Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khởi điểm lịch sử cho Việt Nam phát triển vươn tầm

(BĐT) - Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đất nước ta đang đứng trước một khởi điểm lịch sử mới, một vận hội mới và nếu tận dụng tốt các cơ hội thì đây sẽ là kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo Bộ trưởng, công cuộc đổi mới phải được tiến hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Xin Bộ trưởng chia sẻ những dấu ấn nổi bật của ngành Kế hoạch và đầu tư năm 2024 gắn với những thành quả phát triển của đất nước?

Năm 2024, mặc dù có những khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế đã khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cả năm đạt khoảng 7,09%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới, khu vực, tạo nền tảng cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.

Kết quả của năm 2024 càng có ý nghĩa khi đây là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, chúng ta đã vượt qua bối cảnh biến động, khó khăn, thách thức cả ở bên trong và bên ngoài, tiếp tục đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đáng chú ý là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, tiếp tục tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, chưa có tiền lệ nhằm cải cách, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đồng thời chủ động đề xuất giải pháp mới, có tính đột phá, kiến tạo phát triển cho đất nước. Cụ thể:

(1) Trong xây dựng thể chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp tham mưu xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Đây là các luật được thiết kế với mục tiêu xóa bỏ tư duy “quản được đến đâu thì mở đến đó”, “không quản được thì cấm”, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; chuyển đổi phương thức từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển”, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; thực hiện mạnh mẽ phân cấp, phân quyền triệt để theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục….

(2) Đối với đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án huy động và phân bổ, sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, không để tình trạng dàn trải, manh mún, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả; tập trung vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm như các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo ra sức lan tỏa và động lực phát triển kinh tế xã hội, hình thành vốn mồi, dẫn dẫn dắt, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển.

(3) Trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn coi “thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước”, quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất. Bộ đã chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hoàn toàn mới về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn có khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Bộ cũng đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hộ kinh doanh, kinh tế tập thể, hợp tác xã… Những tín hiệu tích cực minh chứng bằng việc bình quân mỗi tháng đã có hơn 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

(4) Đối với tham mưu cơ chế, chính sách phát triển kinh tế cho các địa phương và vùng lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt vai trò là Cơ quan thường trực của các hội đồng điều phối vùng; tham mưu các chính sách liên kết vùng tạo ra sức mạnh tổng hợp; tập trung hoàn thiện kết nối hạ tầng chiến lược, kết nối đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và từng địa phương.

(5) Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Cơ quan thường trực hỗ trợ Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, với tư duy và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đã tham mưu, đề xuất các nội dung trên vào Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội, đã được các hội nghị Trung ương thông qua và ghi nhận, đánh giá cao.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Trong vai trò đồng hành cùng nền kinh tế và doanh nghiệp, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tập trung vào quản lý và kiến tạo các động lực mới, tạo ra không gian mới, khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng được các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nhân dịp đón Xuân 2025, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ và gửi gắm về văn hóa phụng sự trong “Kỷ nguyên dân tộc vươn mình”?

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối, năm về đích của Kế hoạch 05 năm 2021-2025, thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, năm tăng trưởng bứt phá để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển 2026-2030.

Yêu cầu tăng trưởng và phát triển đặt ra là rất lớn, trong khi nền kinh tế phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ bên ngoài. Đồng thời, cũng là năm có những thay đổi lớn trong tổ chức, sắp xếp bộ máy của các bộ, cơ quan và địa phương.

Để hướng tới “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê tiếp tục kế thừa, phát huy hơn nữa truyền thống quý báu của ngành, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

(1) Quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, cơ quan, đơn vị nào, phải phát huy hơn nữa truyền thống của ngành và của Bộ, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của ngành trong công tác tổng hợp, tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội và nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

(2) Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng.

Làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu định hướng, giải pháp phát triển đất nước, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để đưa đất nước tự tin bước vào giai kỷ nguyên phát triển mới và tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng cao đến năm 2045.

(3) Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để tham mưu các giải pháp, chính sách chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Mục tiêu là quyết tâm đạt được tốc độ tăng trưởng năm 2025 khoảng 8% gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(4) Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, mô hình kinh tế mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, khu thương mại tự do tại một số địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội.

(5) Tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp về huy động nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, tập trung:

+ Tham mưu chỉ đạo, đôn đốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Mục tiêu chiến lược là nhằm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025; bảo đảm tiến độ chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc và mở rộng quy mô các tuyến đường cao tốc đã đầu tư lên quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch.

