Cần có chính sách hỗ trợ chi phí phát sinh do dịch bệnh cho nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khó khăn lớn nhất hiện nay của các nhà thầu là chi phí phát sinh quá lớn. Đầu tiên là chi phí huy động nhân công do việc di chuyển giữa các địa phương khó khăn, các công trình thủy lợi có đặc thù khiến nhà thầu phải di chuyển qua nhiều địa phương.
Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10

Ông Lê Hồng Linh,

Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10

Các dự án mà chúng tôi đang quản lý như: Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé; Cống âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu; Xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (TDA 1) - ICRSL… đều có vị trí tiếp giáp nhiều tỉnh. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, để người lao động được di chuyển phải có chữ ký của chủ tịch UBND tỉnh. Điều này khiến mọi nỗ lực huy động nhân sự của nhà thầu trở nên chậm trễ, bất khả thi, đặc biệt khi công trình chuyển giai đoạn, cần bổ sung chuyên gia, kỹ sư.

Ngoài ra, chi phí xét nghiệm cũng là gánh nặng đối với nhà thầu khi có địa phương yêu cầu 3 ngày xét nghiệm 1 lần. Đồng thời, do dịch bệnh, nguồn cung ứng bị gián đoạn, khan hiếm cục bộ, giá cả vật liệu, vật tư bị đẩy lên. Thậm chí, ở một số hạng mục, việc cung cấp thiết bị ngưng trệ do nhà máy đóng tại Bình Dương, Đồng Nai phải đóng cửa.

Những chi phí này đang đổ lên vai nhà thầu. Phía chủ đầu tư chỉ có thể chia sẻ, cảm thông chứ chưa có bất kỳ biện pháp nào hỗ trợ do phải tuân thủ theo hợp đồng, quy định hiện hành. Các nhà thầu đã cố gắng cầm cự, nỗ lực rất lớn để đưa công trình về đích đúng hạn, không bị chậm tiến độ. Ngay trong những ngày dịch căng thẳng, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đã cùng nhà thầu thi công hoàn tất việc lắp đặt cửa van cuối cùng của cống Cái Lớn.

Những chi phí trên phát sinh hoàn toàn do bất khả kháng, vì vậy nên có những giải pháp, hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ nhằm hỗ trợ cho nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục