Hơn 7,2 triệu học sinh nghỉ học tránh bão Yagi
Hơn 7,2 triệu học sinh ở 17 tỉnh, thành nghỉ học ngày 7/9 để tránh bão Yagi, một số nơi nghỉ từ ngày 6/9.
Nhiều trường học ở Hà Nội cho phụ huynh đón con sớm chiều 6/9 |
Trong đó, học sinh ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, TP. Thanh Hóa nghỉ ngày 6 - 7/9. Các tỉnh còn lại cho nghỉ ngày 7/9. Trường học cần theo dõi chặt diễn biến của bão, cử người trực 24/24, giữ liên hệ với cơ quan chức năng và lực lượng cứu hộ để kịp thời ứng phó nếu có sự cố.
Riêng Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái yêu cầu các trường không tổ chức bất kỳ hoạt động giáo dục nào đến ngày 8/9. Những trường có học sinh nội trú chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống, không để học sinh về nhà trong thời gian mưa bão để đảm bảo an toàn.
Sau khi bão tan, các trường dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên để phòng chống dịch bệnh, bố trí học bù để đảm bảo kiến thức cho học sinh.
Một số trường đại học cũng điều chỉnh lịch đón tân sinh viên. Đại học Kiến trúc Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông hủy buổi nhập học ngày 7/9.
Khoảng 10 trường cho sinh viên nghỉ học ngày 7/9, gồm: Đại học Mỏ - Địa chất, Thăng Long, Đại Nam, Phương Đông, Nông - Lâm Bắc Giang, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Học viện Ngoại giao, Học viện Nông nghiệp...
Ngoài ra, Đại học Kiến trúc, Giao thông, Khoa học Xã hội và Nhân văn... chuyển sang học trực tuyến.
Hải Phòng, Quảng Ninh đóng cảng biển tránh bão Yagi
Các cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh dừng nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa từ trưa 6/9 để tàu thuyền đi neo đậu tránh bão Yagi.
Công nhân Cảng Tân Vũ (Hải Phòng) chằng buộc, gia cố container hàng hóa |
Theo thông báo từ các đơn vị vận hành cảng biển tại Hải Phòng, Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC - HICT) dừng giao nhận (nhập, xuất) container từ 12h cho đến khi có thông báo mới. Đây là cảng container lớn nhất miền Bắc, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 14.000 TEUs với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu.
Cảng Đình Vũ Hải Phòng cũng ngưng nhận container hàng từ 16h ngày 6/9. Với container rỗng hạ chờ xuất tạm dừng từ 0h ngày 7/9. Tương tự, Cảng Tân Vũ - đơn vị thuộc Tổng công ty CP Cảng Hải Phòng cũng dừng hoạt động sớm, từ 12h ngày 6/9 để tàu thuyền đi neo đậu, tránh bão Yagi. Riêng Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ (thuộc Tổng công ty CP Cảng Hải Phòng) dừng cung cấp dịch vụ từ 18h cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Cụm cảng Hải Phòng có vai trò là cửa ngõ ra biển lớn nhất miền Bắc. Đồng thời, đây cũng là cụm cảng tổng hợp cấp quốc gia, đứng thứ hai sau cảng Sài Gòn.
Tại Quảng Ninh, từ 5/9, công tác bốc xếp hàng hóa trên các tàu tại cảng ở khu vực này được đẩy nhanh. Đến sáng 6/9, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đề nghị hoạt động xếp dỡ hàng hóa dừng trước 11h. Sau đó, các tàu thuyền đang cập cầu cảng để làm hàng hóa phải di chuyển tới khu tránh bão trước 16h.
Các doanh nghiệp cảng biển được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với cảng vụ, đơn vị hoa tiêu điều động tàu thuyền hoạt động trong cảng đi tránh bão để đảm bảo hoàn thành đúng mốc thời gian trên. Thuyền trưởng các tàu, thuyền cũng được lưu ý tính toán độ dài neo cho phù hợp với địa hình, dòng chảy, mật độ của tàu thuyền xung quanh và thường xuyên kiểm tra, tránh bị đứt neo hoặc rê neo để đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các cơ quan liên quan dừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 11h và tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch, lưu trú trên biển cho đến khi có thông báo mới.
Hơn 21.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động mỗi tháng
Trong 8 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng có hơn 21.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động; trong khi đó, có hơn 16.900 DN rút lui khỏi thị trường.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2024, cả nước có 13.400 DN thành lập mới, giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 8.500 DN quay trở lại hoạt động; 5.334 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.160 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.927 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, cả nước có 168.100 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; bình quân một tháng có hơn 21.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 135.300 doanh nghiệp; bình quân một tháng có hơn 16.900 DN rút lui khỏi thị trường.
Tổng cục Thống kê cho hay, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2024 là hơn 2.041.000 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước tập trung nguồn lực thanh tra 2 ngân hàng, 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng như đã công bố trước đó.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu là 1 trong 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng bị thanh tra đợt này |
Danh sách các đơn vị thanh tra gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Theo Quyết định số 324 ngày 17/5/2024, nội dung thanh tra gồm: thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Giai đoạn thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024.
