Bông Bạch Tuyết sắp chốt danh sách cổ đông để nộp hồ sơ niêm yết lần thứ hai. |
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vừa thông báo nhận được công văn của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết đề nghị chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/8 để hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Kế hoạch đưa cổ phiếu BBT quay trở lại sàn chứng khoán được thông qua tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 10/2015, tức sau 6 năm kể từ ngày bị huỷ niêm yết trên sàn HOSE do thua lỗ triền miên và không đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ thực góp.
Theo ban lãnh đạo công ty, việc nộp hồ sơ giao dịch chứng khoán lần thứ hai và phát hành cổ phần riêng lẻ tăng vốn điều lệ lên 98 tỷ đồng được triển khai vào thời điểm này nhằm mục đích giải quyết vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh toán dứt điểm các khoản nợ cũ.
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập vào năm 1960 và chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà máy được quốc hữu hoá và đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết vào năm 1979. Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, công ty chuyển đổi hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần và bước vào thời kỳ hoàng kim với việc chiếm lĩnh 90% thị phần sản phẩm bông y tế. Công ty cũng là doanh nghiệp nội địa tiên phong trong việc cải tiến công nghệ, nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại.
Đầu năm 2004, sau khi tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền tự tích luỹ, công ty đăng ký giao dịch lần đầu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết cũng bắt đầu lao dốc từ thời điểm này do cổ đông thường xuyên xảy ra xung đột, giá nguyên vật liệu leo thang, năng lực bán hàng không kịp đáp ứng lượng hàng sản xuất tăng đột biến…
Chỉ sau 3 năm góp mặt trên sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết báo lỗ tổng cộng 14 tỷ đồng, cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan. Công ty từng đề xuất phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược để thanh toán nợ trước sức ép quá lớn, nhưng nhóm cổ đông Công ty cổ phần Dệt may Gia Định – đơn vị đại diện 30% vốn Nhà nước đã bác bỏ.
Giai đoạn khó khăn vào năm 2008, công ty thông báo chậm trả lương và cắt giảm nhân sự khiến người lao động phải phát đi thông điệp đình công đòi quyền lợi. Đầu năm 2009, hơn 6,84 triệu cổ phiếu Bông Bạch Tuyết bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán, đánh dấu đỉnh điểm cuộc khủng hoảng của thuơng hiệu nổi tiếng một thời.
Khoảng 3 năm trở lại đây, Bông Bạch Tuyết đã ghi nhận những tín hiệu hồi sinh sau quãng thời gian dài chật vật tìm cách thoát cảnh thua lỗ. Điển hình như năm 2016, công ty ghi nhận 85 tỷ đồng doanh thu thuần và 14,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 3 lần kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Sản lượng tiêu thụ bông thành phẩm cũng tăng đột biến lên 508 tấn.
Ban lãnh đạo công ty đánh giá, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ nợ cũ và lỗ luỹ kế các năm trước.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng nợ phải trả của công ty hơn 76 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ lãi vay. Công ty cho biết, do đề nghị Công ty cổ phần Bibica và Ngân hàng TMCP Hàng hải giảm 50% hoặc 30% nợ lãi chưa được chấp nhận nên sẽ kiên trì thực hiện lộ trình trả nợ gốc hàng tháng theo cam kết, qua đó làm cơ sở tiếp tục đề nghị giảm nợ lãi.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 101 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả thực hiện năm trước nhờ kế hoạch đa dạng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và tìm hướng xuất khẩu sang thị trường chấu Á. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 24,3 tỷ đồng, trong đó phân nửa đến từ kinh doanh các sản phẩm chủ lực như bông, gạc y tế, khẩu trang y tế…