Cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 18/NQ-CP cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án. Ảnh: Lê Tiên |
GPMB thường là “nút thắt” của dự án, đặc biệt là dự án có phạm vi GPMB rộng như cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Để đảm bảo tiến độ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP, trong đó nêu rõ cơ chế cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ giai đoạn chuẩn bị Dự án.
Bộ GTVT cho biết, từ giai đoạn chuẩn bị Dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế phối hợp với địa phương nghiên cứu kỹ hướng tuyến để tránh khu dân cư đông đúc, giảm thiểu khối lượng GPMB. Đến nay, công tác bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đã đạt 682,4/729 km (tương ứng 94% tổng khối lượng). Các đoạn còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của 12 dự án thành phần theo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Bộ TN&MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 3 dự án (Chí Thạnh - Vân Phong; Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau) và đang tiếp tục xem xét phê duyệt cho các dự án còn lại trước ngày 10/6/2022.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 1/2022 với tổng chiều dài khoảng 729 km, được chia thành 12 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 14.983 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ. Dự án được triển khai thi công trong năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của 12 địa phương Dự án đi qua đã có ý kiến về công tác giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định tại Luật Đầu tư công. Các đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư và các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt trong tháng 6/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhiều năm trở lại đây, trong các báo cáo đánh giá khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, GPMB luôn ở vị trí số một. Hệ lụy là dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp… Chính vì vậy, khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công tác GPMB được đặc biệt quan tâm. Trong các nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù đối với công tác GPMB, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì cần có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung của công tác GPMB.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đầu tư cho biết, theo trình tự pháp luật thông thường, thời gian từ lúc chuẩn bị đầu tư, GPMB đến khởi công từ 2 - 3 năm. Thực tế triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã cho thấy điều đó. Sau khi Quốc hội có chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017, Bộ GTVT đã lập và phê duyệt Dự án đầu tư. Đến tháng 4/2019, Bộ GTVT bắt đầu bàn giao cọc GPMB cho các địa phương và đến tháng 9/2020 mới khởi công những gói thầu đầu tiên. Như vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giai đoạn 1 của Dự án cao tốc Bắc - Nam được thực hiện trong khoảng thời gian từ 17 - 20 tháng. Sau 3 năm triển khai, vẫn còn khoảng 0,1% chiều dài tuyến vướng mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, một số hạng mục công trình đã được bồi thường nhưng chưa di dời.
Với việc áp dụng thông suốt và linh hoạt cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 18/NQ-CP, thời gian Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc GPMB cho địa phương khoảng 5 tháng, thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công Dự án khoảng 10 tháng. Công tác GPMB của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn tất trong khoảng 15 tháng. Đây có thể coi là bước đột phá về thời gian chuẩn bị đầu tư đại dự án giai đoạn 2 này.