Cần cơ chế chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 2/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Sửa Luật Dầu khí để có cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu giai đoạn tới rất khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà
Sửa Luật Dầu khí để có cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu giai đoạn tới rất khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà

Đây là dự luật quan trọng, được kỳ vọng sẽ thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Dự thảo Luật gồm 11 chương, 64 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, đa số đại biểu Quốc hội và đại diện các bộ, ngành tham dự Hội thảo đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước; cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới rất khó khăn, cần thiết phải lập nền tảng phát triển mới, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại Hội thảo, một số ý kiến đề nghị việc sửa đổi Luật cần tạo điều kiện tốt nhất để rút ngắn thời gian triển khai các dự án, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao và thị trường có lợi. Phát biểu kết luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tin cùng chuyên mục