Bản tin thời sự sáng 6/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường băng sân bay Côn Đảo có thể được mở rộng; học sinh công lập tựu trường sớm nhất ngày 22/8; sai phạm của cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc dẫn tới thất thoát hơn 600 tỷ đồng; Petrolimex báo lãi quý II hơn 1.274 tỷ đồng…

Đường băng sân bay Côn Đảo có thể được mở rộng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất mở rộng đường băng từ 30 m lên 45 m và xây mới một đường lăn song song để đón các máy bay lớn như A320, A321, B737.

Máy bay ATR hạ cánh ở sân bay Côn Đảo

Máy bay ATR hạ cánh ở sân bay Côn Đảo

Báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo mới đây, Bộ GTVT cho biết, gần một năm qua, đơn vị tư vấn quốc tế ADPi (Pháp) đã rà soát phương án đầu tư, nghiên cứu kinh nghiệm các cảng hàng không tương tự trên thế giới. Tháng 6, ADPi đã có báo cáo cuối cùng.

Theo khuyến nghị của tư vấn, chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại là 1.830 m của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận hầu hết loại tàu bay code C trung bình mà các hãng hàng không Việt Nam khai thác như A320 neo/ceo, B737-7/8, E190/E195, ngoại trừ máy bay A321 phải giảm tải trọng.

Đơn vị tư vấn khuyên các hãng nên khai thác máy bay code C như trên để bảo đảm hiệu quả đường bay nội địa của Việt Nam và một số đường bay quốc tế từ Đông Nam Á, Bắc Á đến Côn Đảo.

Ngoài ra, sân bay Côn Đảo cần có khu tiếp nhiên liệu, đường lăn song song giúp tăng 50% công suất và bổ sung hạng mục bảo đảm an toàn.

Từ nghiên cứu của tư vấn Pháp, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Côn Đảo với tổng đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án này gồm mở rộng đường băng hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830x45 m; xây mới một đường lăn song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục an toàn; hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại máy bay code C.

Với nhà ga hành khách, Bộ GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức PPP. Đến năm 2030, sân bay cần có thêm nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật mới với công suất 2 triệu lượt khách/năm, kinh phí khoảng 2.100 tỷ đồng.

Xây dựng từ thời Pháp, năm 2004 sân bay Côn Đảo được nâng cấp đạt chuẩn 3C và quân sự cấp II với đường băng cất hạ cánh dài 1.830 m, rộng 30 m, có 4 sân đỗ máy bay đón máy bay ATR72, F70 và tương đương.

Học sinh công lập tựu trường sớm nhất ngày 22/8

Các trường công lập được tổ chức tựu trường sớm nhất vào ngày 22/8 với khối 1, các khối còn lại vào 29/8.

Học sinh công lập tựu trường sớm nhất ngày 22/8

Học sinh công lập tựu trường sớm nhất ngày 22/8

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 5/8 ban hành khung kế hoạch năm học 2024 - 2025. Theo đó, lễ khai giảng vẫn được tổ chức vào ngày 5/9 như mọi năm.

Bộ yêu cầu các trường mầm non, phổ thông công lập tổ chức tựu trường sớm nhất trước khai giảng một tuần, tức ngày 29/8; riêng khối 1 có thể sớm 2 tuần, tức 22/8.

Học kỳ I sẽ kết thúc trước ngày 18/1/2025; học kỳ II trước ngày 31/5/2025.

Các trường phải xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước 30/6/2025; hoàn thành tuyển sinh đầu cấp trước ngày 31/7 cùng năm.

Dựa vào khung của Bộ, các tỉnh, thành chủ động xây dựng kế hoạch năm học, song cần đảm bảo đủ 35 tuần (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II 17); thực hiện các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định.

Nếu thời tiết khắc nghiệt, xảy ra thiên tai, địa phương chủ động cho học sinh nghỉ và học bù trong thời gian phù hợp, đảm bảo tiến độ và kế hoạch học tập. Các địa phương này có thể tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung của Bộ. Trong trường hợp đặc biệt, các tỉnh, thành cần báo cáo Bộ trước khi thực hiện.

Khung kế hoạch năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được áp dụng với các trường công lập. Với khối tư thục, các trường được tựu trường sớm 4 tuần, theo Thông tư 13/2011 của Bộ. Do vậy, từ đầu tháng 8, nhiều trường tư đã đón học sinh, bắt đầu giảng dạy chương trình chính khóa.

Sai phạm của cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc dẫn tới thất thoát hơn 600 tỷ đồng

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, sai phạm của ông Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã dẫn đến việc Công ty CP Tập đoàn Thái Dương khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản của Nhà nước với trị giá ước tính trên 600 tỷ đồng.

Sai phạm cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc dẫn tới thất thoát hơn 600 tỷ đồng

Sai phạm cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc dẫn tới thất thoát hơn 600 tỷ đồng

Tại họp báo Chính phủ chiều 5/8, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, thông tin về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can. Trong đó, đã hoàn tất vụ án và kết luận điều tra với 1 bị can, đang điều tra 25 bị can về 4 tội danh: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, ông Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã bị khởi tố ngày 22/7 về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cụ thể, ông Ngọc mặc dù biết rõ Công ty CP Tập đoàn Thái Dương chưa đủ điều kiện để cấp phép, nhưng vẫn đánh giá là đủ điều kiện và đề xuất ký ban hành giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho công ty này.

"Điều này dẫn đến Công ty CP Tập đoàn Thái Dương khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản của Nhà nước với trị giá ước tính trên 600 tỷ đồng", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, hiện nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các vi phạm, các đối tượng có liên quan vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản của Nhà nước.

Trước đó, ngoài ông Ngọc, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố các ông: Nguyễn Văn Thuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Hoàng Văn Khoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Hồ Đức Hợp, Giám đốc và Lê Công Tiến, Phó giám đốc Sở TN&MT Yên Bái...

Vào tháng 10/2023, các ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Thái Dương cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Petrolimex báo lãi quý II hơn 1.274 tỷ đồng

Dù hụt khoản cổ tức sau khi thoái vốn PG Bank nhưng lãi quý II của Petrolimex vẫn tăng vọt 43% so với cùng kỳ, đạt trên 1.274 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Công ty lãi hơn 2.407 tỷ đồng, tăng 54,5%.

Petrolimex báo lãi quý II hơn 1.274 tỷ đồng

Petrolimex báo lãi quý II hơn 1.274 tỷ đồng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 73.836,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn hàng bán tăng xấp xỉ 12% và chiếm tỷ trọng cao, ở mức 69.215,5 tỷ đồng, theo đó, lãi gộp còn lại 4.621,3 tỷ đồng. Dù vậy, biên lãi gộp của Petrolimex vẫn được cải thiện từ mức 5,98% của cùng kỳ lên 6,26%.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 430,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 5,2% lên 373,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 8,5% lên 3.209,2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 15,3% lên 253,1 tỷ đồng.

Trong quý II, khoản thu nhập khác của Petrolimex tăng mạnh gấp 2,6 lần cùng kỳ lên 134 tỷ đồng. Kết quả, quý II, tập đoàn xăng dầu đạt 1.502,9 tỷ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, tăng 41,3% và lãi sau thuế cũng tăng xấp xỉ 43% lên 1.274,5 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Petrolimex đạt 148.943,1 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.407,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11,8% và 54,5% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6, Petrolimex có 73.966,9 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 5.708,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho là 15.136,1 tỷ đồng, tăng 496,2 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm 4.954,1 tỷ đồng còn 45.519,4 tỷ đồng; trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 44.672 tỷ đồng.

Petrolimex ghi nhận có 15.562,2 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 1.514 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản tương đương tiền là 8.371,6 tỷ đồng, tăng mạnh 2.427 tỷ đồng. Trong số này, số tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn ở mức 6.255,8 tỷ đồng.

Bộ Công an nói về sai phạm của cựu CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan

Theo đại diện Bộ Công an, sai phạm của bà Nguyễn Thị Như Loan cùng các cá nhân có liên quan đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, cựu Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai

Bà Nguyễn Thị Như Loan, cựu Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai

Đây là thông tin được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều 5/8.

