Dự thảo Luật lần này có những điểm mới so dự thảo trình Quốc hội kỳ hợp trước, được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất, kinh doanh… Ảnh: Tường Lâm |
Luật đụng đến nhiều luật
Theo ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để thúc đẩy phát triển DN, điển hình là có tới hơn 110 nghìn DN đăng ký thành lập mới. Song nỗ lực này còn rất hạn chế bởi hiện vẫn còn nhiều DN đăng ký thành lập xong là “chết” nên cần một cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Trình bày Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV tại Hội thảo lấy ý kiến do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ KH&ĐT tổ chức, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Dự thảo Luật gồm 4 chương 40 điều quy định các nguyên tắc, nội dung hỗ trợ DNNVV; nguồn lực, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV; quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV.
Dự thảo Luật lần này có những điểm mới so dự thảo trình Quốc hội kỳ hợp trước, được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật có sự rà soát để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
“Tất cả những điểm sửa đổi này đều được cụ thể hóa tại Dự thảo Luật để đảm bảo quá trình thực thi thuận lợi và hiệu quả”, ông Hùng cho biết.
Đánh giá cao những điểm sửa đổi của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Dương Quốc Anh nhấn mạnh, từ trước tới nay chưa có dự thảo luật nào nhận được nhiều ý kiến như vậy. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lần này đã có những điểm tiến bộ vượt bậc so với trước đó. Tán thành ý kiến đánh giá của vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ: “Khi đọc Dự thảo Luật lần này đã có sự chỉnh lý với rất nhiều điểm mới, cụ thể hơn, khắc phục được hạn chế mà Dự thảo ban đầu mắc phải”.
Làm rõ khái niệm DNNVV
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện DNNVV còn rất nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước mới có thể phát triển. Ông Nam nói, hiện DN rất thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ nguồn lực phát triển, hỗ trợ thuế là rất cần thiết lâu dài nên những nội dung hỗ trợ cơ bản Dự thảo Luật đưa ra là có trọng tâm”.
Cho ý kiến về tên gọi của Dự thảo Luật, ông Phan Trung Lý kiến nghị: “Cần xem lại tên gọi, bởi như tên gọi Dự thảo Luật chỉ đề cập đến DNNVV, nhưng trong nội dung hỗ trợ lại có cả DN siêu nhỏ. Do đó, cần xem lại vấn đề này để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật”. Vẫn theo ông Lý, nội dung hỗ trợ DNNVV tại Dự thảo cơ bản đầy đủ, song cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm và một số điều khoản cụ thể như thế nào là DN vừa, DN nhỏ và DN siêu nhỏ.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thống nhất: “Nên lưu ý tên gọi của Dự án Luật, vạch rõ các chủ thể được hưởng ưu đãi từ đó có những chính sách hỗ trợ tương xứng, không phải hỗ trợ một cách tràn lan”. Ông Phúc lưu ý, nếu trong Luật đề cập về các chính sách liên quan đến các Luật thì phải đề xuất sửa luôn.
Còn về tiêu chí xác định DNNVV, ông Tô Hoài Nam cho rằng, hiện dự thảo Luật đang đưa ra 2 phương án về tiêu chí xác định DNNVV. Phương án 1 xác định trên tiêu chí tổng nguồn vốn (dưới 100 tỷ đồng) hoặc số lao động bình quân (300 lao động).
Phương án 2 có bổ sung thêm tiêu chí DNNVV có tổng doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Ông Nam nêu quan điểm nên chọn phương án hỗ trợ thuế theo quy mô DNNVV thay vì phương án áp dụng một mức thuế chung cho tất cả DNNVV như đề xuất.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần xem xét lại các phương án để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, cần rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư…