Bản tin thời sự sáng 7/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm gần 600.000 liều vaccine AstraZeneca về đến Tân Sơn Nhất; Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8; Grab đề xuất 100 GrabCar được vận chuyển trang thiết bị y tế và bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM; 100 y bác sĩ, học viên quân y tăng cường vào bệnh viện dã chiến ở Bình Dương; Bình Phước xử phạt 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh bán hàng quá đát…

Thêm gần 600.000 liều vaccine AstraZeneca về Tân Sơn Nhất

Lô hàng này nâng tổng số vaccine AstraZeneca ở Việt Nam lên gần 12 triệu liều, chiếm 64% nguồn cung.

Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ hơn 19,3 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có gần 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca

Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ hơn 19,3 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có gần 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca

Sáng 6/8, gần 600.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Đây là lần giao vaccine thứ 7 trong hợp đồng mua 30 triệu liều vaccine AstraZeneca giữa Công ty CP Vacxin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Như vậy, trong 5 tuần, gần 4 triệu liều vaccine AstraZeneca trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC đã về đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine đã nhận theo hợp đồng này lên gần 4,4 triệu liều (tương đương khoảng 37% tổng lượng vaccine AstraZeneca trong nước).

Vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 ngày 1/2. Đây là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 2 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ hơn 19,3 triệu liều vaccine Covid-19. Trong số này có gần 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca, chiếm 64% tổng nguồn cung vaccine trên cả nước.

Tính đến sáng 6/8, Việt Nam đã tiêm được hơn 8 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó hơn 820.000 người được tiêm đủ 2 mũi.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8

Sau hai tuần áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn Thành phố đến 6h ngày 23/8.

Công điện của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch

Công điện của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch

Chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện về nội dung trên, yêu cầu Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; triển khai chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người dân "ai ở đâu ở đó" để đảm bảo khống chế sự lây lan dịch bệnh.

Điểm mới của công điện lần này là Thành phố đưa ra các khái niệm "vùng xanh; vùng da cam và vùng đỏ" kèm theo các biện pháp tương ứng.

Theo đó, tại các khu vực không có dịch, tức "vùng xanh", mỗi người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Người dân được khuyến khích cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập "chốt bảo vệ vùng xanh" do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên.

Tại các khu vực có nguy cơ, "vùng da cam", gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh..., chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định liên quan.

Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly, "vùng đỏ", chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp.

Để ứng phó với diễn biến mới của dịch, các cơ quan chức năng rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng... đủ điều kiện để làm nơi thu dung người nhiễm Covid-19 (không triệu chứng), với công suất chuẩn bị 30.000 giường và tiếp tục rà soát để có thể nâng công suất lên 50.000 giường khi cần thiết.

Grab đề xuất 100 GrabCar được vận chuyển trang thiết bị y tế và bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM

Grab đề xuất phương án đến Sở Giao thông vận tải và Y tế TP.HCM về tận dụng loại hình GrabCar để hỗ trợ ngành y tế vận chuyển thiết bị, vật tư y tế cho các khu vực cách ly, phong tỏa, cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, cơ sở xét nghiệm (GrabCar y tế) và vận chuyển người dân, bệnh nhân Covid-19 cần di chuyển đến các cơ sở y tế (GrabCar cấp cứu).

Tại TP.HCM, Grab đề xuất triển khai GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu tại 4 quận và TP. Thủ Đức

Tại TP.HCM, Grab đề xuất triển khai GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu tại 4 quận và TP. Thủ Đức

Theo Grab, mô hình GrabCar y tế hoạt động tương tự như dịch vụ GrabCar thông thường. Các cơ sở y tế, đơn vị, cán bộ y tế có nhu cầu vận chuyển thiết bị, vật tư y tế tiến hành đặt xe trên mục GrabCar y tế thông qua ứng dụng Grab.

Mô hình GrabCar cấp cứu giúp người bệnh Covid-19 di chuyển nhanh chóng đến các cơ sở y tế trong Thành phố để khám, chữa bệnh. Theo đó, người dân có nhu cầu cấp cứu, di chuyển đến các cơ sở y tế có thể đặt xe trên mục GrabCar cấp cứu thông qua ứng dụng Grab.

Theo Grab, tài xế cho cả hai loại hình trên phải là đối tác tài xế đang hoạt động dịch vụ GrabCar trước tháng 7/2021, đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi và tham gia khoá đào tạo về các biện pháp an toàn phòng chống Covid-19. Riêng với GrabCar cấp cứu, tài xế đã được tham gia khoá đào tạo sơ cứu, cấp cứu theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Grab đề xuất triển khai GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu tại địa bàn bốn quận (bao gồm Quận 12, Quận 7, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, và thành phố Thủ Đức)…

Dự kiến sẽ có 100 phương tiện và tài xế hoạt động GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu. Thời gian hoạt động sẽ được chia ra 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, dự kiến từ ngày 15/8 đến ngày 1/9 sẽ triển khai mô hình GrabCar y tế.

Giai đoạn 2, dự kiến từ ngày 1/9 đến khi hoạt động vận tải bằng ô tô được triển khai bình thường trở lại, triển khai kết hợp đồng thời mô hình GrabCar y tế và GrabCar cấp cứu.

100 y bác sĩ, học viên quân y tăng cường vào bệnh viện dã chiến ở Bình Dương

100 y bác sĩ, học viên quân y nhận lệnh của Bộ Quốc phòng tăng cường cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D đang đóng ở tỉnh Bình Dương.

Các y bác sĩ, học viên quân y tăng cường cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D ở Bình Dương

Các y bác sĩ, học viên quân y tăng cường cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D ở Bình Dương

100 quân nhân tăng cường gồm 50 người ở Học viện Quân y, 47 người của Quân khu 3, hai người của Bệnh viện Quân y 7 và một người thuộc Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D với quy mô 500 giường bệnh được đặt tại Khu B Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bệnh viện có nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến vừa và nặng trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Năm ngày trước, 130 cán bộ y tế thuộc biên chế Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D đã lên đường chi viện miền Nam chống dịch.

Dù mới đi vào hoạt động, số bệnh nhân Bệnh viện thu dung, điều trị rất lớn. Trước yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, Bộ Quốc phòng quyết định mở rộng quy mô Bệnh viện từ 500 giường lên 1.000 giường, biên chế từ 130 lên 230 cán bộ, chiến sĩ.

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập 7 bệnh viện dã chiến ở các tỉnh, thành phía Nam, với khả năng thu dung, điều trị 3.500 bệnh nhân và sẵn sàng mở rộng đáp ứng tiếp nhận đến 10.000 bệnh nhân.

TP.HCM lập thêm 2 bệnh viện điều trị Covid-19 với tổng cộng 500 giường

Một phần Bệnh viện Nguyễn Trãi (Quận 1) và toàn bộ Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức được chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với tổng cộng 500 giường.

TP.HCM hiện có 41 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với hơn 46.000 giường

TP.HCM hiện có 41 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với hơn 46.000 giường

Quyết định lập thêm 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức ký ngày 6/8, trong bối cảnh TP.HCM đã ghi nhận hơn 112.400 ca nhiễm ở đợt bùng phát dịch thứ tư.

Trong đó, Bệnh viện dã chiến Nguyễn Trãi có 300 giường với 370 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ hậu cần, hành chính, được thành lập trên cơ sở trưng dụng một phần hạ tầng của Bệnh viện Nguyễn Trãi hiện hữu.

Bệnh viện dã chiến Hoãn Mỹ Thủ Đức có 200 giường với 230 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ hậu cần, hành chính. Cơ sở điều trị Covid-19 này hoạt động trên cơ sở trưng dụng toàn bộ hạ tầng Công ty CP Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

Trước đó, ngày 2/8, UBND Thành phố quyết định thành lập 3 bệnh viện dã chiến với tổng công suất 2.650 giường, gồm: Bệnh viện dã chiến Từ Dũ 150 giường; Bệnh viện dã chiến Sài Gòn 200 giường và Bệnh viện dã chiến số 16 có 2.300 giường với 450 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ hậu cần, hành chính.

TP.HCM hiện có 41 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với hơn 46.000 giường.

Bình Phước xử phạt 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh bán hàng quá đát

Kiểm tra 24/60 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước, lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện 9 cửa hàng vi phạm kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước kiểm tra một cơ sở Bách Hóa Xanh trên địa bàn

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước kiểm tra một cơ sở Bách Hóa Xanh trên địa bàn

Sở Công Thương tỉnh Bình Phước xác nhận vừa xử phạt 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá.

Trước đó, nhằm tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tăng giá bán, Bình Phước đã lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra 3 siêu thị và 24 cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện 9 trong số 24 cửa hàng Bách Hóa Xanh bán hàng quá đát, không niêm yết giá. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 cơ sở này và tiêu hủy các sản phẩm hết hạn sử dụng.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Bình Phước cũng xử phạt 6 vụ vi phạm khác với các hành vi không niêm yết giá, bán giá cao hơn giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng.

Kiến nghị giải ngân gần 2.000 tỷ đồng vốn ODA cho Metro số 1

TP.HCM đề nghị giải ngân 9,1 tỷ yên Nhật (gần 2.000 tỷ đồng) vốn ODA năm 2021 cho Dự án Metro số 1, sau khi một hiệp định vay bị đóng vì chậm xác định giá trị cấp phát.

Dự án Metro số 1 đã đưa về 7 trong 17 đoàn tàu

Dự án Metro số 1 đã đưa về 7 trong 17 đoàn tàu

Nội dung này được đề cập trong văn bản khẩn vừa được UBND TP.HCM gửi các bộ, ngành trung ương. Đây là phần vốn ODA từ trung ương dành cho Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thuộc Thoả thuận vay VN15-P5, hiệu lực đến tháng 6/2026. Trước đó, phần vốn cấp phát thuộc một hiệp định vay khác trị giá hơn 8,6 tỷ yên hết hạn vào tháng 11/2020 khi chưa kịp giải ngân.

Hiện vốn ODA cấp phát còn lại từ trung ương cho Dự án được xác định bằng tiền đồng, sau khi Dự án điều chỉnh hồi tháng 6/2021.

Đến ngày 31/1/2021, vốn ODA từ trung ương cho Metro số 1 được giải ngân hơn 10.340 tỷ đồng trong tổng số 14.333 tỷ đồng. Để có thể sử dụng hết nguồn vốn còn lại cho Dự án, TP.HCM đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét phân bổ lại các nguồn cấp phát, vay lại của Thoả thuận VN15-P5, để đăng ký bổ sung kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA chiếm hơn 38.200 tỷ đồng, gồm hơn 14.333 tỷ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỷ đồng vốn vay lại. Còn lại, gần 5.500 tỷ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Toàn tuyến metro dài gần 20 km, từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao.

Hiện Metro số 1 đạt hơn 87% khối lượng. Trong đó, hai gói thầu đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố và từ ga Nhà hát Thành phố đến Ba Son lần lượt đạt 93% và 99%. Gói thầu đoạn trên cao và depot cũng đạt khoảng 94% khối lượng. Còn lại, gói mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa tàu, đường ray và bảo dưỡng đạt hơn 73%. Dự án đã đưa về 7 trong 17 đoàn tàu, đang chuẩn bị các công tác vận hành thử nghiệm.

Tin cùng chuyên mục