Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, tổng thể toàn tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đang chậm tiến độ từ 4-5,5% so với kế hoạch, một số nhà thầu đã đăng ký tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán 2022 để bù tiến độ bị chậm.
Các phương tiện tham gia lu nền đường tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: TTXVN
Các phương tiện tham gia lu nền đường tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: TTXVN

Đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây cho biết, một số nhà thầu đã đăng ký tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán 2022 để bù tiến độ bị chậm của dự án.

Hiện nay, tổng thể toàn tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đang chậm tiến độ từ 4-5,5% so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo tính toán và quyết tâm của các nhà thầu thì dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản dự án vào ngày 31/12/2022.

Đến thời điểm này, tổng sản lượng dự án đạt hơn 28%, tăng hơn 2% so với đầu tháng 1. Trường hợp các đơn vị thi công xuyên Tết, khối lượng thực hiện kỳ vọng sẽ được nâng lên khoảng 30% dịp sau Tết, đại diện Ban điều hành dự án cho biết.

Đối với các gói thầu đang chậm tiến độ, nhà thầu đã cập nhật kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải để huy động thêm nhân lực, thiết bị, phấn đấu đến ngày 30/4 tới sẽ bù lại tiến độ theo kế hoạch đề ra và đưa dự án cán đích vào cuối năm 2022.

Đề cập đến tiến độ các gói thầu, đại diện Ban điều hành dự án cho hay, gói XL-01 hiện đạt hơn 34% sản lượng kế hoạch. Đây là gói thầu đạt sản lượng cao nhất so với 3 gói thầu còn lại (XL-02; XL-03, XL-04).

[Giải quyết tình trạng thiếu đất san lấp ở cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây]

Về khó khăn nguồn đất đắp, các nhà thầu đã chủ động sử dụng nguồn đá nghiền để đắp nền. Cụ thể, gói XL-02 bắt đầu đẩy mạnh viêc này nhằm chủ động hoàn thiện đắp nền đường. Đối với những gói khác của dự án, các nhà thầu cũng đang khẩn trương sử dụng nhiều giải pháp để chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho dự án.

Theo tính toán, hiện gói XL-03 thiếu khoảng 2,5 triệu m3 đất đắp, gói XL-04 thiếu khoảng 400.000 m3 đất đắp, còn lại những gói thầu khác các nhà thầu kiểm soát được.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến tháng 12/2021, công tác thi công dự án cao tốc đoạn Phan Thiết-Dầu Giây vẫn gặp nhiều khó khăn do một số hạng mục đắp nền đường bị chậm vì thiếu vật liệu đất đắp, đặc biệt gói XL-03 phải điều chỉnh tiến độ thi công lần 2.

Việc thi công cấp phối đá dăm loại 1 cũng bị chậm do thiếu vật liệu và ảnh hưởng của thời tiết khiến tổng sản lượng dự án chưa đạt kế hoạch đề ra.

Trước những khó khăn này, cơ quan chức năng các địa phương đã tích cực vào cuộc, bố trí mỏ vật liệu phục vụ dự án theo Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Riêng gói thầu XL-03, công tác cấp phép mỏ vật liệu dự kiến được khơi thông ngay trong tháng 1/2022.

Dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được khởi công cuối tháng 9/2020 và theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết là một phần trong dự án cao tốc Bắc Nam, trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cao tốc Bắc Nam qua Bình Thuận sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế-xã hội.

Tin cùng chuyên mục