào làm việc đạt 87%. Một số doanh nghiệp kéo dài thời gian nghỉ đến mùng 10 Tết, nhằm tạo điều kiện cho người lao động xa quê có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Đối với các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: có khoảng 70% doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với số lượng lao động làm việc đầu năm đạt 80%. Trong Tết, có một số doanh nghiệp tổ chức làm việc xuyên Tết nhằm phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ công ích (vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, giữ xe...). Dự kiến, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc chiếm 98% vào ngày 7/2/2025 (mùng 10 Tết).
Dự kiến, nhu cầu nhân lực sau Tết tại TP.HCM cần khoảng từ 50.400 - 55.500 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực: thương mại - dịch vụ chiếm 67,57%; công nghiệp xây dựng chiếm 31,92%; nông lâm thủy sản chiếm 0,51%; các ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 17,18% (cơ khí chiếm 6,12%, hóa dược chiếm 5,96%, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 2,84%, sản xuất hàng điện tử chiếm 2,26%).
Ngành nghề tuyển dụng tập trung cao ở các ngành/nghề: kinh doanh thương mại; nhân sự; hành chính - văn phòng - biên tập và phiên dịch; cơ khí - tự động hóa; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kế toán - kiểm toán; marketing...
Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở nhóm tuổi từ 27 đến 35 tuổi chiếm 48,77% và dưới 26 tuổi chiếm 28,77%.