+ Tăng cường đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, các doanh nghiệp công nghệ lớn để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao, tạo bứt phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi tại Việt Nam.

+ Phát huy hiệu quả là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, nhằm giải phóng nguồn lực đang bị tồn đọng kéo dài cho doanh nghiệp, đóng góp ngay cho tăng trưởng, thu NSNN, tạo việc làm… năm 2025.

Theo tờ Economist (2024), Việt Nam là quốc gia đã có sự cải thiện về môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong suốt 20 năm qua

Theo tờ Economist (2024), Việt Nam là quốc gia đã có sự cải thiện về môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong suốt 20 năm qua

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức năm 2025 và giải pháp được Bộ đưa ra là gì?

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; để góp phần tạo dựng một nền tảng tốt cho kỷ nguyên mới phát triển của đất nước ta, các định hướng và giải pháp lớn sẽ mang tính hành động lớn hơn, thực hiện quyết liệt và triệt để hơn.

- Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm vẫn sẽ là đẩy mạnh hơn nữa triển khai thực hiện đột phá về thể chế phát triển, trong đó tập trung rà soát, xử lý dứt điểm những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các thể chế nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn về thể chế không còn phù hợp thực tiễn. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

- Thứ hai, đề xuất nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó lấy nguồn lực nhà nước khơi dậy, dẫn dắt nguồn lực xã hội. Đặc biệt, đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất mở rộng quyền tự quyết cho các địa phương có nguồn thu lớn trong huy động và sử dụng nguồn lực.

- Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đề cao ý thức tự lực, tự cường của các địa phương; trung ương tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo phát triển, tăng cường kiểm tra, giám sát. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương.

- Cuối cùng, huy động nguồn đầu tư và cơ chế chính sách để hoàn thành dứt điểm các mục tiêu trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như đến năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc; cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; triển khai xây dựng tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP. HCM và đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị tại hai đô thị này.

Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc và ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu

Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc và ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu

Năm 2025 là năm cuối trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2024 và diễn biến tình hình hiện nay, theo Bộ trưởng, những thuận lợi và khó khăn nào đang chờ chúng ta ở phía trước? Bộ trưởng nhận định như thế nào về xu hướng phát triển kinh tế của nước ta trong năm 2025?

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 05 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch đề ra, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị, củng cố nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo tiền đề đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, quy mô GDP xếp thứ 31-33 thế giới; GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD... Đồng thời, yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn mục tiêu đề ra (8% trở lên).

Đây là nhiệm vụ lớn đặt ra trong bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức lớn, yếu tố rủi ro, khó lường, tiềm ẩn tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.

Trong bối cảnh đó, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng tôi xác định phương châm “phát triển bứt phá, tự tin vươn mình” để chủ động tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

(1) Bám sát, nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu các chính sách, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu nhất quán là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(2) Xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá” để thúc đẩy phát triển; tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu, PPP để thực hiện ngay từ đầu năm 2025.

(3) Tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tập trung hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc, khởi công đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, khởi động Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

(4) Phát huy hiệu quả vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Góp phần khơi thông nguồn lực lớn đang bị tồn đọng, đóng góp ngay cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm... trong năm 2025.

(5) Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, xác định khó khăn, vướng mắc cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu hỗ trợ, tháo gỡ.

(6) Tăng cường hợp tác, đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án công nghệ cao trong các khu công nghiệp, để dự án sớm khởi công, đi vào vận hành.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư ngay sau khi được ban hành.

(7) Phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng; kịp thời tham mưu chỉ đạo, đôn đốc để bảo đảm tiến độ thực hiện các quy hoạch, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược với khai thác các hành lang phát triển mới được mở ra.

(8) Phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; triển khai hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

(9) Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ phục vụ tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.

(10) Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; nghiên cứu, tham mưu các giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...

Bối cảnh thế giới đã và đang có những diễn biến rất nhanh với nhiều yếu tố mới xuất hiện, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Bối cảnh thế giới đã và đang có những diễn biến rất nhanh với nhiều yếu tố mới xuất hiện, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thưa Bộ trưởng, nhìn từ bức tranh vĩ mô, đâu là những dấu mốc, sự kiện quan trọng khẳng định bước chuyển mình của đất nước?

Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô, có thể khẳng định rằng đất nước ta đang có những bước chuyển mình để tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc. Tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; sau gần 40 năm Đổi mới (năm 1986), cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên một tầm cao mới. Quy mô của nền kinh tế từ 346 tỷ USD năm 2020 (xếp thứ 37 trên thế giới) đã tăng lên 433 tỷ USD năm 2023 (xếp thứ 34 thế giới); dự báo nền kinh tế nước ta có thể đạt trên 500 tỷ USD năm 2025, có khả năng xếp thứ 32 thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN. Tương tự, thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người tăng từ 3.450 USD năm 2020 lên khoảng 4.180 USD năm 2023 và dự báo vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 4.650 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và bước vào ngưỡng các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Tuy là quốc gia mở cửa khá muộn so với nhiều nền kinh tế khác, nhưng Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế cao hàng đầu thế giới, với tỷ lệ xuất nhập khẩu so GDP lên tới gần 1,6 lần (năm 2023).

Đặc biệt, trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực (năm 1988), chúng ta đã thu hút được khoảng 300 tỷ USD từ dòng vốn này, riêng năm 2023 là khoảng 18,5 tỷ USD vốn thực hiện. Theo tờ Economist (2024), Việt Nam là quốc gia đã có sự cải thiện về môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong suốt 20 năm qua (2003-2023). Chúng ta cũng đứng hàng đầu thế giới về sự cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), là quốc gia có 14 năm liên tiếp có sự nâng hạng về chỉ số này. Không chỉ có những tín hiệu lạc quan về kinh tế đơn thuần, Việt Nam cũng là quốc gia thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong các nền kinh tế đang phát triển về chỉ số phát triển con người (HDI) do Liên hợp quốc công bố. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726; hiện đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới đã và đang có những diễn biến rất nhanh với nhiều yếu tố mới xuất hiện, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; có thể tạo ra bước ngoặt mới trong phát triển của toàn nhân loại, mang đến những cơ hội và thách thức phát triển rất lớn cho mọi nền kinh tế. Khi xem xét lịch sử phát triển của các quốc gia, chúng tôi nhận thấy, sau mỗi “cú ngoặt” của thế giới như cách mạng công nghiệp, chiến tranh, dịch bệnh… thì sẽ tạo ra cơ hội và thách thức chưa từng có với các quốc gia. Nền kinh tế nào chủ động, sẵn sàng và chấp nhận đổi mới thì nền kinh tế đó sẽ thay đổi vận mệnh (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đã tận dụng thành công cuộc cách mạng thứ 2 và thứ 3 để trở thành các nền kinh tế phát triển). Ngược lại, quốc gia nào không cải cách, không đổi mới thì sẽ lỡ cơ hội, bị tụt hậu so với các nước khác.

Như vậy, đất nước của chúng ta thực sự đang đứng trước một khởi điểm lịch sử mới, một kỷ nguyên mới, một vận hội mới, nếu chúng ta tận dụng tốt các cơ hội thì đây sẽ là kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Vậy làm thế nào để Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Để Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, cần phải quán triệt các quan điểm phát triển sau trước khi đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển:

Thứ nhất, các chủ trương, chính sách được nghiên cứu, hoạch định phải dựa trên tư duy và tầm nhìn chiến lược, dài hạn; lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển. Chúng ta cần tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.

Thứ hai, công cuộc đổi mới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Coi đột phá về thể chế phát triển là “đột phá của đột phá” để thúc đẩy phát triển; tập trung cải cách, mở cửa, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phải coi trọng hơn trong quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường phản biện chính sách. Phát triển hài hòa các loại hình kinh tế, trong đó phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Thứ ba, cần phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Đặc biệt, cần khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc trong xây dựng đất nước phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc. Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc và ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng không vì nhiệm vụ này mà cản trở phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời hoàn thiện thể chế phát triển nhằm tạo dựng niềm tin, tâm lý xã hội tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ tư, phải bảo đảm xây dựng được nền kinh tế nước nhà độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài. Phải hình thành được năng lực sản xuất quốc gia trình độ cao, từng bước tự lực, tự cường về khoa học công nghệ để chủ động tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá. Lấy nguồn lực nhà nước khơi dậy, dẫn dắt nguồn lực xã hội. Không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế.

Thứ năm, như đã đề cập ở trên, muốn có phát triển kinh tế cần có sự ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, cần luôn chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững an ninh chính trị. Phải xây dựng xã hội an toàn, kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục