Bước đột phá trong tái cơ cấu đầu tư công

(BĐT) - “Trước đây, nguồn vốn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả một phần là do khâu kiểm soát kém. Sau mấy năm thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg, cải cách luật pháp, đến nay việc bố trí kế hoạch vốn đã đi vào nề nếp. Nguồn vốn do các bộ, ngành đầu tư đã được kiểm soát chặt chẽ, đã chống được việc đầu tư dàn trải, đã hướng đầu tư theo đúng thứ tự ưu tiên”.
Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả khả quan
Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả khả quan

Khẳng định trên của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại một phiên họp của Quốc hội khóa XIII là sự đánh giá rõ ràng nhất cho thấy những bước đột phá trong lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua.

Dấu ấn từ điều hành

Kể từ khi bắt đầu triển khai tái cơ cấu đầu tư công vào năm 2011, đã có những tiến triển mới rõ rệt và ghi dấu ấn từ điều hành chính sách. Hàng loạt các văn bản chính sách được xây dựng và ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công; nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần chống thất thoát, lãng phí, phân tán nguồn lực và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

 Điểm nhấn cho quá trình cải cách là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Với Chỉ thị 1792, chuyện đầu tư dàn trải đã được khắc phục một cách rất căn bản. Theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Chỉ thị 1792 đã có tác động rất lớn, khắc phục tình trạng phê duyệt đầu tư vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, quyết định đầu tư một cách dàn trải, phân tán, tùy tiện như trước. Từ năm 2012 đến nay, đầu tư công được thực hiện trên quan điểm thống nhất "ai có tiền đến đâu thì tiêu đến đó; quyết định đầu tư thì phải chịu trách nhiệm; nếu dùng ngân sách của cấp trên thì phải được sự chấp thuận của cấp trên...”.

Sau Chỉ thị 1792, một loạt chỉ thị được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư công như Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg về việc tăng cường đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước...

Và quan trọng nhất là Luật Đầu tư công, cơ sở pháp lý cao nhất để quản lý hoạt động này cũng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Đây được coi là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất trong việc thể chế hóa đầu tư công, tạo điều kiện cho việc tiến hành tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế. Một trong những nội dung đổi mới quan trọng của Luật Đầu tư công là đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư công từ kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Luật Đầu tư công quy định cụ thể và bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm.

Riêng trong năm 2015, nhiều văn bản có tác động tích cực tới đầu tư công cũng đã được ban hành. Cụ thể, ngày 14/2/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Hai nghị định này lần lượt có hiệu lực từ 10/4 và 5/5/2015. Đặc biệt, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đã mở rộng cánh cửa thu hút nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực nút thắt của nền kinh tế nước nhà như kết cấu hạ tầng, cung ứng dịch vụ công, khoa học công nghệ, khí tượng thủy văn, khu công nghiệp, khu công nghệ cao...

Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công cũng đã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi hơn để thu hút, huy động các nguồn vốn phát triển hạ tầng nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy công tác xã hội hóa trong đầu tư công, nhất là trong các dịch vụ y tế, giáo dục và xây dựng hạ tầng ở nông thôn. 

Hiệu quả từ những con số

Những cải cách trong đầu tư công thể hiện rõ ở tỷ trọng vốn đầu tư phát triển trên GDP giảm rõ rệt. Trong thời gian qua, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nói riêng và từ khu vực kinh tế nhà nước nói chung đã có những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Bộ Tài chính, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đã giảm từ 38,7% giai đoạn 2001 - 2010 xuống còn 33,3% năm 2011, và khoảng 31% giai đoạn 2012 - 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 cũng giảm xuống còn 41% (giai đoạn 2001 - 2010 khoảng 45,7%) trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm xuống còn 21,3%, ước thực hiện năm 2015, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước nói chung và từ ngân sách nhà nước nói riêng lần lượt là 37,6% và 17,5%.

Trong khi đó, việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả khả quan hơn, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tương ứng lên mức bình quân 39,4% và 17,6% giai đoạn 2011 - 2015.

Như vậy, mục tiêu đưa tỷ trọng đầu tư phát triển xuống 30 - 35% GDP đã đạt được. Đây chính là kết quả của chủ trương giảm vốn đầu tư của Nhà nước nhưng tăng cường khả năng kích hoạt các nguồn đầu tư khác phát huy đúng chức năng của vốn đầu tư nhà nước, tức là vốn mồi và kích hoạt các nguồn vốn khác.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khống chế, số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm nhanh. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2014 nợ đọng xây dựng cơ bản giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ đồng của năm 2011. Với những cải cách hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nợ đọng xây dựng cơ bản dự kiến sẽ thanh toán hết trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, vốn vay thông qua phát hành công trái, tín phiếu kho bạc, vay nước ngoài, vay các tổ chức đầu tư quốc tế cho đầu tư phát triển gắn với nghĩa vụ trả nợ có xu hướng được quản lý tốt hơn.

Một chỉ số quan trọng cho thấy sự tiến triển rõ rệt trong đầu tư công là ICOR. Từ nước có ICOR vào loại cao nhất thế giới, thời gian qua, ICOR của Việt Nam đã giảm đáng kể, cho thấy việc sử dụng nguồn lực đầu tư ngày càng hiệu quả.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), từ năm 2012 đến nay, ICOR cả nước hàng quý đã giảm dần. Quý IV/2014, ICOR chỉ khoảng 4,5 so với mức 12 của quý IV/2011. Chỉ số ICOR qua các năm cũng được cải thiện rõ ràng. Năm 2012 chỉ số ICOR là 5,9; năm 2013 là 5,6; năm 2014 là 5,18. ICOR giảm cho thấy hiệu quả đầu tư của nền kinh tế đã có những dấu hiệu được cải thiện. TS. Nguyễn Tú Anh khẳng định, mặc dù kinh tế còn khó khăn, chưa phục hồi tăng trưởng như giai đoạn trước, nhưng để đạt được 1% tăng trưởng, Việt Nam đã sử dụng vốn ít đi.