Cấp phép cho lao động nước ngoài: EuroCham kiến nghị gỡ vướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy trình xin giấy phép lao động (GPLĐ) theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP. Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Khuất Văn Trung, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo thuộc EuroCham xung quanh vấn đề này và ghi nhận những đề xuất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Quy định về việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Quang Tuấn
Quy định về việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Quang Tuấn

Thưa ông, hiện việc xin GPLĐ đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Có khó khăn, vướng mắc nào trong quy trình thực hiện?

Quy trình, thủ tục xin GPLĐ cho người lao động nước ngoài hiện nay được điều chỉnh chủ yếu bởi Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Nghị định 152). Trong quá trình thực hiện thủ tục, các doanh nghiệp thành viên EuroCham gặp phải một số khó khăn.

Thứ nhất, vấn đề thẩm quyền cấp GPLĐ không rõ ràng giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hay Sở LĐTBXH. Theo quy định tại Nghị định 152, thẩm quyền cấp GPLĐ đối với người lao động nước ngoài làm việc cho các tổ chức, cơ quan do "bộ, ngành cho phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật" thuộc Bộ LĐTBXH; còn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì do Sở LĐTBXH thực hiện.

Ông Khuất Văn Trung

Ông Khuất Văn Trung

Tuy nhiên, hiện không có quy định về trường hợp nếu một doanh nghiệp đặc thù có cả 2 giấy phép hoạt động thì GPLĐ do Bộ LĐTBXH hay Sở LĐTBXH cấp? Việc quy định không rõ ràng về thẩm quyền giữa Bộ LĐTBXH và Sở LĐTBXH dẫn tới một số GPLĐ được Sở LĐTBXH cấp nhưng Bộ LĐTBXH không công nhận hiệu lực.

Thứ hai, việc xin chấp thuận ngày càng phức tạp hơn khi vào khoảng cuối năm 2022 một số Sở LĐTBXH đưa ra các yêu cầu mới như nộp thêm tài liệu trong quá trình báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài mà những tài liệu này không bị bắt buộc bởi luật.

Thứ ba, các điều kiện đối với chuyên gia khi xin GPLĐ làm việc tại Việt Nam còn rất khắt khe. Cụ thể, Nghị định 152 quy định chuyên gia phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm tại Việt Nam; hoặc ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm tại Việt Nam. Quy định này chưa phản ánh đúng thực tế, do nhiều chuyên gia cấp cao giàu kinh nghiệm nhưng vì một số lý do không thể cung cấp được bằng đại học hoặc tương đương. Quy định này khiến nhiều chuyên gia cấp cao từng làm việc ở các nước phát triển nhưng lại không thể xin GPLĐ ở Việt Nam…

Thứ tư, GPLĐ chỉ được gia hạn 1 lần với thời hạn tối đa là 2 năm, sau đó phải làm thủ tục cấp mới mà không được gia hạn tiếp. Quy định này gây nhiều khó khăn vì việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp mới tốn nhiều thời gian, người lao động nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam để chuẩn bị giấy tờ. Việc này là không cần thiết và gây lãng phí công sức cũng như thời gian.

Có ý kiến cho rằng, thủ tục ngày càng khắt khe và rườm rà hơn kể từ thời điểm Nghị quyết 105/NQ-CP hết hiệu lực. Quan điểm của ông như thế nào?

Nghị quyết 105/NQ-CP được ban hành vào ngày 9/9/2021 (Nghị quyết 105) đã đưa ra các biện pháp nới lỏng để hỗ trợ kịp thời, giúp các doanh nghiệp hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch Covid-19. Các biện pháp nới lỏng bao gồm: GPLĐ đã được cấp được xem là bằng chứng chứng minh kinh nghiệm làm việc khi nộp hồ sơ xin cấp GPLĐ mới (thay vì việc yêu cầu phải có xác nhận kinh nghiệm của tổ chức ở nước ngoài); chấp nhận “Chứng chỉ hoàn thành đào tạo” hoặc “Giấy chứng nhận tốt nghiệp” thay cho bằng đại học thông thường; cho phép người lao động nước ngoài có GPLĐ hợp lệ ở một địa phương có thể được tạm thời điều chuyển/phân công làm việc ở một tỉnh thành khác trong thời hạn tối đa 6 tháng mà không cần xin GPLĐ ở tỉnh thành chuyển đến; chấp nhận bản sao hộ chiếu chưa có chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự (thay vì hộ chiếu bản sao chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự).

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ LĐTBXH trong việc kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh hiện tại, các biện pháp nêu trên vẫn cần được duy trì vì chúng phản ánh đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ ngày 31/12/2022, các biện pháp nới lỏng quy định tại Nghị quyết 105 hết hiệu lực và không được gia hạn, quy trình xin GPLĐ lại trở nên khó khăn.

Theo quan điểm của các thành viên EuroCham, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP cần được sửa đổi như thế nào?

Để quy trình xin GPLĐ được thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước, chúng tôi đề xuất đưa các biện pháp nới lỏng theo Nghị quyết 105 như đề cập ở trên vào Nghị định 152 khi sửa đổi. Bên cạnh đó, sửa đổi một số quy định của Nghị định 152.

Cụ thể, quy định rõ thẩm quyền cấp và quản lý GPLĐ giữa Bộ LĐTBXH và các Sở LĐTBXH, tránh trường hợp chồng chéo thẩm quyền, dẫn tới cấp GPLĐ sai thẩm quyền và bị thu hồi.

Cân nhắc bỏ quy định về việc phải xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài hàng năm. Nếu muốn giữ lại quy trình xin chấp thuận nhu cầu này thì cần phải đơn giản hóa quy trình xin chấp thuận bằng cách đơn giản hóa biểu mẫu và các giấy tờ kèm theo.

Ngoài ra, nới lỏng các điều kiện với chuyên gia. Cụ thể, quy định thêm nhóm chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm (ví dụ tối thiểu 10 năm) mà không cần bằng đại học; và bỏ quy định bằng cấp phải phù hợp với công việc dự kiến làm ở Việt Nam, thay bằng quy định kinh nghiệm làm việc trước đó phải phù hợp với công việc dự kiến làm ở Việt Nam.

Thứ tư, đối với người lao động làm việc liên tục tại Việt Nam thì sau 4 năm, hồ sơ xin cấp mới GPLĐ sẽ đơn giản như hồ sơ xin gia hạn GPLĐ.

Tin cùng chuyên mục