Bản tin thời sự sáng 9/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cấp phép nhập khẩu vaccine Covid-19 trong 5 - 10 ngày; hệ thống nhiều công ty chứng khoán “sập” trong phiên sáng 8/6; khởi tố, bắt giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà; chuyển huyết thanh người thử nghiệm Covivac sang Canada; Quảng Trị xin đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức PPP…

Cấp phép nhập khẩu vaccine Covid-19 trong 5 - 10 ngày

Các địa phương, doanh nghiệp muốn nhập khẩu vaccine Covid-19, có thể được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép khẩn cấp trong vòng 5 - 10 ngày làm việc nếu đủ hồ sơ hợp lệ.

Máy bay chuyển lô vaccine AstraZeneca về Việt Nam

Máy bay chuyển lô vaccine AstraZeneca về Việt Nam

Theo Cục trưởng Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, nếu các địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn tiếp cận được vaccine Covid-19, Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ về các thủ tục nhập khẩu. Hiện tất cả quy trình liên quan đến cấp phép và nhập khẩu vaccine Covid-19 được Bộ Y tế rút gọn tối đa.

Các đơn vị muốn nhập khẩu vaccine phải chuẩn bị đủ hồ sơ, gồm giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất và giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý. Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế (NICVB) sẽ dựa trên các giấy tờ này để cấp giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các vaccine đã được WHO phê duyệt khẩn cấp, như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp và ủy quyền chính thức của đơn vị sản xuất vaccine. Nếu vaccine đã được quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO cấp phép, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

Có hai hình thức nhập khẩu vaccine. Các cơ quan ngoại giao, lãnh sự nhập khẩu theo quy định tại điều 75 của Nghị định 54/2017 hướng dẫn thi hành Luật Dược. Các địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhập khẩu theo quy định tại Điều 67 cùng nghị định.

Đến nay, Cục Quản lý Dược đã giải quyết kịp thời các đơn nhập khẩu vaccine Covid-19 của Covax, Công ty AstraZeneca Việt Nam; trình phê duyệt khẩn cấp có điều kiện một số vaccine của AstraZeneca, Gamaleya (Sputnik V), Sinopharm. Ngày 7/6, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã họp và thống nhất đề nghị phê duyệt vaccine Pfizer.

Hệ thống nhiều công ty chứng khoán “sập” trong phiên sáng 8/6

Hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán và HoSE sáng 8/6 phát sinh nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn, làm lực bán tăng vọt.

VN-Index tiếp tục lao dốc trong phiên sáng 8/6

VN-Index tiếp tục lao dốc trong phiên sáng 8/6

Sắc đỏ tiếp tục là gam màu chủ đạo trong phiên sáng ngày 8/6. Lực bán chiếm ưu thế từ khi mở cửa, nối tiếp phiên giảm hôm qua khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu sau ATO. Lực cầu đỡ lại ở vùng thấp giúp thị trường hồi phục vào giữa phiên sáng nhưng không đủ để đảo chiều xu hướng. Áp lực bán tiếp tục gia tăng sau đó ép chỉ số giảm sâu.

Sáng 8/6, hệ thống giao dịch tiếp tục là một vấn đề lớn ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Hệ thống một số công ty chứng khoán bị gián đoạn, phải dừng hoạt động để sửa lỗi vào giữa phiên sáng, như trường hợp của FPTS hay TVSI. Trong khi đó, việc gửi lệnh tới HoSE tại những thành viên thị trường tiếp tục gặp tình trạng chậm phản hồi, khó khăn trong việc nhập lệnh.

Bảng giá các công ty chứng khoán cũng không phản ánh chính xác giao dịch của cổ phiếu, khi mức giá khớp lệnh sai lệch so với các lệnh mua bán hiển thị. Đồ thị phiên sáng nay không phản ánh xu hướng chính xác của thị trường, thay vào đó là những đường đi ngang, gấp khúc.

Riêng thanh khoản của HoSE, đến sát giờ nghỉ trưa con số trên bảng điện mới được cập nhật. Trước đó, thanh khoản của thị trường dừng lại ở mức trên 3.000 tỷ đồng trong gần hết phiên sáng.

Chính việc hệ thống xuất hiện vấn đề, tình trạng "giao dịch mù" do không thể xác định được các lệnh mua bán khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh.

VN-Index đóng cửa tại 1.319,88 điểm, mất 38,9 điểm so với tham chiếu. Hệ thống giao dịch của nhiều công ty chứng khoán bị treo nên thanh khoản sàn TP.HCM trong phiên sáng chỉ hơn 16.000 tỷ đồng. Áp lực xả hàng được đẩy nhanh trong 2 giờ giao dịch còn lại, đưa thanh khoản hôm nay lên gần 30.300 tỷ đồng.

