Cải thiện khung pháp lý về đấu thầu trang thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Bộ Y tế bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BYT (Thông tư 14) quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các cơ sở y tế (CSYT) công lập nhằm tháo gỡ vướng mắc thực thi nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực. Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu TTBYT tại các CSYT, với nhiều ý kiến góp ý chính sách.
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ảnh: Lê Tiên

Thực tế triển khai cho thấy, vướng mắc lớn nhất trong đấu thầu mua sắm TTBYT tại Thông tư 14 chủ yếu xoay quanh 3 quy định. Một là, việc xác định giá kế hoạch mua sắm dựa trên giá trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của TTBYT đó. Đây là quy định khiến nhiều CSYT lâm vào tình cảnh tổ chức đấu thầu nhiều lần nhưng không chọn được nhà thầu. Hai là phân chia kỹ thuật giữa các nhóm TTBYT chưa thật sự hiệu quả, không phản ánh chất lượng sản phẩm, cũng như không đủ cơ sở pháp lý và có tiêu chí khoa học để thực hiện… Ba là giới hạn ủy quyền bán hàng (tối đa được 2 lần ủy quyền) để hạn chế tình trạng “loạn giá”, “đẩy giá lòng vòng” nhưng đã làm gia tăng tính độc quyền, hạn chế cạnh tranh.

Cùng với việc bãi bỏ Thông tư 14, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu TTBYT tại các CSYT công lập theo hướng: khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại TTBYT nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá…

Góp ý trong quá trình xây dựng dự thảo trên, một số ý kiến phản ánh, việc lập giá kế hoạch chủ yếu tham khảo từ kết quả báo giá, thẩm định giá, trong khi hiện nay, nhiều vụ án được xử lý chủ yếu dựa vào giá nhập khẩu. Chủ đầu tư không thể kiểm tra, xác minh giá nhập khẩu vì chưa đủ thẩm quyền và về cơ chế thị trường thì điều này không cho phép.

Đối với các TTBYT kỹ thuật cao như CT, MRI, máy phẫu thuật robot, X-quang kỹ thuật số…, việc xác định cấu hình để mua sắm là rất khó khăn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế, trường lớp đào tạo, giới thiệu của hãng sản xuất, trong khi đó, trình độ của các cá nhân trong hội đồng khoa học chủ yếu là về y khoa, không chuyên về TTBYT. Hơn nữa, trong quá trình giám sát lắp đặt, chủ đầu tư chỉ dựa vào năng lực của đơn vị tư vấn giám sát, nếu nhà thầu cố tình thay đổi xuất xứ hàng hóa thì rất khó để nhận biết.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật về đấu thầu đã có quy định phương pháp chấm điểm kết hợp giữa kỹ thuật và giá với mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật, nhưng đa số CSYT chọn áp dụng tiêu chí đạt/không đạt, từ đó dẫn đến tình trạng đấu thầu thiên về giá rẻ nhưng chất lượng thấp. Thực tế, kể cả trong trường hợp áp dụng phương pháp chấm điểm, khi đã đạt yêu cầu về kỹ thuật, TTBYT nào rẻ nhất sẽ trúng thầu, thế nhưng, giữa TTBYT đạt 70% điểm kỹ thuật và TTBYT đạt 85% điểm có sự khác biệt rất lớn về chất lượng, nên mặt hàng có chất lượng cao, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại rất khó cạnh tranh về giá. Câu chuyện “dao mổ rạch 3 lần mới qua da” là ví dụ điển hình cho “tiền nào của nấy”.

Bà Trương Thị Tố Hoa - Trưởng ban Pháp chế Tiểu ban TTBYT thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất, sau khi vượt qua đánh giá về kỹ thuật, việc xây dựng điểm tổng hợp phải đảm bảo nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật lớn hơn hoặc bằng 50% tổng số điểm của thang điểm tổng hợp. Tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

Để đảm bảo thống nhất trong thực thi, theo đề xuất của Trưởng khoa Dược và Vật tư của một sở y tế phía Nam, Bộ Y tế cần sớm ban hành mẫu HSMT hướng dẫn cụ thể mua sắm TTBYT tương tự HSMT mua thuốc, đảm bảo minh bạch và thống nhất trong triển khai.

Mặt khác, để giảm áp lực mua sắm TTBYT cho các CSYT, có thể tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương với TTBYT cơ bản và có số lượng sử dụng nhiều như bơm tiêm, bông, băng, cồn, gạc… Đây là những mặt hàng đã sản xuất được trong nước (chiếm khoảng 10% tổng số TTBYT được sử dụng tại Việt Nam hiện nay), nên có thể cho phép không chào thầu hàng hóa nhập khẩu.

Về năng lực của đội ngũ phụ trách mua sắm TTBYT, đại diện Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin tư vấn tài chính của Sở Tài chính TP. Hà Nội khuyến nghị, các CSYT cần tuyển chọn thêm những nhân lực có chuyên môn về đấu thầu, tài chính và kỹ thuật TTBYT.

“Không làm được thì đi thuê” là giải pháp đã có, nhưng trên thực tế, ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch Hiệp hội TTBYT TP.HCM cho rằng, đa số CSYT đều chỉ định thầu tư vấn để dễ thuận theo ý đồ của chủ đầu tư/bên mời thầu. Muốn lựa chọn được nhà thầu tư vấn có đủ năng lực, theo đại diện Trung tâm Mua sắm của Sở Tài chính TP. Hà Nội, CSYT nên đấu thầu cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục