Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phụ kiện, nguyên liệu sản xuất dự trữ chỉ đủ để duy trì sản xuất đến hết tháng 3. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp xuất khẩu bị tác động mạnh
Một trong những điểm đáng chú ý của bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm nay là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 74,02 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019 cho dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 2,4%, đạt lần lượt 36,92 tỷ USD và 37,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, số liệu của Bộ Công Thương cũng ghi nhận, hoạt động xuất khẩu của các DN đang chịu tác động không nhỏ.
Cụ thể, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhóm hàng nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi đây là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 2/2020 đã giảm tới 15,1% so với tháng 1/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 3,03 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là gạo và sắn; còn lại 8 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019, điển hình là rau quả giảm 17,4%, thủy sản giảm 17,7%...
Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tăng 4% so với tháng 1/2020, đạt 16 tỷ USD nhờ kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 55,8% so với tháng 1/2020, nhưng xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp khác lại giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt và may mặc giảm 1,7%; xơ, sợi dệt các loại giảm 16,5%; sắt thép các loại giảm 33,9%; sản phẩm từ sắt thép giảm 7,9%...
Đáng ngại hơn, theo thông tin từ các hiệp hội ngành hàng, nhiều khả năng tới cuối tháng này, các DN sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày… sẽ hết phụ kiện, nguyên liệu sản xuất. Nhiều DN sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Công ty CP Sunhouse cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ của DN này vì thiếu linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.
Đa dạng hóa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Với ảnh hưởng bất lợi của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra, một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất còn hạn chế, không tự chủ được về các yếu tố đầu vào dẫn đến phụ thuộc rất lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu của các chuỗi cung ứng nước ngoài. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường chủ yếu như: Trung Quốc, Hàn Quốc… Do đó, khi các thị trường này có những diễn biến bất lợi, lập tức xuất khẩu của Việt Nam bị tổn thương. Vì vậy, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu càng trở nên cấp thiết để giảm thiểu ảnh hưởng trước những cú sốc bên ngoài.
Để khơi thông thị trường xuất khẩu, nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt là kết nối, xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc, song song với đó là tìm thị trường thay thế cho hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, tới nay, tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ và đi vào hoạt động thuận lợi hơn.
Tại cuộc họp bàn về việc chuẩn bị thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị một cách chủ động và chu đáo để nắm bắt tốt nhất các cơ hội từ Hiệp định. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bộ cũng chỉ đạo các thương vụ và chi nhánh thương vụ tại các thị trường châu Á - châu Phi; châu Âu - châu Mỹ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, các khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại…
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 vào ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí cho DN chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Đặc biệt, Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, loại bỏ chi phí không chính thức, khơi thông thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Dự thảo đề xuất Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh để gây khó dễ cho DN trong hoạt động thông quan hàng hóa, loại bỏ chi phí không chính thức cho DN.