Khởi tố, bắt giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà

Ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách.

Một trong các dự án trên núi Chín Khúc

Một trong các dự án trên núi Chín Khúc

Ngày 8/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hoà đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét đối với ông Lê Đức Vinh và Nguyễn Chiến Thắng, đều nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Đồng phạm với hai vị cựu Chủ tịch trên là ông Lê Mộng Điệp, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Khánh Hoà cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ba bị can nêu trên bị cáo buộc có liên quan đến sai phạm tại Dự án tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc, Khánh Hoà.

Gần 17h, cảnh sát đến nhà ông Vinh trên đường Thống Nhất, TP. Nha Trang, để thực hiện lệnh khám xét. Tương tự, tổ công tác khác của Công an Khánh Hoà cũng có mặt tại nhà ông Thắng trên đường Trịnh Phong và nhà ông Điệp.

Động thái này được đưa ra sau hơn một tháng Công an Khánh Hòa khởi tố vụ án giao và cho thuê hơn 20.000 m2 đất tại 28E đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, cho doanh nghiệp thực hiện dự án để làm rõ các vi phạm của ông Thắng khi còn đương chức Chủ tịch UBND Tỉnh và những người liên quan.

Chuyển huyết thanh người thử nghiệm Covivac sang Canada

Nhóm nghiên cứu lấy mẫu huyết thanh của tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covivac vào các thời điểm khác nhau, gửi sang Canada để đánh giá kháng thể.

Người tình nguyện theo dõi sức khỏe sau tiêm tại Trường Đại học Y Hà Nội

Người tình nguyện theo dõi sức khỏe sau tiêm tại Trường Đại học Y Hà Nội

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhóm nghiên cứu đã gửi tổng cộng 720 mẫu huyết thanh của các tình nguyện viên thử nghiệm giai đoạn một Covivac sang Canada bằng máy bay. Một người tình nguyện được lấy 6 mẫu huyết thanh vào các thời điểm trước khi tiêm liều một, trước khi tiêm liều hai và 14 ngày sau khi tiêm liều hai, mỗi thời điểm lấy hai mẫu.

Các chuyên gia ở Canada sẽ đánh giá mức độ sinh kháng thể của liều một và liều hai vaccine Covivac, làm căn cứ để chọn mức liều phù hợp thử nghiệm giai đoạn hai và ba. Kết quả đánh giá kháng thể dự kiến có vào cuối tháng 6.

Nếu kết quả này đạt yêu cầu, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo Bộ Y tế và xin phép thử nghiệm giai đoạn hai trên 300 người tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Giai đoạn hai dự kiến bắt đầu vào tháng 7, thử nghiệm hai mức liều vaccine lựa chọn từ giai đoạn một trên 200 người, 100 người còn lại tiêm giả dược.

Giai đoạn ba dự kiến thử nghiệm trên 10.000 người. Nhóm nghiên cứu dự kiến giai đoạn này có thể gặp khó khăn do yêu cầu số lượng người lớn, có thể không đủ tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.

Covivac là vaccine Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (Ivac) nghiên cứu, phát triển. Đại diện Ivac cho biết dự định nộp đơn cấp phép khẩn cấp cho Covivac ngay sau khi ba giai đoạn thử nghiệm hoàn thành. Thời gian có vaccine đưa ra thị trường sẽ sớm hơn khoảng một tháng so với dự kiến. Trước đó, Ivac dự kiến ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng Covivac tiến hành từ ngày 21/1 đến hết năm 2021, hoàn tất vào đầu năm 2022 để xin cấp phép đưa vào sử dụng.

Quảng Trị xin đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức PPP

Tỉnh Quảng Trị trình Thủ tướng xem xét, bổ sung cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70 km theo phương thức đối tác công tư (PPP), mức vốn 7.700 tỷ đồng.

Phương tiện chờ làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Phương tiện chờ làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận bổ sung tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo vào Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đề xuất, tuyến cao tốc chạy theo hướng đông tây của tỉnh Quảng Trị, nối huyện Cam Lộ với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, dài 70 km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Dự án xây dựng theo phương thức PPP, có tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 28,31%, thời gian hoàn vốn 19 năm.

Hiện từ TP. Đông Hà lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có Quốc lộ 9 dài 83 km, với quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Thời gian vừa qua, phương tiện giao thông trên Quốc lộ 9 tăng cao, đặc biệt là xe container vận chuyển hàng hóa sang Lào và ngược lại.

