Dù các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trên giấy tờ nhưng thực tế DN vẫn cảm nhận chưa được bao nhiêu. Ảnh: Tường Lâm |
Để đạt mục tiêu này, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải làm thực chất và đồng bộ hơn nữa.
Doanh nghiệp chưa hết khó
Về tổng thể, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). “Thực hiện Nghị quyết 19 mấy năm qua, mặt bằng chung đánh giá, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện, song thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả đạt được chưa như kỳ vọng cả về chỉ số và mức độ thực chất”. Nghị quyết số 19 đặt ra yêu cầu cắt giảm 50% ĐKKD nhưng chưa đạt được. Về mức độ thực chất, dù các ĐKKD đã được cắt giảm trên giấy tờ nhưng thực tế DN vẫn cảm nhận chưa được bao nhiêu. DN vẫn phải trải qua những thủ tục phức tạp, trừ một số ĐKKD cắt giảm có tác động tương đối rõ như ở lĩnh vực thực phẩm, xuất khẩu gạo…
PGS. TS Phạm Thế Anh thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm. “Chính phủ rất tích cực gỡ bỏ các rào cản pháp lý, tạo sự thông thoáng hơn cho việc thành lập DN. Tuy nhiên, chính sách thuế, phí lại không được cải thiện. DN và người dân đang đối mặt với những loại thuế, phí mới”, ông Phạm Thế Anh nhìn nhận. Bên cạnh một số bộ khá tích cực cắt giảm ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thì vẫn còn có bộ, ngành rụt rè, chưa cải cách triệt để, bởi lo ngại mất quyền, mất lợi.
Báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018 được công bố sáng 8/1/2019 cho thấy, khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, các DN vẫn phải mất rất nhiều chi phí ngầm. Vẫn còn tới hơn 50% số DN được khảo sát cho biết có chi trả cho cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành là Bộ Công Thương. Tỷ lệ này với một số bộ khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 34,43%, Bộ Giao thông vận tải là 29,72%, Bộ Tài nguyên và Môi trường là 23,11%...
Làm thật mới bứt phá được
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Qua các phân tích, CPTPP rõ ràng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho kinh tế nước ta. Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng, tận dụng được cơ hội hay không lại phụ thuộc vào sức cạnh tranh của các DN. Bởi vậy, cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, trong đó cắt giảm thực chất các rào cản là ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang cản trở sự lớn lên của DN.
Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, khác với mọi năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02 thay thế Nghị quyết số 19. Tại nghị quyết này, Chính phủ đưa ra 5 nhóm giải pháp với 4 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên, trong đó tiếp tục nhấn mạnh giải pháp bãi bỏ, đơn giản hóa ĐKKD; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về ĐKKD đã thực hiện trong năm 2018. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 02 đã xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, việc Nghị quyết số 02 đưa ra yêu cầu nhiều hơn và trao quyền cho các bộ đồng nghĩa đó là trách nhiệm của các bộ trong việc thực hiện cắt giảm thực chất ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho DN. “Khi đó, các bộ sẽ hết cơ hội đổ lỗi cho việc cắt giảm ĐKKD vướng điều này, điều kia…”, bà Lan nhấn mạnh.
Với những bộ thời gian qua chưa cắt giảm thực chất ĐKKD, một số ý kiến cho rằng, danh mục cắt giảm ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà các bộ đề xuất cần rõ ràng, đầy đủ. Trường hợp đến cuối năm, chiếu theo danh mục, những ĐKKD nào mà bộ, ngành đó chưa cắt giảm được thì Chính phủ tuyên bố cắt luôn, không chờ các bộ, ngành nữa.
“Cắt giảm ĐKKD phải làm thật, làm đồng bộ thì nền kinh tế mới bứt phá được, chúng ta mới có thể nắm được các cơ hội lớn từ CPTPP hay EVFTA đang mở ra…”, một chuyên gia khuyến nghị.