Cụ thể, đại diện Bộ Công an cho biết, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố 17 bị can về các tội danh Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Ngày 18/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo Bộ Công an, bà Như Loan đã có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance và Đặng Phước Dừa, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín và các cá nhân ở Tập đoàn Công nghiệp cao su, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư chuyển nhượng vốn để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất của Tập đoàn Công nghiệp cao su không qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật.

Sau đó, khu đất đã được bán cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đã củng cố chứng cứ đối với sai phạm của các bị can, đồng thời mở rộng điều tra vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản Nhà nước.

Dự án sai phạm khiến cựu CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố, bắt tạm giam được xác định tại khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (Quận 4, TP.HCM).

Bệnh viện Đa khoa Bình Dương vi phạm quy định bảo vệ môi trường

Để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt 370 triệu đồng.

Bệnh viện Đa khoa Bình Dương vi phạm quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước

Bệnh viện Đa khoa Bình Dương vi phạm quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước

Ngày 5/8, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các kết luận đối với việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện không đúng một trong số các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cụ thể, hệ thống thu gom, thoát nước mưa và nước thải không được tách biệt; nước thải sau hố thu gom và tách rác chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa bên cạnh bể điều hòa (khu vực bể điều hòa theo quy trình của hệ thống xử lý nước thải trước đây) và chảy về bể thu nước mưa (bên cạnh bể chứa nước thải sau khử trùng)…

Ngoài ra, trước khu vực kho lưu giữ chất thải có 1 rãnh hở không có mái che thu gom nước rửa sàn kho và nước mưa, sau đó dẫn vào hệ thống thu gom nước mưa bên cạnh nhà kho và tiếp tục được dẫn về khu vực của hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cống thu gom này đã đầy, nghẽn và nước tràn lên khu vực sau nhà kho.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương không lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân loại. Tại kho lưu giữ chất thải nguy hại không lây nhiễm đang chứa các vỏ thùng giấy. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương còn có 3 hành vi vi phạm, nhưng hết thời hiệu xử phạt nên không xử phạt, gồm: không thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước năm 2020 cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; không quan trắc từ 75% các thông số quan trắc, giám sát chất lượng nước ngầm.

Với các hành vi vi phạm trên, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và Chánh Thanh tra Bộ TN-MT đã ban hành Quyết định số 159/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện với 4 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt 370 triệu đồng (bệnh viện đã nộp phạt).

Thanh Hóa tiêu hủy 249 lô hàng cấm, nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các ngành chức năng của Tỉnh tổ chức tiêu hủy 249 lô hàng bị thu giữ vi phạm hành chính trị giá hơn 1,3 tỷ đồng gồm giày, dép, túi xách, áo khoác...

249 lô hàng bị tiêu hủy đều là những loại hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng...

249 lô hàng bị tiêu hủy đều là những loại hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng...

Ngày 5/8, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này vừa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tiêu hủy 249 lô hàng bị thu giữ vi phạm hành chính trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Số lượng hàng hóa này là tang vật vi phạm hành chính bị thu giữ trong các đợt kiểm tra trước đó.

Các loại mặt hàng bị tiêu hủy gồm giày, dép, túi xách, mũ, áo khoác, tất, khăn lau, quần áo, đồ chơi, các loại gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm. Trong số đó, một số lô hàng có số lượng, giá trị lớn như quần áo, giày, chăn lông hóa học, ôtô đồ chơi...

Toàn bộ hàng hóa trên đều là những loại hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng... bị phát hiện, bắt giữ qua các đợt kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng từ trước đến nay.

Trước sự chứng kiến của Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính, lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị liên quan đã tiêu hủy các loại hàng hóa kể trên bằng biện pháp cơ học như cắt, đập nát, cho xe nghiền các mặt hàng đến khi không còn giá trị sử dụng. Sau đó, toàn bộ hàng hóa vi phạm trên được vận chuyển tới khu vực xử lý đốt tại Khu vực bãi rác Ecotech xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường.