Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Nguy cơ thụt lùi

(BĐT) - Nghị quyết số 02/NQ-CP đưa ra yêu cầu trước tháng 6/2019, các bộ, ngành phải hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và công khai đầy đủ danh mục này. 
Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt mục tiêu chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tăng từ 3 - 5 bậc trong năm nay. Ảnh: Quốc Khánh
Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt mục tiêu chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tăng từ 3 - 5 bậc trong năm nay. Ảnh: Quốc Khánh

Tuy nhiên, đã quá nửa năm 2019, hoạt động này vẫn chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể, có nguy cơ thụt lùi so với các nước trong khu vực.

Chuyển biến chậm

Đề cập về thực trạng thực hiện thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Nếu nhìn sơ đồ giao dịch thương mại qua biên giới, hiện thời gian thực hiện giao dịch của Việt Nam gấp 2 lần Thái Lan, gấp 3 lần Malaysia và lâu hơn nhiều so với Singapore. Còn về chi phí thực hiện giao dịch nhập khẩu của Việt Nam hiện ít hơn Indonesia nhưng cao gấp 2 lần Thái Lan, Malaysia và Singapore”.

Theo bảng xếp hạng Doing Business - môi trường kinh doanh năm 2019 do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 100/190 nền kinh tế về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, giảm so với thứ hạng 94 và 93 của hai lần xếp hạng trước đó. Để cải thiện chỉ số này, Nghị quyết số 02 đặt mục tiêu chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tăng từ 3 - 5 bậc trong năm nay.

Song, đáng buồn là “hết 6 tháng đầu năm, cải cách quản lý, KTCN chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng KTCN như yêu cầu của Chính phủ”, bà Thảo đánh giá.

Theo bà Thảo, trong 6 tháng đầu năm, các yêu cầu về quản lý, KTCN trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương như kiểm tra formaldehyde trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng… đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp (DN). Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được bộ này quan tâm giải quyết.

Đặt vấn đề cải cách quản lý, KTCN có thực chất hay không, chuyên gia chắp bút xây dựng và theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết 02 cũng bày tỏ quan ngại khi cuối tháng 3/2019, Bộ Công Thương lại ban hành Quyết định số 765/QĐ-BCT công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Nếu nhìn vào danh mục công bố thì không ít người nghĩ rằng các mặt hàng đã được cắt giảm không phải KTCN nữa. Tuy nhiên, hàng trăm mặt hàng sắt, thép, sản phẩm dệt may chỉ không phải kiểm tra trong giai đoạn thông quan mà chuyển sang giai đoạn sau thông quan… Đặt tên văn bản như vậy dễ dẫn đến hiểu lầm trong quá trình tổng hợp kết quả cắt giảm thủ tục KTCN…  

Bên cạnh đó, một số DN cho biết, các quy định về KTCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện vẫn còn chồng chéo, cản trở hoạt động của DN. Điển hình như quy định về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong nông nghiệp, phải kiểm tra nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian khiến chi phí tăng cao, làm DN tuột mất cơ hội… 

Đòi hỏi cải cách thực chất

Từ thực trạng chậm chuyển biến trong cải cách quản lý, KTCN, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí và thời gian, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của DN khi đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. “Đặc biệt, khi cải cách quản lý thiếu thực chất thì thông quan thương mại qua biên giới của Việt Nam sẽ càng lùi xa so với các nước”, một chuyên gia cảnh báo.

Trăn trở về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, gần như các bộ mới chỉ cắt giảm những quy định nhỏ. Những mặt hàng có khối lượng thương mại lớn, kinh doanh nhiều chưa được “cởi trói”.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 02, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, yêu cầu các bộ, cơ quan đẩy mạnh thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng KTCN; tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục KTCN đối với một sản phẩm, hàng hóa.