Bản tin thời sự sáng 8/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Tất Thành Cang bị khai trừ ra khỏi Đảng; lắp đặt hệ thống camera bắt lỗi vi phạm giao thông trên Quốc lộ 51; MAUR đề xuất thuê tư vấn kiểm định gối cầu Metro số 1; bắt khẩn cấp Tổng giám đốc doanh nghiệp xăng ở TP.HCM; đưa ra xét xử 19 bị can vụ án tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên…

Ông Tất Thành Cang bị khai trừ ra khỏi Đảng

Ông Tất Thành Cang bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng

Ông Tất Thành Cang bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng

Ngày 7/4/2021, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang, nguyên Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Biên soạn lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, ông Tất Thành Cang, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trước đó, ngày 22/3, hơn 2 năm sau khi nhận kỷ luật cách chức, ông Tất Thành Cang tiếp tục bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng do những sai phạm trong thời gian công tác. Đó là những vi phạm nghiêm trọng về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Ông Cang bị Công an thành phố Hồ Chí Minh thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở cuối năm 2020.

Lắp đặt hệ thống camera bắt lỗi vi phạm giao thông trên Quốc lộ 51

18 điểm trên Quốc lộ 51 kết nối TP.HCM - Vũng Tàu được lắp máy đo tốc độ và camera ghi nhận lỗi, giúp CSGT ghi nhận, xử lý vi phạm giao thông.

Hệ thống tự động nhận dạng, ghi nhận và cảnh báo xe vi phạm luật giao thông

Hệ thống tự động nhận dạng, ghi nhận và cảnh báo xe vi phạm luật giao thông

Dự án Hệ thống giao thông thông minh, giám sát tự động bằng camera được Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư hơn 133 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 đang thực hiện trên Quốc lộ 51, với gần 80 tỷ đồng. Giai đoạn hai (2021 - 2023) sẽ lắp đặt trên Quốc lộ 55 và Quốc lộ 56.

Sau 3 tháng thi công, 18 điểm trên Quốc lộ 51 bắt đầu ở đường Võ Nguyên Giáp (phường 12, TP. Vũng Tàu) đến thị xã Phú Mỹ đã được gắn tổ hợp camera và thiết bị giám sát.

Trong đó, 8 máy đo tốc độ tự động, 9 camera quan sát an ninh, hàng chục camera ghi nhận các lỗi lấn làn, đi sai phần đường, dừng đỗ sai quy định...; một trạm giám sát tải trọng; hộp để người dân trực tiếp gọi trình báo, cung cấp thông tin liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực.

Ở mỗi điểm đo tốc độ được lắp đặt bảng điện tử. Khi ôtô vừa chạy qua, tài xế sẽ nhìn thấy biển số, kèm tốc độ và nếu vi phạm sẽ hiển thị màu đỏ, chạy đúng là màu xanh.

Dữ liệu từ các thiết bị giám sát truyền song song về Trung tâm chỉ huy, đặt tại trụ sở Công an Tỉnh và tại Phòng CSGT. Tại đây, bộ phận xử lý sẽ kiểm tra, trích xuất hình ảnh, video, lỗi... của xe.

Dự kiến, việc xử phạt qua camera trên Quốc lộ 51 được thực hiện trước 30/4. Trong vài ngày vận hành thử, hệ thống đã ghi nhận hàng nghìn xe vi phạm, chủ yếu là ôtô con.

MAUR đề xuất thuê tư vấn kiểm định gối cầu Metro số 1

MAUR đề xuất bổ sung tư vấn làm thí nghiệm, kiểm định toàn bộ gối cầu, các đoạn dầm hư hỏng ở tuyến Metro số 1 (TP.HCM), để thay thế nếu không đạt chất lượng.

MAUR đề xuất thuê tư vấn kiểm định gối cầu Metro Số 1

MAUR đề xuất thuê tư vấn kiểm định gối cầu Metro Số 1

Đề xuất vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) gửi UBND TP.HCM, sau sự cố 6 gối cầu thuộc Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Việc bổ sung tư vấn độc lập làm thí nghiệm, kiểm định toàn bộ gối cầu đã lắp cùng các đoạn dầm hư hỏng nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình. Bởi hơn 5 tháng từ khi phát hiện sự cố, đến nay chưa xác định được nguyên nhân.

Gói thầu CP2 do Liên danh SCC (Sumitomo - Cicenco 6) làm tổng thầu, dùng hơn 1.100 gối cao su của hãng Megaba (Hàn Quốc) và Kawakin (Nhật Bản). Cả hai thương hiệu đều có gối bị xê dịch khỏi vị trí đã lắp trên tuyến metro.

