Biến lợi thế thành động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quảng Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước sở hữu lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông với sự hội tụ của đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển và đường thủy nội địa. Đây cũng là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo do tốc độ gió, nền nhiệt độ, bức xạ mặt trời cao và phân bố khá đồng đều quanh năm. Quảng Bình đã định hướng khai thác, thu hút đầu tư từ 2 lợi thế đặc biệt này, biến lợi thế thành động lực phát triển.
Quảng Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước có đủ 5 loại hình giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa. Ảnh: Tiên Giang
Quảng Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước có đủ 5 loại hình giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa. Ảnh: Tiên Giang

Xây dựng hạ tầng là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược

Được ví như “eo thắt” của Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với chiều ngang hẹp nhất Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông), trên tổng diện tích hơn 8 nghìn km2 theo chiều dọc đất nước, Quảng Bình sở hữu 5 tuyến giao thông quốc gia hiện hữu, bao gồm: Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là lợi thế đặc biệt không phải địa phương nào cũng sở hữu.

Tính theo chiều ngang, Quảng Bình có Quốc lộ 12A từ cảng Hòn La đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vào nước bạn Lào qua cầu Hữu nghị 3 bắc qua sông Mê Kông nối với Thái Lan, Myanmar và các nước Nam Á khoảng 350 km. Đây là tuyến ngắn nhất nối biển Đông với các nước Trung Á, được gọi là hành lang kinh tế Đông - Tây. Quảng Bình đang trở thành đầu mối quan trọng thông thương với khu vực và thế giới, là cửa ngõ kinh tế phía Đông của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Trong nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã định hướng thu hút đầu tư từ vị trí đặc biệt này. Để khai thác hiệu quả, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại” là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược, tạo sự chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với hỗ trợ từ Trung ương, Quảng Bình từng bước hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông và Tây; Quốc lộ 12A, 9B, 9C, 9E và hệ thống đường tỉnh kết nối Việt Nam với các nước Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, đồng thời nối liền với các cảng biển lớn như: Hòn La (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang đầu tư Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 với chiều dài 85 km; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 128 km; Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn. Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, đây là các dự án mang tính kết nối liên vùng, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Với việc đầu tư tuyến ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Quảng Bình đang đón dòng vốn đầu tư các dự án đô thị biển, dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Tuyến ven biển cũng góp phần thực hiện kế hoạch khai thác cảng Hòn La (tiếp nhận tàu 20 nghìn tấn) và sông Gianh (tiếp nhận tàu 1 nghìn tấn).

Điểm nhấn trong bức tranh giao thông của Quảng Bình là Cảng hàng không Đồng Hới. Được đưa vào sử dụng năm 2008, Cảng hàng không Đồng Hới đang khai thác các đường bay Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP.HCM, Đồng Hới - Cát Bi (Hải Phòng), Đồng Hới - Chiềng Mai (Thái Lan), công suất 500.000 hành khách/năm. Khi Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới được đầu tư (dự kiến khởi công cuối năm nay, hoàn thành năm 2026), công suất dự kiến được nâng lên 3 triệu lượt hành khách/năm. Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc Dự án trên diện tích 15,016 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 1.844 tỷ đồng.

Tín hiệu đáng mừng về hạ tầng giao thông tại Quảng Bình tiếp tục được ghi nhận tại Dự án tuyến du lịch kết nối TP. Đồng Hới - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khi Tập đoàn Đèo Cả báo cáo phương án đầu tư Dự án cùng với các đối tác theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Dự án gồm 3 tuyến với tổng chiều dài khoảng 24 km, tổng mức đầu tư khoảng 2.387 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối sân bay Đồng Hới - đường ven biển - hệ thống tỉnh lộ, quốc lộ - cao tốc Bắc Nam phía Đông - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

Cảng Hòn La. Ảnh: Thanh Đức

Cảng Hòn La. Ảnh: Thanh Đức

Biến gió Lào, nắng trưa thành năng lượng để bứt phá

Dọc đường thiên lý từ Nam ra Bắc qua địa phận huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình sẽ bắt gặp những cánh quạt quay đều trên những trụ tuabin khổng lồ, tạo ra dòng điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Những trụ điện gió đó thuộc trang trại điện gió BT1, BT2 đã vận hành từ vài năm nay, đánh thức tiềm năng gió của mảnh đất Quảng Bình và hình thành một ngành công nghiệp mới tại địa phương.

Ngược về vài năm trước, chủ trương thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo “biến gió Lào, nắng trưa thành năng lượng bứt phá” được tỉnh Quảng Bình đề ra trên cơ sở khai thác tiềm năng từ chính khí hậu khắc nghiệt của địa phương. Chủ trương này đã đem lại những dự án năng lượng “xanh” có vốn đầu tư và công suất lớn, đưa Quảng Bình tiến gần hơn với kế hoạch xây dựng trung tâm năng lượng của quốc gia (bao gồm thuỷ điện, điện khí, điện sinh khối).

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, bên cạnh cụm trang trại điện gió BT1, BT2, Quảng Bình đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện gió Quảng Ninh (252 MW); Điện gió Lệ Thủy (50 MW); Điện gió Minh Hóa (180 MW); Điện mặt trời Dohwa - Lệ Thủy (công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.037 tỷ đồng)...

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, với việc bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (tổ máy số 1 năm 2023, tổ máy số 2 năm 2024), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (tổ máy số 1 năm 2027, tổ máy số 2 năm 2028) cùng các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối), công nghiệp sản xuất và phân phối điện là ngành động lực, quyết định đến tăng trưởng của sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Sản lượng điện sản xuất đến năm 2025 đạt 9.500 triệu kWh, đến năm 2030 đạt 15.000 triệu kWh. Giá trị công nghiệp sản xuất và phân phối điện đến năm 2030 đạt 16.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 54%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng 93%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 23%/năm; tỷ trọng trong ngành công nghiệp từ 2% năm 2020 tăng lên 23% năm 2025 và đến năm 2030 là 35%.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, với tiềm năng điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và điện khí, Quảng Bình xác định, năng lượng tái tạo là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của Tỉnh. Việc thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án quy mô công nghiệp thể hiện nỗ lực của Quảng Bình nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Điều này cũng được thể hiện rõ nét trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của Quảng Bình là công nghiệp, trong đó chú trọng, khuyến khích, kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo…

Cụ thể hoá quy hoạch này, trong danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, ngoài các dự án đang khai thác và đã có chủ trương đầu tư, Quảng Bình thu hút đầu tư các nhà máy điện gió trên đất liền, trên biển tại các huyện và thị xã Ba Đồn (công suất 50 - 711 MW); các nhà máy điện mặt trời tại huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (công suất 12 - 330 MW)...

Về điện mặt trời, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đăng ký đầu tư 200 MW (giai đoạn I đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Sơn Hải 50 MW); Công ty CP Xây dựng Trường Xuân đăng ký đầu tư 160 MW (giai đoạn I đầu tư 50 MW)… Điện gió có Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất 300 MW, trong đó giai đoạn I đầu tư 180 MW; Công ty CP Tập đoàn Hà Đô đăng ký thực hiện dự án 50 MW; Công ty Envision Energy đăng ký thực hiện dự án 120 MW…

Ông Kim Tae Hoon - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, năng lượng “xanh” sẽ là ngành kinh tế then chốt cho sự tăng tốc của Quảng Bình, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và hiện thực hoá cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Tin cùng chuyên mục