Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương

Chủ đề tái cấu trúc kinh tế, đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ bằng những thực tiễn rất sinh động.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến đọc tham luận với chủ đề "Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá về kinh tế, xã hội - từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa”. 

Tham luận khẳng định, thực tiễn tại địa phương cho thấy để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và cả nước nói chung cần nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là việc xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một quá trình, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, đồng chí Trịnh Văn Chiến nói. 

Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại kinh tế địa phương 

Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng tham luận tại Đại hội về chủ đề "Một số giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế". 

Theo Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, cần xem xét hai vấn đề: Làm thế nào để kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu trong khi phải chú trọng phát triển chiều sâu; có thể áp dụng mô hình tăng trưởng chung cho cả nước được không?

Đại biểu phân tích trên thực tế các địa phương có sự khác nhau rất xa về điều kiện kinh tế, các tỉnh miền núi và một số địa phương không có nhiều lợi thế thu hút đầu tư các dự án có chất lượng cao như các thành phố lớn, các thành phố cảng biển. Do vậy, những địa phương còn khó khăn cần tập trung phát triển theo chiều rộng để thu hút mọi cơ hội đầu tư nhằm tạo việc làm cho người dân và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế bảo đảm an sinh xã hội. Các tỉnh, thành phố đã có quá trình công nghiệp hóa nhanh cần dứt khoát chuyển sang phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị

Qua thực tiễn của Quảng Ninh, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã làm rõ thêm về nội dung "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở".  

Từ những thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, cần tăng cường phân cấp triệt để về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế gắn với thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát và quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đổi mới công tác cán bộ, sớm ban hành quy chế thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; bổ sung các quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp gồm "phần cứng" ổn định theo ngạch bậc và "phần mềm" theo hiệu suất, sáng kiến; sớm chỉ đạo xây dựng và thực hiện thí điểm nhất thể hóa một số tổ chức, chức danh lãnh đạo của cơ quan tổ chức có chức danh, nhiệm vụ tương đồng... 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 

Tham luận "Xây dựng TP. Cần Thơ thực sự là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long" do đồng chí Trần Thị Thanh Hiền, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã nêu lên những định hướng, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương. 

Theo đại biểu, cần tiếp cận đào tạo nói chung và  đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như là một “dịch vụ” chứ không đơn thuần là đào tạo theo nhiệm vụ chính trị của địa phương hay của nhà nước.

“Chính dịch vụ mới tiếp cận tốt nhất đến nhu cầu về chất lượng, số lượng và thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực đào tạo”, bà Hiền phát biểu. 

Bên cạnh đó, tham luận cũng đề xuất cần xây dựng chính sách gắn kết với doanh nghiệp trong sử dụng lao động và thu hút doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo để vừa có thêm nguồn đầu tư, vừa sử dụng lao động sau đào tạo có hiệu quả. Phát triển và gắn kết các tổ chức xã hội-nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước cũng là thành tố quan trọng cần được quan tâm. Cần có các chính sách trực tiếp và gián tiếp giúp quy tụ tài năng cho hệ thống đào tạo từ bên trong và cả bên ngoài vùng như sinh viên giỏi, những giảng viên có năng lực giảng dạy tốt, những nhà nghiên cứu xuất sắc có khả năng sáng tạo và chuyển giao tri thức vượt trội tham gia vào hệ thống đào tạo đạt chất lượng cao. 

Tin cùng chuyên mục