Chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù chi phí không chính thức giữ vững xu hướng cải thiện, nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn cần tiếp tục các nỗ lực trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được VCCI công bố ngày 9/5 cho thấy, năm 2023, chỉ 33,3% doanh nghiệp (DN) cho biết có chi trả chi phí không chính thức, giảm đáng kể từ con số 42,6% của năm 2022. Nếu so với mức 66% của năm 2015 - 2016, hoặc con số cao nhất là 70% vào năm 2006 (năm đầu tiên tiến hành khảo sát toàn bộ các địa phương trên cả nước), thì tỷ lệ DN cho biết thường phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là thấp nhất. Điều này cho thấy, nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp đã đạt được kết quả rõ rệt.

Một chỉ tiêu khác, cũng rất quan trọng, là gánh nặng chi phí không chính thức đối với DN năm 2023 tiếp tục đà giảm. Cụ thể, năm 2023, chỉ 2,5% DN cho biết phải chi trên 10% doanh thu cho khoản chi không chính thức, trong khi năm 2022 là 3,8%. Gánh nặng chi phí không chính thức giảm liên tục từ năm 2017 (7,5%) và đã giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây. Quy mô chi phí không chính thức của năm 2023 còn ấn tượng hơn, khi so với mức 13% của năm 2006. Tỷ lệ DN cho biết công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức năm 2023 chỉ là 43%, giảm đáng kể từ con số 58,8% của năm 2022. Tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực phòng cháy năm 2023 là 19,7%, giảm mạnh từ con số 33,3% năm 2022. Chỉ 24% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức trong thanh, kiểm tra thuế năm 2023, trong khi năm 2022 là 39%. Tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC đất đai năm 2023 là 37,5%, giảm nhẹ từ con số 40% của năm 2022. Đáng lưu ý, tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “chi trả chi phí không chính thức là cần thiết để có cơ hội trúng thầu” năm 2023 chỉ còn 27,6%, tiếp nối chuỗi giảm từ 36,3% năm 2022 và 36,8% của năm 2021.

Nhìn chung, điểm số trung bình chỉ số thành phần (CSTP) chi phí không chính thức năm 2023 đạt 7,08 điểm, tăng từ con số 7,01 điểm của năm 2022 và 6,99 điểm của năm 2021, đánh dấu chuỗi tăng điểm liên tục của CSTP này kể từ năm 2015.

Theo đại diện VCCI, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể như vậy, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn cần tiếp tục các nỗ lực trong thời gian tới. Tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “quy mô chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được” năm 2023 đã giảm nhẹ từ con số 88,9% của năm 2022, gián đoạn chuỗi cải thiện liên tục 5 năm trước đó. Tuy nhiên, con số 86% của năm 2023 vẫn ở mức cao. Theo đại diện Nhóm nghiên cứu, đây là dấu hiệu cho thấy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn rất cam go, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần kiên trì và đẩy mạnh toàn diện các nỗ lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Gánh nặng chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục đà giảm. Ảnh minh họa: Internet

Gánh nặng chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục đà giảm. Ảnh minh họa: Internet

Theo VCCI, việc tiếp tục thúc đẩy để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN ở các khía cạnh đã nêu ở trên là rất quan trọng để duy trì và phát huy các kết quả đạt được. Những lĩnh vực vẫn cần phải đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức. Cụ thể, vẫn có 69,9% DN phản ánh còn hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN trong năm 2023, dù chỉ tiêu này có giảm từ con số 71,7% của năm 2022. Tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực của năm 2023 có tăng so với năm trước đó như: đăng ký kinh doanh, thanh, kiểm tra môi trường, hoặc trong thanh, kiểm tra nói chung.

Cũng theo ghi nhận tại Báo cáo PCI 2023, gánh nặng thanh, kiểm tra về cơ bản đã giảm bớt đối với các DN. Cụ thể, năm 2023, có gần 7% DN cho biết có tiếp đón từ 3 đoàn thanh, kiểm tra trở lên trong năm, giảm nhẹ từ con số 7,4% năm 2022 và 9,9% năm 2021. Tỷ lệ DN cho biết mục đích của các cuộc thanh tra là tạo cơ hội cho cán bộ thanh, kiểm tra nhũng nhiễu DN là gần 7% năm 2023, giảm rõ rệt từ con số 9,6% năm 2022 và 13,8% năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ DN cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp lại có dấu hiệu nhích từ con số 6,7% năm 2022 lên 8,5% năm 2023.

Là địa phương có 16 năm liền nằm trong top 5 PCI của cả nước, ông Trương Hoà Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng ưu tiên cải thiện các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, gia nhập thị trường, để giảm sự phiền hà và tạo điều kiện cho DN. Bên cạnh đó, Tỉnh duy trì mô hình "Café doanh nghiệp" đã được triển khai khá thành công trong nhiều năm qua để thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp và tháo gỡ khó khăn cho DN kịp thời. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa để DN có thể yên tâm đầu tư kinh doanh lâu dài.

Dưới góc nhìn của cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho rằng, việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức và cắt giảm thủ tục hành chính công sẽ giúp cho DN tại Việt Nam cải thiện được vị trí trong chuỗi cung ứng.

Tin cùng chuyên mục