Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Nền kinh tế Việt Nam phải đi bằng hai chân, một chân là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các DN FDI, một chân là các DN Việt Nam" |
Nhiều vấn đề khó, nhiều nút thắt của nền kinh tế cần thời gian mới có thể giải quyết, nhưng sau cuộc gặp đó, với nhiều DN, niềm tin về một “Năm doanh nghiệp” được thực thi quyết liệt đã nhen lên kỳ vọng.
Nhắc lại tư duy mới khi làm Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 là xây dựng các quy định theo hướng chọn - bỏ thay vì chọn - cho như trước đây, thông điệp mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gửi đến các DN là Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa để giảm bớt sự thiếu hiệu quả trong công tác quản lý hành chính, đề cao sự liêm chính và quản trị tốt trong kinh doanh.
Mục đích chung là nâng cao khả năng cạnh tranh của cả hệ thống DN Việt Nam, trong đó chú trọng đặc biệt đến các DN vừa và nhỏ để có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Thúc đẩy quản trị tốt và minh bạch cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trên diễn đàn Quốc hội hay các cuộc đối thoại, hội thảo khác, những phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh luôn nhận được rất nhiều chú ý, bởi đó là những nhận xét thẳng thắn, tâm huyết với những vấn đề lớn của đất nước.
“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào yếu kém, hạn chế của nền kinh tế Việt Nam, từ đó nhận ra rằng, chúng ta đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội và chúng ta cần phải sửa đổi những gì. Nền kinh tế Việt Nam phải đi bằng hai chân, một chân là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các DN FDI, một chân là các DN Việt Nam, trong đó có DN nhà nước, DN tư nhân, công ty cổ phần”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Ông cũng đã nhiều lần đặt ra những câu hỏi đáng suy nghĩ như tại sao DN Việt Nam lại yếu, rất yếu và thiếu cơ chế hỗ trợ DN? Tại sao Việt Nam không có cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, không có các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới lại bị chê bai…. “Những câu hỏi đó cần Nhà nước có chính kiến và phải bắt tay vào làm, bây giờ phải làm”, ông nói.
Không đi sẽ không đến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những năm gần đây đã có sự thay đổi mạnh mẽ và được đánh giá làm được nhiều việc quan trọng cho đất nước, cho nền kinh tế. Ngành Kế hoạch - Đầu tư được đặt nhiều niềm tin và trông cậy trao gửi nhiều nhiệm vụ, quyết sách quan trọng về kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện là Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước, cùng với các bộ khác gồm Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp tham mưu cho Chính phủ điều hành nền kinh tế một cách thống nhất. Sự thống nhất điều hành đó có thể là một trong những nền tảng để nền kinh tế vĩ mô ổn định như hiện tại.
“Chưa lần nào Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đề xuất ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ không ghi nhận. Giá dầu giảm mạnh chúng ta đã đề ra 3 kịch bản kinh tế vĩ mô ứng phó, kịch bản về tăng trưởng kinh tế, diễn biến các đồng tiền mạnh trên thế giới như chuyện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hay đưa đồng tiền này vào rổ ngoại tệ chuyển đổi…, Việt Nam đều không bị động và bất ngờ”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Vị Bộ trưởng tâm huyết cũng chia sẻ thêm rằng tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố Báo cáo Việt Nam 2035, trong đó đề cập đến nhiều phân tích của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới và Việt Nam về những “gót chân achiles” mà chúng ta phải khắc phục, từ những câu chuyện về năng suất lao động của Việt Nam vì sao thuộc nhóm rất thấp trong khu vực, gắn với vấn đề lớn chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế…
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) cuối kỳ vừa qua, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại đã nhắc yêu cầu sớm ban hành danh mục các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây cũng là tài liệu mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn làm cơ sở để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc nới room theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, cái gì có thể công bố được ngay sẽ công khai trước, cái gì chưa rõ sẽ cập nhật sau. Với tinh thần này, từ ngày 27/12/2015, khi Nghị định 118 /2015/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ quan đăng ký đầu tư sẽ dựa trên danh sách này để tiến hành các thủ tục cấp đăng ký chứng nhận đầu tư mà không phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành như hiện tại.
“Việc lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan sẽ phải đúng nguyên tắc là quá thời gian quy định thì coi như đồng ý. Đây là chế tài để nhà đầu tư cũng như cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký kinh danh chủ động thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014. Sẽ không dễ thực hiện được ngay, nhưng Việt Nam kiên định xây dựng nhà nước pháp quyền, tôn trọng pháp luật thì sẽ phải tuân thủ nghiêm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn nói.