Hơn 56% địa bàn Hà Nội chuyển “màu cam”
Số ca mắc mới liên tiếp lập đỉnh, Thành phố có thêm 252 phường, xã màu cam (cấp độ 3, nguy cơ cao).
Người dân xếp hàng xin giấy xác nhận cách ly |
Đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19 được TP. Hà Nội công bố sáng 5/3 cho thấy, số địa bàn màu xanh (cấp độ 1, nguy cơ thấp) giảm mạnh, từ 216 xuống còn 66. Phường, xã màu vàng (cấp độ 2, nguy cơ trung bình) cũng giảm từ 222 còn 187.
Toàn Thành phố không có địa bàn màu đỏ (cấp độ 4, nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, số phường, xã màu cam đã tăng rất cao, từ 74 lên đến 252, chiếm hơn 56% số phường, xã của Hà Nội (Thành phố hiện có 579 phường, xã).
Toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đều có địa bàn màu cam. Trong đó nhiều quận, huyện có số xã phường màu cam cao như Sóc Sơn (21), Thường Tín, Chương Mỹ (19), Đông Anh (18), Ứng Hòa, Quốc Oai, Thạch Thất (15); Các quận trung tâm, Hoàn Kiếm (13), Hai Bà Trưng (10), Ba Đình (7) và Đống Đa (6).
Vàng SJC lập đỉnh mới vượt 69 triệu đồng một lượng
Giá vàng miếng SJC tăng 1,6 triệu đồng mỗi lượng trong ngày cuối tuần và lập đỉnh mới tại 69,3 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC tăng 1,6 triệu đồng mỗi lượng trong ngày cuối tuần |
Thị trường kim loại quý thế giới lên nhanh khiến giá vàng trong nước cũng bứt tốc quyết liệt trong phiên giao dịch cuối tuần.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sáng 5/3 niêm yết mua vào 67,3 triệu đồng và bán ra 68,4 triệu đồng, lần lượt tăng 350.000 đồng và 700.000 đồng so với mức đóng cửa hôm trước. Hai tiếng sau, mỗi lượng vàng tăng thêm khoảng nửa triệu đồng và lập đỉnh mới.
Chưa dừng lại ở đó, lúc 15h, SJC tiếp tục nâng giá mua vào lên 68 triệu đồng và bán ra 69,3 triệu đồng. So với hôm trước, mỗi lượng mua vào và bán ra lần lượt tăng 1 triệu và 1,6 triệu đồng.
Những hệ thống kinh doanh vàng bạc khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu cũng đang bán ra trên 69 triệu đồng. Do điều chỉnh không đồng nhất giữa giá mua và bán nên chênh lệch mỗi lượng vàng tại đây khoảng 1,3-1,5 triệu đồng, gấp đôi hôm trước.
Trong khi đó, các tiệm vàng quy mô nhỏ hơn hiện mua vào 68,2 triệu đồng và bán ra quanh 68,8 triệu đồng một lượng, chênh lệch 600.000 đồng.
Tuần qua giá vàng trong nước đã tăng 3,5 triệu đồng, từ 65,8 triệu đồng lên 69,3 triệu đồng. Giá vàng thế giới cũng tăng tới 4%, chốt tuần tại 1.973 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng trong nước đã cao hơn thế giới 14,6 triệu đồng.
Chuyến bay thứ 2 sơ tán người Việt tại Ukraine về nước vào 9/3
Ngày 9/3, Bamboo Airways sẽ thực hiện chuyến bay số hiệu QH9066 từ Warsaw (Ba Lan) về Hà Nội, đưa hàng trăm công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.
Máy bay thân rộng B787-9 của Bamboo Airways tham gia sơ tán công dân tại Ukraine về nước. |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways mang số hiệu VN-A818 dự kiến cất cánh lúc 22h55 ngày 8/3 (giờ địa phương) từ sân bay Nội Bài tới sân bay Warsaw (Ba Lan) để tiếp tục thực hiện chuyến bay QH9066 đưa các công dân Việt Nam từ Ba Lan về Việt Nam lúc 9h ngày 9/3 (giờ địa phương).
Ông Trọng cho biết, việc xin cấp phép bay và mọi thủ tục cho chuyến bay đầu tiên để đưa người Việt Nam từ Ukraine về nước đã được hãng gấp rút triển khai và hoàn tất.
Trước đó, Bamboo Airways đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về phương án khai thác 7 đường bay từ Hà Nội đến Prague (Cộng hoà Séc), Bucharest (Romania), Warsaw (Ba Lan), Budapest (Hungary), Bratislava (Slovakia), Moscow (Nga), Minsk (Belarus) để thực hiện nghĩa vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine.
