Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Theo hãng tin Bloomberg, những khách mua tiềm năng đều đang găm vốn thay vì tìm kiếm tài sản để mua lại trong bối cảnh doanh số bán nhà lao dốc và Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch giảm nợ trong ngành bất động sản.
Tháng trước, China Evergrande Group – công ty địa ốc đang ngập trong hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ - ngậm ngùi kết thúc cuộc đàm phán bán lại cổ phần kiểm soát trong một công ty con về quản lý bất động sản. Nếu thành công, thương vụ này mang về cho Evergrande 2,6 tỷ USD mà công ty đang rất cần để thanh toán cho các khoản nợ đáo hạn. Tiếp đó, kế hoạch bán một cao ốc văn phòng ở Hồng Kông của Evergrande cũng bất thành.
Gần đây nhất, vào tuần trước, một công ty bất động sản Trung Quốc khác là Modern Land China Co. vỡ nợ khoản nợ trái phiếu 250 triệu USD, sau khi rao bán tài sản nhưng không bán được. Một doanh nghiệp khác là Oceanwide Holdings Co. hiện đang rao bán một tổ hợp văn phòng lớn ở Bắc Kinh sau khi một công ty con vỡ nợ.
Những vụ bán tài sản bất thành khiến tình trạng thanh khoản của một số công ty bất động sản vào hàng lớn nhất Trung Quốc càng thêm phần căng thẳng. Nhiều công ty đã mất khả năng huy động vốn từ thị trường tài chính do chi phí vay vốn tăng cao và do chính sách “ba giới hạn đỏ” mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra nhằm hạn chế tình trạng vay nợ trong ngành địa ốc.
“Phần đông khách mua tiềm năng của các tài sản bất động sản bị rao bán cũng là các công ty địa ốc. Tuy nhiên, với hạn chế ‘ba giới hạn đỏ’ về vay nợ đối với ngành này, nhiều doanh nghiệp không muốn mua những tài sản lớn”, Giám đốc Matthew Chow thuộc S&P Global Ratings phát biểu. “Trong một chu kỳ suy giảm, ngay cả các công ty phát triển bất động sản với lượng thanh khoản dồi dào cũng có khuynh hướng găm giữ tiền mặt”.
Trong nhiều năm, các công ty địa ốc Trung Quốc từ Dalian Wanda Group Co. cho tới Seazen Group Ltd. đều đã vượt qua những giai đoạn khó khăn về tài chính bằng cách bán bớt đất đai, các dự án xây dựng hoặc các tài sản khác. Những công ty đối thủ lớn như: Evergrande, Sunac China Holdings Ltd. và China Vanke Co. thường sẵn sàng mua những tài sản đó.
Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của quá khứ, vì ở thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng nợ Evergrande phủ bóng lên toàn ngành bất động sản Trung Quốc, trong khi chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh khiến cho việc vay nợ thêm trở thành điều gần như không thể đối với các doanh nghiệp địa ốc. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong số 30 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số hiện nay, 2/3 đã vi phạm ít nhất một trong “ba giới hạn đỏ” mà Chính phủ nước này đề ra.
“Các dự án bất động sản thường đi kèm với nợ”, nhà phân tích Chuanyi Zhou thuộc Lucror Analytics nhận xét. “Hiện tại, hầu như chẳng có công ty nào muốn vay nợ thêm cả”.
Khủng hoảng nợ Evergrande đã gây xói mòn niềm tin vào ngành bất động sản Trung Quốc – lĩnh vực ước tính chiếm tới 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Mối lo về ảnh hưởng tài chính lây lan đang khiến các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nói chung bất an. Tháng trước, có ít nhất 4 công ty địa ốc Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu USD. Năm nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ hơn 9 tỷ USD trái phiếu quốc tế, trong đó các công ty bất động sản chiếm 1/3.
Doanh số bán nhà, bán đất đều giảm sút khiến cho việc bán tài sản của các công ty địa ốc Trung Quốc càng gặp nhiều khó khăn.
Tháng 9 vừa qua, doanh số bán nhà giảm lần đầu tiên sau hơn 6 năm. Tỷ lệ đất nền chưa bán được trong các dự án cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2018. Trong tháng 10, doanh số bán nhà mới tính theo diện tích của 100 công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Công ty Thông tin bất động sản Trung Quốc. Theo đơn vị này, doanh số của thị trường có thể tiếp tục giảm sút trong thời gian còn lại của năm 2021.
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản đe doạ xói mòn hơn nữa giá trị tiềm năng của các dự án địa ốc mà các công ty như Evergrande rao bán. Hiện Evergrande còn đang rao bán cổ phần trong công ty con về ô tô điện để lấy tiền trả nợ. Ngoài ra, công ty này còn có thể rao bán thêm HengTen, một công ty con về lĩnh vực Internet, hoặc nền tảng thương mại điện tử FCB Group.
“Khi mùa đông đến, ai cũng cảm thấy lạnh cả”, Chủ tịch Yu Liang của China Vanke nói với tờ Thời báo Chứng khoán Trung Quốc khi được hỏi về những thoả thuận tiềm năng với Evergrande. “Trước khi giúp người khác, mỗi người đều phải tự đảm bảo sự an toàn của chính mình trước đã”.