Các ngân hàng gây áp đảo thị trường phát hành trái phiếu tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ trong tháng 9 thuộc về các ngân hàng với tỷ lệ phát hành chiếm đến 90,2% tổng giá trị phát hành thành công. Việc phát hành áp đảo này do Nghị định 81/2020 có hiệu lực siết lại điều kiện phát hành và ngân hàng cần bổ sung vốn để đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn như quy định.
Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành TPDN trong tháng 9 để gia tăng quy mô vốn cho vay trung và dài hạn Ảnh: Tư liệu TBKTSG
Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành TPDN trong tháng 9 để gia tăng quy mô vốn cho vay trung và dài hạn Ảnh: Tư liệu TBKTSG

Thống kê về số liệu phát hành TPDN riêng lẻ mới nhất của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, hôm 19-10, cho thấy, lũy kế chín tháng đầu năm nay, đã có 1.660 đợt phát hành TPDN trên tổng số 2.220 đợt đăng ký. Giá trị phát hành thành công lũy kế chín tháng năm 2020 đạt 303.800 tỉ đồng, chiếm 64,1% trên tổng giá trị đăng ký phát hành trong chín tháng. Số doanh nghiệp phát hành thành công trong chín tháng đầu năm nay là 203 doanh nghiệp.

Trong khi đó, trong tháng 9 chỉ có 20 doanh nghiệp phát hành với 30 đợt phát hành, trong tổng số 30 đợt đăng ký. Giá trị phát hành thành công đạt 10.500 tỉ đồng, chiếm 42,7% trên tổng giá trị phát hành.

Con số phát hành tháng 9 của HNX có “vênh” đôi chút với số liệu 10.905 tỉ đồng của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Số liệu của HNX cho thấy, có đến 1.660 đợt phát hành của các doanh nghiệp lũy kế 9 tháng, so với con số 1.089 đợt phát hành mà VBMA thống kê được.

HNX cho biết: Các doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 9 là các tổ chức tín dụng, chiếm đến 90,2% tổng giá trị phát hành thành công, với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,21 năm. Giá trị phát hành của công ty chứng khoán chiếm 1,58% trên tổng giá trị phát hành với kỳ hạn phát hành bình quân là 1 năm; các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản chiếm 1,43% với kỳ hạn là năm năm; các doanh nghiệp ngành xây dựng chiếm 1,24% với kỳ hạn là ba năm; các doanh nghiệp sản xuất chiếm 0,57% với kỳ hạn là hai năm; các doanh nghiệp khác chiếm 4,99% với kỳ hạn là 2,81 năm.

Như vậy, do những điều kiện siết chặt hơn của Nghị định 81/CP/2020 về phát hành TPDN, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã rút bớt các đợt phát hành. Trong khi đó, các ngân hành thương mại đẩy mạnh phát hành trong tháng 9 để bổ sung vốn nhằm gia tăng nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, mua lại một phần trái phiếu đã phát hành thời gian trước với lãi suất cao hơn và hoàn tất thời gian còn lại khi các quy định mới siết chặt hơn được áp dụng. HNX đã đưa đợt thống kê của một doanh nghiệp phát hành thành công 75 triệu đô la TPDN ra thị trường quốc tế, gấp 2,5 lần so với giá trị đăng ký phát hành, với kỳ hạn phát hành bình quân 7 năm. HNX không công bố tên doanh nghiệp này nhưng trong một bản tin trước đó, cho thấy đây là đợt phát hành của Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, phát hành hôm 14-9 cho các nhà đầu tư tại Mỹ.

Còn trước đó hai tháng, IFC - thành viên nhóm Ngân hàng thế giới (WB) - xác nhận việc cấp khoản vay cho Công ty Phú Mỹ Hưng để duy trì hoạt động phát triển và kinh doanh bất động sản với giá trị đúng bằng giá trị khoản vay nói trên. Tính riêng 2020, cách sáu tháng/lần, Phú Mỹ Hưng phát hành các khoản vay trái phiếu ra nước ngoài thành công. Đợt 1 là ngày 2-3-2020 với khoản vay: 17000 tỉ đồng trái phiếu cũng cho nhà đầu tư nước ngoài, đáo hạn năm 2022.

Tin cùng chuyên mục