Nhiều bộ mới chỉ có phương án mà chưa có dự thảo nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm |
Và như vậy, việc hoàn thành mục tiêu cắt giảm 50% ĐKKD mà Chính phủ đặt ra ngay từ đầu năm là một thách thức lớn.
Những chuyển động
Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn. Chỉ thị nêu rõ, văn bản thực thi phương án cải cách phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Thông tin từ Tổ công tác của Thủ tướng về sự vào cuộc của các bộ, ngành khá là tích cực. Đến thời điểm này có Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng được đánh cao trong công tác cắt giảm ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bộ Công Thương là đơn vị tiên phong trình Chính phủ ban hành Nghị định cắt giảm 675 ĐKKD trong tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đạt 55,5%.
Tiếp đó, tháng 7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 100/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về ĐKKD thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Trong đó, Bộ đã thực hiện bãi bỏ 5/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 43,7% trong tổng số 215 ĐKKD được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì xây dựng. Như vậy, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hóa của Bộ Xây dựng đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu của Chỉ thị 20/CT-TTg.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này, Bộ đã trình Dự thảo Nghị định sửa đổi nhiều nghị định quy định về đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, trong đó đề xuất cắt giảm 133/345 điều kiện. “Như vậy, tính cả 53 ĐKKD đã được cắt giảm của Luật Thủy sản thì tổng số ĐKKD đã cắt giảm của Bộ đạt trên 53%, vượt yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg. Cùng với đó, Bộ cũng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Luật Chăn nuôi và Luật Thú y dự kiến được Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10 tới sẽ tiếp tục cắt giảm các ĐKKD. Khả năng Bộ hoàn thành phương án cắt giảm hơn 70% số ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đưa ra từ đầu năm là khả thi”, bà Kim Anh cho biết. Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện Dự thảo Nghị định đã tiếp thu xong ý kiến của thành viên Chính phủ. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến, trong tháng 8/2018 sẽ được ban hành.
Mới đây, Cổng thông tin của Bộ Tài chính cũng phát đi thông tin cho biết, Bộ này vừa đề xuất cắt giảm 51,4% tổng số ĐKKD thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính; sửa đổi, bổ sung 16 Nghị định thuộc nhiều lĩnh vực. Một số bộ khác như: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải… đều hứa cắt giảm.
Dù vậy, thông tin từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, ĐKKD vẫn thấp so với yêu cầu.
Chưa hết lo
“Với việc vẫn còn không ít bộ, ngành mới chỉ đưa ra phương án mà chưa có dự thảo nghị định cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đặt lên bàn cấp có thẩm quyền như yêu cầu của Chỉ thị số 20/CT-TTg thì khả năng mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% ĐKKD đặt ra trong năm nay khó đạt”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lo lắng.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất là chất lượng phương án đề xuất cắt giảm không như mong đợi. Lý do là các phương án cắt giảm đều do chính các bộ tự rà soát và đề xuất. Một quy trình tốt thì cần có thẩm tra độc lập để đảm bảo chất lượng hơn là việc chạy theo con số.
Nhấn mạnh yêu cầu chất lượng của các phương án cắt giảm đưa ra, Chỉ thị số 20/CT-TTg nhấn mạnh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 1 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo niềm tin, thu hút đầu tư nước ngoài… Điều này một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ hết sức quyết liệt thì không phải tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.