Bản tin thời sự sáng 9/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ dự kiến vay gần 680.000 tỷ đồng năm 2024; thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua Yên Bái từ 21h tối 8/10; lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh; Agribank tìm cách thu hồi 1.000 tỷ cho Tân Hoàng Minh vay; Nhà thiếu nhi và Bệnh viện mắt TP.HCM được xếp hạng di tích…

Chính phủ dự kiến vay gần 680.000 tỷ đồng năm 2024

Năm tới, Chính phủ dự kiến vay hơn 676.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 27,5 tỷ USD, để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và vay về cho vay lại.

Giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM

Giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM

Nội dung này được nêu tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình nợ công 2023, kế hoạch vay và trả nợ 2024. Kế hoạch Chính phủ đưa ra cao hơn mức vay được Quốc hội phê chuẩn và số vay thực tế năm 2023, lần lượt là 55.000 tỷ đồng và 71.670 tỷ đồng.

Tương tự các năm, nguồn huy động chủ yếu cho khoản vay trên là phát hành trái phiếu, vay ODA và ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Cũng theo báo cáo, khoản nợ trực tiếp sẽ được trả trong năm sau khoảng 395.900 tỷ đồng, tăng hơn 84.300 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó gần 73% trả nợ gốc, còn lại là trả lãi.

Khoảng 58.300 tỷ đồng sẽ được Chính phủ trả khoản nợ vay về cho vay lại, trong đó hơn 96% trả gốc. Với mức trả nợ này, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp so với thu ngân sách trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt.

Về bảo lãnh Chính phủ, năm 2024 sẽ không xem xét cấp bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài. Dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 9.100 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài hơn 88.400 tỷ đồng.

Ngân sách địa phương năm 2024 theo tính toán của Chính phủ dự kiến bội chi 26.500 tỷ đồng. Các địa phương sẽ vay khoảng 30.600 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và nguồn khác trong nước. Tổng trả nợ của các địa phương hơn 4.100 tỷ đồng; dư nợ cuối năm gấp 23 lần số trả nợ, trên 96.000 tỷ đồng.

Liên quan tới nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả, Chính phủ cho biết, mức rút vốn ròng trung dài hạn dự kiến khoảng 7,5 - 8,5 tỷ USD, tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 15 - 18% so với cuối năm 2023.

Với dự kiến vay, trả nợ trên, mức nợ công 2024 khoảng 39 - 40% GDP, nợ Chính phủ 37 - 38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 38 - 39% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách 24 - 25%, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.

Thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua Yên Bái từ 21h tối 8/10

Tối 8/10, đường sắt đã khắc phục xong tuyến đường sắt đoạn qua Yên Bái bị sạt lở do mưa lớn, thông đường toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Sang đến ngày 8/10, lực lượng đường sắt tiếp tục sửa chữa đường sắt khu vực sạt lở

Sang đến ngày 8/10, lực lượng đường sắt tiếp tục sửa chữa đường sắt khu vực sạt lở

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khoảng 21h00 tối 8/10, đường sắt bị sạt lở tại Yên Bái đã khắc phục xong sau gần hai ngày khẩn trương cứu chữa, chuẩn bị thông đường toàn tuyến Yên Viên - Lào Cai.

Trước đó, do mưa lớn kéo dài trên tỉnh Yên Bái ngày 6/10, đến sáng 7/10 đã làm hư hỏng một số vị trí kết cấu hạ tầng, không thể chạy tàu.

Cụ thể, tại khu gian Ngòi Hóp - Mậu A thuộc tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, một số điểm bị trôi nền đường, sụt sạt ta luy nền đường, đất đá trôi lấp mương rãnh và tràn vào lòng đường; sạt lở rãnh cáp gây hư hỏng đường cáp chôn ngầm thông tin tín hiệu. Đường sắt phải phong tỏa khu gian để tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả.

Sơ bộ thiệt hại, về cầu đường, Km 178+200 - Km 178+260 sụt lở taluy dương bên phải lý trình, phải cấm tàu lúc 6h30 sáng 7/10; Km 179+150 - Km 179+200 sụt lở ta luy dương bên phải lý trình đường sắt, đất lấp trên mặt ray, phải cấm tàu từ 4h15 sáng 7/10. Đặc biệt, Km 180+090 - Km 180+125 sụt toàn bộ nền đường, treo tà vẹt sâu bình quân 6m, phải cấm tàu lúc 2h10 sáng 7/10.

Riêng Km 182+700 - Km 182+750 bị sụt lở ta luy dương bên phải lý trình đường sắt, cấm tàu lúc 2h45 sáng 7/10 để cứu chữa và đã trả đường 5km/h lúc 6h50 (có nhân viên dẫn đường); Km 183+740 - Km 183+780 bị sụt lở ta luy dương bên phải lý trình đường sắt, đất lấp trên mặt ray, phải cấm tàu từ 3h24 sáng 7/10 để cứu chữa và đã trả đường tốc độ khu gian lúc 4h25.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng từ mức sát 0% vào tuần trước nay vượt 1%, cao nhất 3 tháng qua.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 5/10 giao dịch ở mức 1,32% một năm, cao hơn 1 điểm % so với tuần trước và là mức cao nhất ba tháng qua. Các kỳ hạn khác, lãi suất cũng tăng mạnh so với một tuần trước.

Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất vay vốn của các ngân hàng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) khi các nhà băng thiếu lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước (mỗi ngân hàng đều phải duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc theo quy định). Nếu mức lãi suất này duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống khá hạn chế, điều này có thể gây áp lực lên lãi suất huy động và cho vay tại thị trường dân cư (thị trường 1).

Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng bật tăng trở lại trong một tuần gần đây, sau động thái hút tiền qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.

Sau nhiều tháng dừng hoạt động, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút tiền qua kênh tín phiếu trong gần 2 tuần qua. Trong 12 phiên giao dịch, nhà điều hành đã hút ròng khỏi thị trường liên ngân hàng hơn 140.000 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu với lãi suất trúng thầu tăng dần, từ mức 0,7% lên khoảng 1,3% một năm.

Động thái này theo giới chuyên gia, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lãi suất, còn được gọi là "carry trade" khi thanh khoản dư thừa, chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao 4 - 5 điểm phần trăm.

Trước đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu kể từ tháng 5, về ngang ngửa mức thấp kỷ lục giai đoạn Covid-19, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, tăng trưởng tín dụng ảm đạm.

Agribank tìm cách thu hồi 1.000 tỷ cho Tân Hoàng Minh vay

Ba tháng trở lại đây, Agribank rao bán các khoản nợ liên quan Tân Hoàng Minh với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ba tháng trở lại đây, Agribank rao bán các khoản nợ liên quan Tân Hoàng Minh

Ba tháng trở lại đây, Agribank rao bán các khoản nợ liên quan Tân Hoàng Minh

Agribank - Chi nhánh Tràng An vừa thông báo bán đấu giá 4 khoản nợ phải thu với 4 doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Cụ thể, ngân hàng này rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bắc Hà với giá khởi điểm khoảng 56 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản THM Thịnh Vượng giá khởi điểm 95 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Thanh giá khởi điểm 77 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông 82 tỷ đồng.

4 khoản nợ với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng này đều được thế chấp bằng hợp đồng cho thuê dài hạn và không hủy ngang ở số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Tòa nhà 7 tầng trên lô đất vàng ở Quang Trung này cũng là nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đầu tháng 8, Agribank cũng rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng, trong đó có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải. Bên cạnh đó, nhà băng này còn một khoản nợ phải thu hồi với Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc, giá khởi điểm rao bán là hơn 281,6 tỷ đồng.

Tổng cộng, ngân hàng này đang rao bán các khoản nợ trị giá ít nhất 1.000 tỷ đồng liên quan tới Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Nhà thiếu nhi và Bệnh viện mắt TP.HCM được xếp hạng di tích

Hai công trình nằm ở Quận 3, xây gần 100 năm trước, gắn liền nhiều thời kỳ phát triển của TP.HCM được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố.

Khuôn viên Bệnh viện mắt TP.HCM nhìn từ trên cao

Khuôn viên Bệnh viện mắt TP.HCM nhìn từ trên cao

Quyết định xếp hạng hai công trình được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký, sau khi Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất. Chính quyền Thành phố không cho phép xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở khu vực hai di tích này phải được phép của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Là một trong công trình kiến trúc cổ kính, Nhà thiếu nhi TP.HCM (số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu), vốn là dinh thự do người Pháp xây từ năm 1927. Những năm đầu thập niên 60, công trình được tu bổ lại, ban đầu là Khoa Y Dược của Đại học Sài Gòn, sau trở thành Dinh Quốc khách tiếp các phái đoàn ngoại quốc cấp Quốc trưởng hay Thủ tướng. Đến năm 1972, dinh thự là nơi cư trú của các Phó tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 8/1976, Thành uỷ TP.HCM giao tòa nhà cho Thành đoàn xây dựng "Câu lạc bộ Thiếu nhi thành phố". Ba năm sau, câu lạc bộ được đổi tên thành Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, sau đó mang tên Nhà thiếu nhi TP.HCM từ năm 1986 cho đến nay.

Bệnh viện mắt TP.HCM ở số 280 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, cũng là công trình do người Pháp xây dựng từ năm 1936. Ban đầu, nơi này là Trung tâm Mắt và được đổi tên thành Bệnh viện Mắt TP.HCM từ năm 2002. Hiện, đây là bệnh viện chuyên khoa hạng I và trung tâm đầu ngành về mắt của Thành phố cũng như cả nước.

Thu hồi hơn 138 ha đất cấp sai cho nguyên Bí thư huyện Vĩnh Thạnh và 2 con trai

Đây là vụ việc sai phạm giao đất rừng phòng hộ không đúng đối tượng với diện tích lớn tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Khu vực rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

Khu vực rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Thạnh và những người có liên quan việc cấp sai 138,4 ha đất ở huyện này. Vụ sai phạm này đã được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Bình Định đưa vào diện theo dõi quản lý.

UBND huyện Vĩnh Thạnh thu hồi 138,4 ha đất rừng phòng hộ trên địa bàn. Trong đó, thu hồi của hộ ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư huyện ủy Vĩnh Thạnh 85 ha và 2 con trai Nguyễn Đình Sơn 30 ha, Nguyễn Đình Ngân 23,4 ha. Đây là vụ việc sai phạm giao đất rừng phòng hộ không đúng đối tượng với diện tích lớn tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Trước đó, tháng 11/2022, Thanh tra tỉnh Bình Định đã ban hành kết luận về việc giao đất, lấn chiếm đất rừng, phá rừng và xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Kết luận có nêu, để được giao đất rừng phòng hộ, ông Nguyễn Đình Kim, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã tự viết đơn, giả chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp đều có quan hệ họ hàng với ông.

Hồ sơ vụ việc sau đó được Thanh tra Tỉnh chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định xử lý theo quy định pháp luật vì có dấu hiệu tội phạm.

Nhân viên bảo dưỡng máy bay vận chuyển lậu hàng trăm iPhone

Lê Văn Ngọc, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, giấu hàng trăm iPhone trong hộp kỹ thuật, xách ra ngoài tránh hải quan kiểm soát.

Ngọc tại cơ quan điều tra

Ngọc tại cơ quan điều tra

Ngày 8/10, Lê Văn Ngọc và Nguyễn Thị Thúy Nga bị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01), Công an TP.HCM khởi tố để điều tra hành vi Buôn lậu.

Theo cơ quan điều tra, qua soi chiếu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện Nguyễn Anh Tuấn, mang 12 iPhone 14 Pro Max mới từ Thái Lan về không khai báo hải quan. Cảnh sát xác định đây là mắt xích trong đường dây buôn lậu lớn nên khởi tố, bắt giam người này.

Nhà chức trách xác định Tuấn đã buôn lậu hơn 600 điện thoại iPhone 14 Pro Max với giá trị gần 20 tỷ đồng từ Thái Lan về. Các chuyến hàng thuận lợi đưa ra ngoài bởi được người bên trong sân bay tiếp tay.

Quá trình điều tra, cảnh sát xác định Ngọc, nhân viên kỹ thuật thuộc Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO), trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, là đồng phạm. Người đàn ông này phụ trách bảo dưỡng máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi có lịch bảo dưỡng máy bay sẽ nhắn cho Tuấn.

Tuấn sẽ đặt vé, mang hàng lậu từ Thái Lan về đúng chuyến của Ngọc có trách nhiệm bảo dưỡng. Khi máy bay vừa hạ cánh, hành khách đang xuống máy bay thì nhân viên kỹ thuật này di chuyển ra sân đỗ, lên máy bay làm nhiệm vụ bảo dưỡng sẽ nhận lô hàng từ Tuấn, cho vào túi đồ nghề của mình mang ra ngoài.

Để tránh kiểm soát của hải quan, Ngọc di chuyển bằng đường ga quốc nội để ra khỏi sân bay, hẹn giao lại hàng cho nhóm của Tuấn, nhận tiền công 900.000 đồng với mỗi điện thoại. Cơ quan điều tra xác định, thời gian qua, nam nhân viên bảo dưỡng máy bay đã thu lợi hơn 500 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, cảnh sát đã khởi tố thêm Nga, vợ Tuấn, với vai trò đồng phạm. Cơ quan điều tra đang phối hợp với các đơn vị mở rộng về toàn bộ quá trình buôn lậu trước đó, phương thức thủ đoạn của nhóm này.