Thành phố Hà Tĩnh cách ly xã hội từ 12h ngày 8/6

TP. Hà Tĩnh cách ly y tế theo chỉ thị 16 từ 12h ngày 8/6, sau khi địa phương liên tiếp ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2.

Một góc của TP.Hà Tĩnh

Một góc của TP.Hà Tĩnh

14 xã, phường (trừ xã Thạch Bình) với gần 25.000 hộ gia đình, trên 100.000 nhân khẩu ở TP. Hà Tĩnh trong diện áp dụng Chỉ thị 16, gia đình cách ly với gia đình; xã, phường cách ly với xã phường...

Mọi người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng...

Cùng lúc, nhà chức trách TP. Hà Tĩnh lập 6 chốt phong tỏa tại tổ dân phố 6 phường Bắc Hà và tổ dân phố 3 phường Nguyễn Du với hơn 600 hộ dân. Tổ dân phố 3, phường Nguyễn Du là nơi ca nghi nhiễm lưu trú.

Ngoài ca nghi nhiễm vừa phát hiện, đến nay Hà Tĩnh ghi nhận 18 ca Covid-19, 8 bệnh nhân đã xuất viện, 3 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn), 3 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, 2 bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), một số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Tỉnh đang cách ly tập trung hơn 400 người, cách ly tại nhà hơn 4.200 người.

Robot Vibot thế hệ thứ hai đưa cơm, thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang

"Xin mời bệnh nhân phòng 308 ra nhận đồ ăn", robot y tế Vibot thế hệ thứ hai phát thanh khi di chuyển đến trước cửa phòng bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Điều khiển Vibot và hướng dẫn bệnh nhân F0 ở bệnh viện đa khoa Bắc Giang tương tác với Robot

Điều khiển Vibot và hướng dẫn bệnh nhân F0 ở bệnh viện đa khoa Bắc Giang tương tác với Robot

Sau lời thông báo, người bệnh ra cửa phòng nhận cơm, canh. Lấy xong khẩu phần cho cả phòng, bệnh nhân vẫy tay 3 lần trước thiết bị ở góc phải Vibot để báo hiệu Robot có thể tiếp tục hành trình. "Xin cảm ơn! Hẹn gặp lại", Robot y tế phát thanh trước khi tiến đến phòng bệnh nhân tiếp theo.

Khi hoàn thành việc phát cơm cho hàng trăm bệnh nhân ở tất cả các phòng, Vibot quay về vị trí tập kết, nhả giá đựng đồ nhiều tầng ra và lùi về trạm sạc điện, chờ nhận nhiệm vụ mới.

Trung tá, TS Nguyễn Anh Văn, Phó chủ nhiệm bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử, Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết Vibot tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Covid-19, làm thay công việc của nhân viên trong bệnh viện.

Trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, ngoài vận chuyển đồ ăn, hai Robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự còn đưa thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài vào khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài.

Ngoài chức năng vận chuyển, Robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với trung tâm giám sát, điều khiển. Qua đó, người bên ngoài khu vực cách ly như y, bác sỹ, người thân, có thể giao tiếp, thăm bệnh, tư vấn, động viên... với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.

Quảng Ninh mở cửa dịch vụ, du lịch từ 12h ngày 8/6

Các điểm du lịch, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ ở Quảng Ninh được mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh, từ 12h ngày 8/6.

Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long nằm bờ suốt thời gian dài do ảnh hưởng của Covid-19

Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long nằm bờ suốt thời gian dài do ảnh hưởng của Covid-19

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, việc mở dịch vụ, du lịch trong trạng thái bình thường mới do 30 ngày qua trên địa bàn không phát sinh ca F0 trong cộng đồng.

Các quán cà phê, giải khát, nhà hàng, quán ăn, quán nước, xổ số; các dịch vụ văn hóa, thể thao, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a trên địa bàn Tỉnh hoạt động trở lại (trừ karaoke, vũ trường, mát xa, bar, pub, club, trò chơi điện tử). Các sân golf được đón khách nội tỉnh.

Sở Du lịch Quảng Ninh làm việc với các tỉnh, thành và trên cơ sở đánh giá an toàn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất với lãnh đạo Tỉnh triển khai phương án mở rộng khách du lịch từ các địa bàn an toàn, các du khách mạnh khỏe trong cả nước để khôi phục nhanh hoạt động du lịch, dịch vụ trong dịp hè 2021.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh tạm dừng hoạt động tham quan, du lịch, bao gồm cả vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các tuyến biển đảo, từ 12h ngày 6/5.