Ngày 6/3, chuyến bay đầu tiên sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine về nước sẽ được Vietnam Airlines thực hiện. Chuyến bay này sử dụng máy bay thân rộng B787-9, khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sáng 6/3, thời gian bay hơn 12 giờ sẽ tới sân bay ở Bucharest (Rumania).
Chuyến bay chiều về mang số hiệu VN88, khởi hành vào chiều tối giờ địa phương (tức rạng sáng ngày 7/3, giờ Hà Nội), thời gian bay về gần 11 tiếng, dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 11h55 ngày 7/3.
Bộ Y tế xin tạm dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày
Theo Bộ Y tế, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân do số nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch.
Bộ Y tế vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất ạm dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày |
Bộ Y tế vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó xin ý kiến về vấn đề tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày.
Bộ Y tế nhấn mạnh, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân, vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
Tại quyết định mới nhất về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành, có 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, gồm: Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân; Tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người; Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân; Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn; Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã; Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã; Tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh Covid-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá; Tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân.
Hiện nay, Bộ Y tế vẫn công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày vào bản tin lúc 18h. Giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, Bộ công bố số nhiễm liên tục theo 3 bản tin: 6h, 12h, 18h hàng ngày, sau đó giảm dần số lượng. Các tỉnh, thành cũng có những bản tin riêng, cập nhật tình hình dịch tại địa bàn mình.
Điều tra tiệm vàng Phước Nguyên trốn thuế khi giao dịch hơn 10.000 tỷ đồng
Tiệm vàng Phước Nguyên tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) bị điều tra dấu hiệu trốn thuế vì không xuất hoá đơn, kê khai nộp thuế đối với số vàng giao dịch trị giá hơn 10.000 tỷ đồng.
Tiệm vàng Phước Nguyên bị điều tra dấu hiệu trốn thuế vì không xuất hoá đơn, kê khai nộp thuế đối với số vàng giao dịch trị giá hơn 10.000 tỷ. |
Ngày 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố bổ sung vụ án Trốn thuế xảy ra tại Doanh nghiệp tư nhân Tiệm vàng Phước Nguyên do Nguyễn Thanh Bình, làm đại diện theo pháp luật.
Động thái này được đưa ra sau gần hai tháng nhà chức trách mở rộng điều tra đường dây mua bán vàng nhập lậu từ Campuchia, do Bình và đồng phạm thực hiện.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh An Giang đã ra trưng cầu giám định về thuế, xác định Bình không xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế đối với hàng hoá trên 10.000 tỷ đồng. Hành vi của Bình có dấu hiệu tội phạm Trốn thuế.
Trước đó, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình và Trang Kiến Cường tại TP. Long Xuyên mua bán vàng nhập lậu từ Campuchia. Tại hiện trường cảnh sát thu giữ 3 thỏi vàng (3 kg), gần 190.000 USD và 700 triệu đồng.
Tối cùng ngày, cơ quan chức năng khám xét ba địa điểm khác, thu giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, 2,2 triệu USD, gần 26 tỷ đồng và một số giấy tờ... Bình, Cường và 4 người khác bị bắt tạm giam về tội Buôn lậu.
Giao ACV quản lý, khai thác nhiều tài sản quan trọng tại cảng hàng không
22 cảng hàng không, sân bay không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV).
Sân bay Nội Bài là 1 trong 22 sân bay được nhà nước giao ACV quản lý, khai thác |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định phê duyệt Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không để bàn giao cho ACV quản lý, sử dụng, khai thác theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước của doanh nghiệp.
Phạm vi tài sản gồm kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý tại 22 cảng hàng không, sân bay không tính vào giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá ACV. Các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hình thành sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý do Bộ GTVT làm đại diện chủ sở hữu.
Phương án được Thủ tướng phê duyệt là giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời hạn từ ngày ban hành Quyết định đến 31/12/2025.
Được biết, trong danh mục được Bộ GTVT giao ACV lần này có đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống thoát nước, cổng gác, hàng rào an ninh khu bay, hệ thống đài dẫn đường, đèn hiệu, biển báo… Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi, Cần Thơ, cảng hàng không Vinh, Liên Khương, Phú Bài, Phù Cát, Buôn Ma Thuột, Thọ Xuân, Chu Lai, Pleiku, Đồng Hới, Tuy Hoà, Côn Đảo, Điện Biên, Rạch Giá, Cà Mau..
ACV có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đúng mục đích, công năng sử dụng của tài sản, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động bay. Không được sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, góp vốn hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác…