Ngân hàng Xây dựng (CBBank) chính thức được chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Song Lê |
Sau 9 năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện mua lại bắt buộc 4 ngân hàng thương mại, 3 ngân hàng 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã hoàn tất khâu định giá từ giữa năm 2024, song mới có 2 ngân hàng đi đến bước chuyển giao. Ngân hàng 0 đồng còn lại là Ngân hàng TMCP Đông Á đang triển khai tích cực các công việc theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý III, chiều 17/10, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết, mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, bảo đảm an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật. Trước, trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được bảo đảm.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, kể từ lúc được chuyển giao, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hay cổ đông của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc sẽ chấm dứt. Bên nhận chuyển giao sẽ tiếp nhận và chịu trách nhiệm với toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng được chuyển giao bao gồm các khoản vay, tiền gửi của khách hàng,…
Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao, theo ông Long, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được hưởng một số cơ chế hỗ trợ như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Tuy nhiên, các cơ chế hỗ trợ này vẫn theo quy định pháp lý hiện hành, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Theo đó, bên nhận chuyển giao bắt buộc có thể sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.
Mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, bảo đảm an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật. Ảnh: Minh Dũng |
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng trong nước khi nhận chuyển giao bắt buộc có cơ hội được tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, NHNN có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong đó, nổi bật là đề xuất nâng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30%, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa qua, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho biết, khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc, nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn chuyển sang ngân hàng số).
Lãnh đạo Ngân hàng MB thì cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Đồng thời, việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MB và tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MB tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số.
Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MB.
TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, thông thường, một ngân hàng đang phát triển tốt không muốn nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém bởi lợi ích nhận được chưa rõ ràng, trong khi sự phức tạp và rủi ro của công tác quản trị thì được nhận diện rõ. Đây là một trong các lý do khiến từ lúc NHNN mua lại các ngân hàng 0 đồng, phải mất 9 năm mới hoàn tất định giá, riêng quá trình định giá mất đến 2 năm.
“Việc chuyển giao các ngân hàng yếu kém là cột mốc mới của tiến trình phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam. Số lượng ngân hàng được thu gọn hơn, nhưng chất lượng được cải thiện. Nỗ lực này cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng theo hướng hiện đại, bền vững”, ông Linh nói.
Ông Linh kiến nghị nên đẩy nhanh tiến độ định giá và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đồng thời, để ngăn ngừa phát sinh các trường hợp rủi ro, cần kích hoạt chức năng giám sát tự động bằng công nghệ mới với công nghệ quản trị rủi ro hiện đại, kịp thời và hiệu quả, ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc trước khi quá muộn.