Giai đoạn tới, cần đổi mới mạnh mẽ về thể chế phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học, công nghệ. Ảnh: Tâm An |
Cơ cấu lại nền kinh tế đã thực chất hơn
Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (NQ 24) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến năm 2020, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu hoàn thành và có khả năng hoàn thành. Trong đó, nhiều mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch, góp phần tạo được bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020. Có thể kể đến như quy mô nợ công giảm mạnh, từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 57 - 58% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP. Quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 45,21%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết. Dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.
Bên cạnh đó, vẫn còn 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành. Trong số này, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020. Mục tiêu về nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4) đã bước đầu triển khai thực hiện nhưng do ưu tiên triển khai các mục tiêu cấp bách khác nên sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Hai mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có khả năng không hoàn thành do cả nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan…
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt nhiều kết quả tích cực. Thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý về 7/22 mục tiêu đã có nhiều cải thiện so với năm 2016 và thời điểm đánh giá giữa kỳ năm 2018 nhưng có khả năng không hoàn thành, làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ hơn
Chính phủ khẳng định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế với bước đi phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đồng quan điểm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người. Bối cảnh đó yêu cầu phải thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế quyết liệt hơn nhằm nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, giải phóng nguồn lực sản xuất của nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh phát triển đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất kết hợp với khai thác hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là trọng tâm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới. Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ về thể chế phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học, công nghệ; hoàn thiện thể chế đối với các hình thức kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, cần có lộ trình và giải pháp khả thi để hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng trong những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành, phát triển một số doanh nghiệp tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; thúc đẩy kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI…