Các điều kiện kinh doanh bất hợp lý nếu không được loại bỏ có thể làm hao mòn nguồn lực, suy giảm tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: Nguyễn Lan Hương |
Thói quen thích quản lý
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cạnh tranh là linh hồn, là nền tảng của kinh tế thị trường, không có cạnh tranh sẽ không thể có kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, chính sách cạnh tranh đã được ban hành từ nhiều năm qua, song chính sách này dường như vẫn chưa được hiện thực hoá. Tư duy sợ cạnh tranh vẫn đang diễn ra trong quản lý nhà nước. Điều này lý giải phần nào câu chuyện thời gian qua dù nỗ lực rất nhiều trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn chưa có nhiều thay đổi .
“Như vừa rồi, chúng tôi đề xuất loại bỏ khoảng 2.000 điều kiện kinh doanh (giấy phép con), nhiều người hỏi, bỏ thì thay thế bằng gì, quản lý bằng gì? Tôi dứt khoát quan điểm bỏ là bỏ và thay vào đó là tăng hiệu quả của các chính sách cạnh tranh đã ban hành. Khối doanh nghiệp (DN) nhà nước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ trong kinh doanh theo cơ chế thị trường”, ông Cung nhấn mạnh.
Phản ánh rõ hơn về tư duy thích quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, như một thói quen cố hữu, các cơ quan quản lý của Việt Nam dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, thậm chí bị bệnh “nghiện quản lý”. Thông thường, khi các cơ quan soạn thảo pháp luật lý giải cho mục tiêu chính sách, mục đích của quy định, đạo luật vẫn là nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước hay để tăng cường quản lý nhà nước. Đây là sự nhầm lẫn lớn. Quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ. Điển hình là trong thời gian qua giấy phép con được ban hành quá nhiều, dựng lên rào cản hạn chế cạnh tranh, thậm chí bóp chết sự phát triển của DN.
“Chúng ta vẫn phổ biến văn hóa thích cấp phép, phổ biến xu hướng chọn dễ, tránh khó trong quản lý. Cấp phép là giải pháp quản lý dễ, ngồi một chỗ, còn DN và người dân phải đến xin, cơ quan quản lý thì lại có quyền, mà quyền tạo ra tiền, lợi. Vì vậy, từ bỏ văn hóa này xem ra không dễ dàng”, ông Tuấn nhận định.
Tán thành quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bệnh “nghiện quản lý” của các cơ quan quản lý là không chỉ đơn thuần coi chính sách là công cụ quản lý, mà đằng sau bóng dáng đó là quyền lực, là nhóm lợi ích khiến cho thị trường cạnh tranh bị bóp méo.
Cảnh báo hiệu ứng ngược
Nhìn từ góc độ hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý được ban hành trong thời gian qua, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây là rào cản ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển DN, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Một giấy phép con vô lý tồn tại có thể giết chết hàng trăm, hàng nghìn DN, làm héo mòn sức sáng tạo của DN. Thậm chí, xa hơn là làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước. Đặc biệt, rào cản này tạo ra những động lực ngược chiều đối với DN và bộ máy hành chính nhà nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cảnh báo hiệu ứng ngược từ việc tăng cường quản lý, ông Tuấn dẫn chứng, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra là nếu quá chú trọng vấn đề quản lý, ban hành quá nhiều các quy định thì kèm theo đó sẽ luôn là các hệ quả. Đó là các định chế công hoạt động không hiệu quả, tình hình tham nhũng phổ biến hơn, trong khi đó lại không đạt được các mục tiêu tốt đẹp về lợi ích công cộng như kỳ vọng. “Tính ngầm” trong hoạt động kinh tế có cơ hội tăng lên và về lâu dài sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực.
Cảnh báo cái giá phải trả cho việc hạn chế cạnh tranh là rất lớn, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, nếu các điều kiện kinh doanh làm giảm sức cạnh tranh của DN, của quốc gia không được loại bỏ có thể làm hao mòn nguồn lực, tiềm năng tăng trưởng, làm đảo lộn giá trị đạo đức kinh doanh. Anh làm không tốt, không thúc đẩy phát triển lại được lợi. DN không có đổi mới, không có sáng tạo nhưng vẫn được xin - cho.
Đề xuất hướng giải quyết cho vấn đề này, nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, để cạnh tranh là linh hồn cho sự phát triển kinh tế bền vững thì phải thay đổi tư duy nhận thức về cạnh tranh. Đơn cử như, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh thì các bộ, ngành phải hành động thực chất, quyết liệt. Đặc biệt, cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ, ngành, cơ quan nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và giám sát việc phát sinh giấy phép mới.