Cách nào giảm “cơn khát” vốn của nền kinh tế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn đồng vốn tín dụng vừa đắt và hiếm như hiện nay, nhiều ngân hàng rất thận trọng và kỹ lưỡng trong thẩm định hồ sơ vay. Có ý kiến cho rằng, cần đánh giá và phân tích cụ thể vấn đề của thị trường theo từng phân khúc và nhóm đối tượng để có giải pháp đúng và trúng nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho nền kinh tế.
Đến nay dư nợ tín dụng là 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Ảnh: Lê Tiên
Đến nay dư nợ tín dụng là 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Ảnh: Lê Tiên

Trong giai đoạn đồng vốn tín dụng vừa đắt và hiếm như hiện nay, nhiều ngân hàng rất thận trọng và kỹ lưỡng trong thẩm định hồ sơ vay. Có ý kiến cho rằng, cần đánh giá và phân tích cụ thể vấn đề của thị trường theo từng phân khúc và nhóm đối tượng để có giải pháp đúng và trúng, nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho nền kinh tế.

Trao đổi với cử tri tại TP. Cần Thơ ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đang chỉ đạo ngành ngân hàng - tài chính có biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nghiên cứu hạn mức tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

“Cần xem xét việc điều hành chính sách để đưa tiền vào hay rút tiền ra khỏi thị trường một cách phù hợp, làm sao đồng tiền đưa ra đúng, trúng vào động lực tăng trưởng: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Các chính sách phải phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm tỷ giá, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về dòng vốn ngân hàng chảy vào các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đến nay dư nợ tín dụng toàn ngành 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ mới đạt 4,8%. Các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động, nhưng đây cũng là doanh nghiệp nên khả năng điều tiết cũng chỉ có giới hạn.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Hùng, sự liên kết giữa các chính sách và các bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tổng thể nguồn lực của các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ còn tản mát nhiều nơi, chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trước thực trạng hầu hết các doanh nghiệp đang khát dòng tiền, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, rất cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

Trước hết, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Do vậy, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.

Bên cạnh đó, xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Mặt khác, cần thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang phản ánh là không tiếp cận được vốn tín dụng do ngân hàng hết hạn mức, song thực tế từ đầu năm đến nay, tổng tín dụng đổ vào nền kinh tế là 11,8 triệu tỷ đồng, mới tăng trưởng 11% so với đầu năm, tức là vẫn còn khoảng 3% hạn mức dự kiến cho cả năm nay.

“Hạn mức tín dụng phân bổ không đều giữa các ngân hàng, có ngân hàng còn hạn mức nhưng có ngân hàng đã hết. Việc tiếp cận được nguồn vốn này hay không là phụ thuộc vào chính sách giải ngân của từng ngân hàng trong giai đoạn tiền không dễ như hiện nay”, ông Ánh nói.

Để góp phần gỡ khó nguồn vốn khi thị trường tài chính - tiền tệ đang gặp nhiều trở ngại, nhiều ý kiến mong rằng, nếu có nới hạn mức tín dụng thì cũng cần có sự đánh giá chi tiết và phân tích kỹ lưỡng các thị trường với từng phân khúc riêng để nhận dạng đúng và cụ thể thực trạng, từ đó có giải pháp phù hợp cho các nhóm đối tượng.

Tin cùng chuyên mục