Theo kế hoạch, việc thanh tra kéo dài trong 45 ngày, tuy nhiên đến nay kết quả thanh tra 6 đơn vị trên vẫn chưa có.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp khác nhằm ổn định thị trường vàng. Theo đó, đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Tạm dừng chi trả lương hưu tháng 9 tại 5 tỉnh bão Yagi ảnh hưởng mạnh nhất
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Bưu điện Việt Nam sẽ tạm thời dừng chi trả lương hưu tháng 9 tại 5 tỉnh, thành phố.
Thời gian chi trả lương hưu sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan. Ảnh minh họa |
Bưu điện Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đơn vị sẽ tạm thời dừng hoạt động tại một số khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão Yagi, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Bưu cục tại các địa bàn này sẽ tạm đóng cửa và không tổ chức giao phát trong thời điểm bão đổ bộ vào ngày 7/9. Bên cạnh đó, những khu vực có nguy cơ lũ lụt, sạt lở hoặc không đảm bảo an toàn cũng sẽ tạm dừng mọi hoạt động.
Theo Bưu điện Việt Nam, thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.
Đối với các hoạt động chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, đơn vị này sẽ tạm dừng công việc trong thời gian bão đổ bộ, để đảm bảo an toàn cho người hưởng và nhân viên chi trả.
Sau khi có chỉ đạo của từng địa phương, các đơn vị sẽ làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội và UBND để thống nhất thời gian chi trả lại và thông báo cụ thể đến từng người hưởng.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Lịch chi trả cho người hưởng qua tài khoản ngân hàng của Bảo hiểm xã hội các tỉnh bắt đầu từ ngày 4/9 hoặc 5/9 theo phân luồng đã được thông báo, đảm bảo hoàn thành trước ngày 10/9.
Trong kỳ chi trả tháng 9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng qua tài khoản cá nhân tại 43 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai theo hình thức này trong kỳ chi trả tháng 8.
Đối với 20 bảo hiểm xã hội tỉnh còn lại, tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân và tiền mặt qua hệ thống bưu điện.
Hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Đóng một phần cầu Rạch Miễu trong 19 đêm để sửa chữa
Từ ngày 10 đến 28/9, đơn vị thi công sẽ đóng một chiều cầu Rạch Miễu vào ban đêm để sửa chữa mặt đường bị xuống cấp.
Cầu Rạch Miễu thường xuyên quá tải, nhất là dịp lễ Tết |
Thông tin trên được Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu cho biết ngày 6/9. Theo đó, đóng cầu hướng từ Tiền Giang đi Bến Tre từ 22h đến 4h hôm sau. Đoạn đường cần sửa chữa ở chiều này dài 450 m, dự kiến hoàn thành sau 5 ngày. Sau đó, hướng cầu từ Bến Tre đi Tiền Giang sẽ bị cấm, đoạn cần sửa khoảng 350 m, dự kiến xong trong 14 ngày.
Cảnh sát giao thông sẽ phân luồng luân phiên cho xe chạy ở mỗi hướng trong khoảng 15 phút, đồng thời đặt các biển chỉ dẫn, biển báo cấm tại khu vực đường dẫn hai đầu cầu để tài xế nắm. Nếu xe quá đông, đơn vị chức năng sẽ linh hoạt điều chỉnh thời gian. Ô tô sẽ được điều tiết đi theo hướng bến phà tạm cách đó 10 km để tránh ùn tắc.
Sau khi sửa xong khu vực cầu Rạch Miễu, lực lượng chức năng sẽ cấm một chiều tương tự để sửa khe co giãn cầu Rạch Chuối trong 14 ngày. Riêng tại khu vực trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu, xe sẽ được phân luồng đi theo làn thu phí tự động hoặc hỗn hợp để sửa mặt đường, dự kiến mất khoảng 45 ngày.
Cầu Rạch Miễu với tổng chiều dài hơn 8,3 km gồm cả đường dẫn thường xuyên bị ùn tắc, nhất là dịp lễ Tết. Hiện mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt xe qua cầu, vượt 3 lần thiết kế cho phép của công trình. Sau 15 năm khai thác, cùng với ảnh hưởng thời tiết khiến nhiều vị trí trên mặt cầu bị vệt lún bánh xe, nứt, chảy nhựa.
Xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2 từ ngày 19/9
Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," "Rửa tiền..." từ ngày 19/9 - 19/10/2024.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 3/4 |
Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 19/9 đến ngày 19/10 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," "Rửa tiền," "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2) do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh làm chủ tọa; 5 kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa.
Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh xác định có 35.824 bị hại; 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ năm 2018 đến 2019, Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu của 4 công ty: An Đông, Quang Thuận, Setra, Sunny World (đều thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
Số tiền trên không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu, mà bị bị cáo Lan và đồng phạm sử dụng vào các mục đích khác. Ngoài ra, từ năm 2012 đến 2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông qua 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng).
Trương Mỹ Lan và đồng phạm cũng bị cáo buộc rửa tiền từ nguồn tiền tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu, với số tiền 445.747 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 11/4, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ," 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và tử hình về tội "Tham ô tài sản." Tổng hợp hình phạt, bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành án tử hình.