Việc quan trắc, kiểm tra toàn bộ gối cầu thuộc Gói thầu CP2 trước đó giao cho Tổng thầu SCC tiến hành, dưới sự giám sát của Chủ đầu tư và Liên danh tư vấn NJPT. Tuy nhiên, theo MAUR, Tổng thầu chậm trễ phối hợp điều tra nguyên nhân, đưa ra phương án giải quyết; điều này ảnh hưởng tiến độ Gói thầu CP2 và Dự án.

Metro số 1 dài gần 20 km, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hiện đạt hơn 83% khối lượng, riêng Gói thầu CP2 đạt 92%.

Bắt khẩn cấp Tổng giám đốc doanh nghiệp xăng ở TP.HCM

Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai khám xét Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm ở Quận 7, TP.HCM, và 8 địa điểm tại nhiều tỉnh thành, bắt Tổng giám đốc.

Ông Trần Huy Lập (trái) chứng kiến cơ quan điều tra khám xét

Ông Trần Huy Lập (trái) chứng kiến cơ quan điều tra khám xét

Sáng ngày 7/4, gần 30 cán bộ chiến sĩ, trong đó có cảnh sát cơ động vũ trang bao vây trụ sở Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm, rộng hơn 200 m2, trên đường Hoàng Quốc Việt, Quận 7, TP.HCM.

Trong khi Đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, làm việc với một số người của doanh nghiệp, lực lượng khác chia làm nhiều nhóm khám xét toàn bộ phòng làm việc của Công ty. Rất nhiều hồ sơ, tài liệu được cảnh sát cho vào thùng carton.

Tổng giám đốc doanh nghiệp là Trần Huy Lập, bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt khẩn cấp cùng 2 người khác.

Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng dầu do Phan Thanh Hữu (TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (Vĩnh Long) cầm đầu.

Theo đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ngoài trụ sở Công ty, cảnh sát cũng đồng loạt khám xét nhà riêng của ông Lập và 7 địa điểm khác ở Lâm Đồng, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm có 6 cổ đông, được đăng ký lần đầu ngày 31/12/2013, đăng ký thay đổi lần thứ 9 vào ngày 29/6/2020 với vốn đầu tư 153 tỷ đồng.

Đưa ra xét xử 19 bị can vụ án tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên

TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử 19 bị can trong vụ án gây thiệt hại 830 tỷ đồng tại Dự án Gang thép Thái Nguyên, dự kiến diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 12 - 22/4).

Dự án Gang thép Thái Nguyên bị hoang hóa gây thiệt hại lớn

Dự án Gang thép Thái Nguyên bị hoang hóa gây thiệt hại lớn

Theo TAND TP. Hà Nội, ngày 12/4 chính thức mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Tổng cộng 19 bị can bị đưa ra xét xử, liên quan đến vụ án gây thiệt hại 830 tỷ đồng tại Dự án Gang thép Thái Nguyên. 5 bị can là Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), Đậu Văn Hùng - cựu Tổng giám đốc VNS, Trần Trọng Mừng - cựu Tổng giám đốc TISCO, Trần Văn Khâm - cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO; Ngô Sỹ Hán - cựu Phó tổng giám đốc, Trưởng ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO - và 9 bị can khác bị truy tố về tội Vvi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

5 bị can bị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Lê Phú Hưng - cựu thành viên HĐQT VNS, Nguyễn Minh Xuân, Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp, Đoàn Thu Trang - đều cựu thành viên HĐQT TISCO.

Đây là một trong 5 vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm 2021.

Quảng Ngãi muốn kết thúc công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Đầu tư 20 tỷ đồng cho Đề án Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh từ 2015, Quảng Ngãi muốn kết thúc do "hiệu quả không rõ ràng".

Đảo Lý Sơn, vùng lõi của đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh

Đảo Lý Sơn, vùng lõi của đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh

Đề án công viên địa chất được triển khai từ năm 2015 với tên gọi ban đầu là Công viên địa chất toàn cầu Bình Châu - Lý Sơn. Khi ấy, Quảng Ngãi vừa khai quật nhiều tàu cổ ở vùng biển này, đồng thời đảo Lý Sơn đã hòa điện lưới quốc gia; nổi tiếng với di sản địa chất núi lửa và bề dày lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Năm 2017, UBND Tỉnh thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm cơ quan thường trực.

Năm 2019, Ban Quản lý đánh giá diện tích Lý Sơn và vùng phụ cận quá nhỏ để làm đề án nên đề nghị tỉnh mở rộng lên 4.600 km2, bao gồm nhiều diện tích trên đất liền.

Cuối 2019, hồ sơ dự thảo về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được gửi cho UNESCO và vượt qua vòng sơ loại. Theo quy định, tổ chức này sẽ biểu quyết bằng phiếu bầu tại Hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO dự kiến ban đầu tổ chức vào cuối 2020 tại Jeju Hàn Quốc. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nên việc thẩm định bị hoãn.

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, sau khi rà soát toàn bộ Đề án, UBND Tỉnh cho rằng hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng nên đề xuất kết thúc Đề án Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.