Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Lấy tăng năng suất lao động làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế”

Có thể nói, 2015 là một năm hết sức đặc biệt, bởi đây là năm đầu tiên chúng ta vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra sau chặng đường 3 năm có mức tăng trưởng thấp và tập trung vào mục tiêu ổn định vĩ mô.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Lấy tăng năng suất lao động làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế” ảnh 1

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Năm 2015, một lần nữa khẳng định kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định hơn, tăng trưởng kinh tế đang lấy lại đà tăng tốc.

Năm 2015 cũng là năm đánh dấu tiến trình hội nhập hết sức tích cực, sâu rộng và đi vào thực chất của Việt Nam với việc hoàn thiện ký kết và kết thúc đàm phán một loạt hiệp định thương mại song phương và khu vực rất quan trọng.  

Bước sang năm 2016, tuy chúng ta có thuận lợi từ đà tăng trưởng cao của năm 2015, song vẫn không thể coi thường ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, còn nhiều rủi ro rất lớn rình rập gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, đó là nợ công và nợ xấu. Hiện nợ công của Việt Nam đang ở mức trần, nếu không kiểm soát tốt sẽ vượt ngưỡng trần này, gây hậu quả nặng nề đến nền kinh tế. Nợ xấu ngân hàng vẫn là rào cản với DN trong việc tếp cận vốn tín dụng, đó là vấn đề lớn trong vĩ mô.

Thứ hai, cần phát huy động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2016 và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Giải pháp quan trọng nhất, khó làm nhưng phải làm, đó là nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không phải theo chiều rộng như vừa qua là tăng vốn, dựa vào lao động thấp, khai thác tài nguyên, mà phải quan tâm nhiều hơn tới tăng năng suất lao động quốc gia. Phải lấy tăng năng suất lao động làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong 2016 và các năm tiếp theo.

Để làm được điều này, có rất nhiều việc phải làm. Đó là dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; phá bỏ rào cản, thúc đẩy sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thể chế, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tăng cường hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa; khuyến khích, nâng đỡ các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sâu rộng và thực chất từ năm tới, chúng ta cần có kế hoạch cụ thể chi tiết từ cấp Chính phủ cho tới từng DN, người dân để hiểu được cơ hội cũng như thách thức mà các FTA mang lại.

Mỗi bộ ngành phải chỉ rõ ngành mình, lĩnh vực mình có cơ hội thách thức như thế nào trong từng hiệp định để đánh giá được khả năng cạnh tranh của đối thủ và tác động tới nền kinh tế và DN Việt Nam, từ đó, cùng với các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN bàn thảo xây dựng các cơ chế, chính sách để tận dụng khai thác cơ hội, vượt qua thách thức; đồng thời, tránh được các tác động ngược chiều không mong muốn. Tôi kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành làm nhiều hơn thế!