Ông Đặng Thế Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Đăng Việt Nam
Công ty đã có thời gian hoạt động hơn 13 năm với số lượng nhân sự hơn 30 người. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi rất khó khăn khi tiếp cận thị trường, thiếu các chính sách định hướng cụ thể về logistics và các chính sách hỗ trợ để định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh. Hiện nay, không chỉ riêng Công ty mà các doanh nghiệp logistics khác gần như đang “tự bơi”, tự tìm kiếm khách hàng nên các đơn hàng mang tính manh mún, nhỏ lẻ…
Những báo cáo khảo sát hiện nay được công bố về tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp logistics hàng năm gần như là kết quả tổng kết, “đi sau” thực tiễn và không giúp ích cho doanh nghiệp trong việc định hướng kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển. Trong khi đó, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là quy mô nhỏ, thiếu nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động quốc tế, nên chưa theo kịp xu thế của thế giới. Việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và hợp tác với các công ty logistics quốc tế còn rất hạn chế.
Để khắc phục được những hạn chế nêu trên, cần có sự khảo sát kỹ thị trường trong nước, quốc tế để tạo ra chuỗi liên doanh, liên kết, song công việc này đòi hỏi chi phí lớn, hầu hết các doanh nghiệp logistics đều không đáp ứng được. Do đó, các doanh nghiệp logistics rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc phân tích và định hướng thị trường cụ thể cho doanh nghiệp để cải thiện chuỗi dịch vụ cung ứng vốn đang manh mún hiện nay.