Tính đến 15/12/2022, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất đã thực hiện đạt khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng, bằng 82% chỉ tiêu. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến 15/12/2022, tổng số tiền đã thực hiện đạt khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng).
Về chính sách hỗ trợ lãi suất, số liệu cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước là tính đến đến cuối tháng 10/2022, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng cho dư nợ 21.000 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền dự kiến hỗ trợ lãi suất là 40 nghìn tỷ đồng và sẽ đóng vào cuối năm 2023.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có chính sách thực thi nhanh, có chính sách thực thi quá chậm, song nhìn chung đời sống doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 tiềm ẩn nhiều thách thức lớn. Do đó, ông Việt cho rằng, cần tiếp tục thực thi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm 2023 trong bối cảnh mới. Theo đó, các hợp phần có mức giải ngân tốt, được đánh giá hiệu quả cao và thực tế vẫn có nhu cầu hỗ trợ thì cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là gói hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí và giảm thuế VAT.
Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo ông Việt, mặc dù tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhưng thực tế doanh nghiệp và người dân rất cần gói hỗ trợ này, nên phải nghiên cứu khai thông các rào cản cũng như chi phí và rủi ro tuân thủ để thực hiện nhanh và quyết liệt ngay từ đầu 2023 cùng với việc mở thêm room tín dụng cho các ngân hàng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là hoạt động giảm thuế VAT 2%. Theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% (thay vì mức 10% như trước). Chính sách này có hiệu lực từ 1/2 đến hết 31/12/2022 và chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2022.
“Doanh nghiệp và người dân hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn hậu đại dịch Covid-19. Đồng thời, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu và việc giảm thuế VAT là một giải pháp tích cực giúp giảm nguy cơ lạm phát. Hiệu quả từ chính sách này được đánh giá rất tốt, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ. Trong các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế thì chính sách giảm thuế VAT 2% đã phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất và doanh nghiệp, người dân thụ hưởng trực tiếp nhất”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có thời gian thực hiện trong 2 năm, trong đó, chính sách giảm thuế VAT sẽ đóng vào cuối năm 2022, chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ dừng vào cuối năm 2023 dù chưa phân bổ hết tiền. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc tính toán các phương án kéo dài.
Mặt khác, ông Thành cho rằng, cần gỡ khó về dòng tiền cho doanh nghiệp. Thực tế, tiền trong dân vẫn nhiều song quan trọng nhất là phải khôi phục lại niềm tin bằng việc gỡ khó cho thị trường vốn, thị trường bất động sản.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia chính sách tài chính - tiền tệ cũng khẳng định, thanh khoản nền kinh tế đang rất khó khăn. “Đã có hiện tượng ngân hàng lách để khách hàng vay vốn giá cao, có thể lên mức 18%. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang rất yếu về thanh khoản, lãi đắt vẫn phải vay. Đây là vấn đề gây ra rất nhiều khó khăn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giờ quay lại hệ thống ngân hàng. Cần giải quyết bài toán này trong năm sau để khơi dòng vốn cho doanh nghiệp.