Bế mạc Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sau một ngày rưỡi làm việc, sáng 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bế mạc phiên họp thứ 47.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian để xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV và báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. 

Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân; cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết về phân loại đô thị.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của các nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ xem xét trước khi thông qua.

Trước đó trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính” nêu rõ dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về tổ chức đơn vị hành chính các cấp, theo đó “quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp theo hướng khuyên khích sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.”

Nghị quyết cụ thể hóa các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương về phân loại đơn vị hành chính; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. “Đơn vị hành chính được tổ chức ổn định trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện có. Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp.”

Về quy định xác định yếu tố đặc thù, có ý kiến cho rằng tiêu chí để xác định yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính cũng như trình tự, thủ tục xác định đối với xã đảo, xã miền núi, xã nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn… đã được quy định trọng một số văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên tiêu chí để xác định yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính cũng như trình tự, thủ tục xác định đối với tỉnh vùng cao, tỉnh miền núi, huyện vùng cao, huyện miền núi, huyện đảo, xã an toàn khu… thì Chính phủ lại chưa quy định. Vì vậy để đảm bảo tính khả thi của nghị quyết, đề nghị Chính phủ sớm có quy định cụ thể về các vấn đề này.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phân loại đô thị góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của công tác phân loại đô thị; xác lập cơ sở cho việc đánh giá chất lượng đô thị theo các giai đoạn phát triển; tổ chức, sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước; lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị; xây dựng các chính sách và cơ chế quản lý phát triển đô thị; phân loại đơn vị hành chính, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính đô thị.

Nghị quyết quy định cụ thể các nội dung liên quan phân loại đô thị bao gồm: tiêu chí phân loại đô thị, trình tự, thủ tục phân loại đô thị, thẩm quyền quyết định công nhận loại đô thị, kinh phí phân loại đô thị, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong phân loại đô thị có 4 tiêu chí quan trọng nhất cấn được lưu ý, đầu tiên là mật độ dân số, tiếp đến là quy mô của nền kinh tế, xác dịnh bằng thu ngân sách, tiếp sau đó là tiêu chí diện tích và đơn vị hành chính.

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Pháp luật đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thêm về số liệu, định mức được quy định trong từng tiêu chuẩn, tiêu chí tại các dự thảo nghị quyết để đảm bảo chất lượng và tính khả thi của văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng sau này.

Qua thảo luận, các ý kiến thống nhất cần xây dựng riêng biệt hai dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết về phân loại đô thị.

Các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ được áp dụng theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Một số ý kiến cũng cho rằng các định mức tiêu chí cần được bổ sung thêm một số nội dung khác đặc biệt là quy định về vấn đề môi trường…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ cùng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi thông qua.