Chế biến - chế tạo, đầu kéo tăng trưởng công nghiệp

(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2016, các lĩnh vực hoạt động của ngành gặp phải những khó khăn lớn cả về thị trường xuất khẩu và sản phẩm trong nước. 
Sản xuất công nghiệp năm 2016 tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất công nghiệp năm 2016 tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã ghi nhận những nỗ lực rất đáng khích lệ, là đầu kéo quan trọng cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. 

Mức tồn kho thấp

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình phát triển công nghiệp và thương mại năm 2016, năm 2016, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm sâu ở mức - 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm mức tăng chung. Nhóm các sản phẩm trung gian năm 2016 tăng 5%, nhóm sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 9,1%, trong đó sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 11,4% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 8%.

Mặt khác, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2016 tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm trước, là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,5%). Trong đó, ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,5%; dệt tăng 6%; sản xuất trang phục giảm 1,5%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 4,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 9,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 10%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 13%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 27,5%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn mức tăng chung, gồm: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 117,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 93,5%; sản xuất đồ uống tăng 40,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 26,5%. 

Tăng trưởng nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo

Đánh giá về sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý 2 điểm là sự sụt giảm mạnh của ngành khai khoáng và sự duy trì tích cực trong tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự suy giảm của lĩnh vực khai khoáng chủ yếu do giá dầu thô giảm, dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh (năm 2016 giảm 8,1% trong khi đó năm 2015 tăng 7,8%). “Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã ghi nhận những nỗ lực rất đáng khích lệ, là đầu kéo quan trọng cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đánh giá xu hướng phát triển của các ngành sản xuất trong nước năm 2016, vị tư lệnh ngành công thương thông tin, chỉ số tổng hợp về tình hình sản xuất - PMI của Việt Nam các tháng trong năm 2016 luôn ở mức cao hơn 50 điểm và có xu hướng tăng tích cực trong các tháng cuối năm. Đây là tín hiệu tốt cho thấy khả năng phục hồi và mở rộng của sản xuất trong nước, đặc biệt là ở những tháng tới đây của năm 2017.

Trước đó, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhận định: “Xu hướng ngành công nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn”. Song, Tổng cục Thống kê cũng cảnh báo, tăng trưởng công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu về bề rộng (tăng số doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và thu hút lao động), trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.

Đồng quan điểm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục