Trong số 437,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Công ty CP Cao su Phước Hòa nửa đầu năm nay, khoản lợi nhuận khác đóng góp đến 274,9 tỷ đồng. Ảnh: Hải Minh |
Những nẻo đường lãi lớn
Theo số liệu thống kê của Fiintrade tại hơn 851 DN nhóm ngành phi tài chính (không bao gồm các ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm) trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 tính đến ngày 30/7/2023, có 330 DN ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế nửa đầu năm 2023 tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Không ít trong số này đạt được tăng trưởng nhờ các khoản thu nhập bất thường ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Công ty CP Gemadept là một trong các DN báo lãi trước thuế tăng trưởng cao đột biến nửa đầu năm nay với 2.486 tỷ đồng, gấp 3,45 lần cùng kỳ năm 2022. Phần lớn khoản lãi này đến từ việc thoái toàn bộ 84,66% vốn tại Công ty CP Cảng Nam Hải Đình Vũ cho Công ty CP Viconship và các đối tác, thu về khoản lãi 1.884 tỷ đồng.
Nếu không tính khoản lãi đột biến này, lợi nhuận trước thuế của Gemadept trong nửa đầu năm nay chỉ còn 642 tỷ đồng, giảm 10,8% so với nửa đầu năm ngoái.
Tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay đạt gần 1.457 tỷ đồng, gấp 18 lần nửa đầu năm 2022. Kết quả này có được chủ yếu từ việc Vocarimex bán toàn bộ cổ phần Công ty TNHH Calofic - công ty liên kết của Vocarimex - trong quý đầu năm nay. Đối với hoạt động kinh doanh chính, Vocarimex ghi nhận tình trạng giá vốn vượt doanh thu và báo lỗ gộp 117,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận lên đến 585 tỷ đồng, gấp 8,5 lần cùng kỳ 2022, giúp lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 142,5 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn bộ số lãi này đến từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định lên đến 656,3 tỷ đồng trong quý II/2023. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm 515,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Mặc dù chi tiết khoản thu nhập bất thường này tại Xây dựng Hòa Bình chưa được thuyết minh trong báo cáo tài chính tự lập, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Ban lãnh đạo Công ty đã cho biết kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC và một phần máy móc, thiết bị cho các đối tác với giá trị phần máy móc, thiết bị chuyển nhượng lên tới 1.100 tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng phần lợi nhuận đột biến mà Xây dựng Hòa Bình ghi nhận có liên quan đến khoản chuyển nhượng máy móc, thiết bị này.
Tương tự, thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thoái vốn đầu tư, các khoản tiền bồi thường… là những khoản thu nhập bất thường phát sinh tại nhiều DN khác trong nửa đầu năm nay, giúp lợi nhuận tăng trưởng dù không ít DN có kết quả hoạt động kinh doanh chính không mấy khả quan. Bên cạnh niềm vui tăng trưởng là những e ngại về chất lượng dòng tiền của DN hay nguy cơ lợi nhuận sụt giảm trở lại khi không còn những khoản thu nhập bất thường.
Báo cáo tài chính của Công ty CP Cao su Phước Hòa cho biết, trong số 437,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thu về nửa đầu năm nay, khoản lợi nhuận khác đóng góp đến 274,9 tỷ đồng, tương ứng 62,8%. Trong đó, 200 tỷ đồng thu nhập khác đến từ khoản tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà Công ty được nhận khi chuyển giao đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận 69 tỷ đồng thu nhập từ thanh lý gỗ 285,14 ha vườn cây cao su hết tuổi khai thác.
Nhờ 2 khoản thu nhập bất thường này, lợi nhuận của Cao su Phước Hòa trong nửa đầu năm 2023 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su sụt giảm. Tuy vậy, Cao su Phước Hòa khó có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm nay, bởi toàn bộ số tiền đền bù là 898,3 tỷ đồng cho 691 ha đất mà Công ty chuyển giao đã được ghi nhận hết.
Kịch bản sụt giảm lợi nhuận sau khi không còn các khoản thu nhập bất thường trong khi hoạt động kinh doanh chính còn nhiều khó khăn cũng được dự báo tại Gemadept, Vocarimex và nhiều DN khác.
Lãi đột biến nhưng không có thêm dòng tiền
Dù việc nhượng bán tài sản hay thu tiền bồi thường đem về lượng tiền lớn giúp DN trả bớt nợ vay, giảm chi phí tài chính hoặc tái đầu tư mà không phụ thuộc vào dòng vốn vay…, nhưng có một số khoản lãi đột biến chỉ giúp lợi nhuận DN tăng vọt trên sổ sách, không giúp thu về dòng tiền.
Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) vừa báo lãi trước thuế đột biến lên đến 541 tỷ đồng trong quý II vừa qua (cùng kỳ năm ngoái lỗ 18,6 tỷ đồng). Phần lợi nhuận này chủ yếu đến từ khoản thu nhập khác lên đến 542,3 tỷ đồng trong quý II/2023. Theo báo cáo của Vitranschart, trong quý II, Công ty được giảm trừ nghĩa vụ trả nợ hơn 540 tỷ đồng cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sau khi chuyển giao cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Cũng nhờ khoản lãi đột biến này, Vitranschart đã bù xong khoản lỗ của quý I và tạo ra lợi nhuận lũy kế nửa đầu năm lên tới 517 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 275 triệu đồng). Trong khi đó hoạt động kinh doanh chính là cho thuê tàu biển tiếp tục khó khăn với giá vốn vượt doanh thu, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 51,3 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023.
Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, trong quý II, Công ty ghi nhận khoản lãi đột biến lên đến 326,9 tỷ đồng trong khoản mục công ty liên kết. Lộc Trời cho biết, đây là khoản chênh lệch từ đánh giá lại giữa sở hữu của nhà đầu tư và giá trị sổ sách của tài sản tại Công ty CP Lương thực Lộc Nhân sau khi Tập đoàn Lộc Trời mua 49% vốn trong quý II/2023.
Mặc dù chênh lệch giữa giá trị tài sản thuần và giá mua tương ứng với lượng cổ phần nắm giữ được ghi nhận vào thu nhập là theo đúng quy định kế toán, nhưng khoản lợi nhuận này không giúp Lộc Trời thu về dòng tiền, thậm chí Lộc Trời đã chi 184,9 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.