Chiết khấu thấp, doanh nghiệp không mặn mà với xăng E5

Do giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục trong khi giá dầu mỏ giảm nên ethanol nhiên liệu sinh học kém cạnh tranh so với xăng khoáng...
Hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà trong kinh doanh xăng E5 bởi cửa hàng bán E5 có doanh thu thấp, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học chưa hấp dẫn, chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà trong kinh doanh xăng E5 bởi cửa hàng bán E5 có doanh thu thấp, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học chưa hấp dẫn, chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục trong khi giá dầu mỏ giảm là nguyên nhân ethanol nhiên liệu sinh học kém cạnh tranh so với nhiên liệu gốc khoáng về mặt kinh tế.

Thông tin đến báo chí, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn Bộ Công Thương, cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà trong kinh doanh xăng E5 bởi cửa hàng bán E5 có doanh thu thấp, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học chưa hấp dẫn, chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn. 

Trong khi đó, chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn và khuyến khích người tiêu dùng, người tiêu dùng sử dụng xăng khoáng theo thói quen dẫn đến sản lượng xăng E5 bán ra tại cùng một cửa hàng bán lẻ xăng dầu thấp hơn so với xăng khoáng cùng loại.

Lý giải về việc giá xăng sinh học E5 chưa “hấp dẫn”, Thứ trưởng cho biết, do giá sắn lát nguyên liệu tăng liên tục khiến giá ethanol nhiên liệu cao. Các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng trong những năm 2008- 2010, với giá trung bình khoảng 2.000 đồng/kg (giá sắn lát khô cuối năm 2008 và đầu năm 2009 biến động từ 1.500 đồng/kg – 1.700 đồng/ kg). Từ năm 2011 đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg có thời điểm giá sắn lát lên đến 4.500 đồng/kg - 5.000 đồng/kg.

Cùng với đó, giá dầu mỏ giảm là nguyên nhân ethanol nhiên liệu sinh học kém cạnh tranh so với nhiên liệu gốc khoáng về mặt kinh tế. Giá dầu mỏ trong năm 2008 -2009 cũng đang ở mức rất cao (ngày 11/7/2008 giá dầu thô là 147,27 USD/thùng). Từ 2011 đến nay, giá dầu thế giới liên tục giảm (thấp nhất xuống dưới 30 USD/thùng).

Theo đại diện Bộ Công Thương, để có thể tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng Ron 92, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã áp dụng biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, hiện nay mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 hiện nay là 0 đồng/lít, xăng khoáng là 300 đồng/lít. Với các chính sách thuế, phí như hiện nay, giá bán tối đa của mặt hàng xăng E5 thấp hơn 498 đồng/lít so với xăng RON 92.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp giao ban tháng 5 của Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường cho biết, công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (khai khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn. 

Nếu thời gian tới, Bộ Tài chính không sớm đưa ra công thức tính giá riêng cho xăng E5 thì sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.

“Mặt hàng xăng E5 là mặt hàng mới, Bộ cần thận trọng trong quá trình triển khai để có giải pháp phù hợp, đặt mục tiêu trong đầu tháng 6/2016, tại 8 tỉnh thành ít nhất 50% cây xăng bán xăng E5. Khó khăn ở đây là Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và Bộ Công Thương phối hợp nhưng do cách tính giá xăng E5 chưa có, giá yêu cầu thấp hơn RON 92 500 đồng/lít nhưng chi phí phối trộn hiện cao hơn dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp triển khai”, ông Cường nói.

Phản hồi những ý kiến được Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ đưa ra, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Câu chuyện không đơn giản chỉ là giá cơ sở”.

Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá lại tính khả thi sử dụng xăng E5, đề ra chính sách mới, cơ chế mới, có kế hoạch cụ thể. Về giá cơ sở, Bộ trưởng yêu cầu cần phải xây dựng giá hợp lý, cân đối cho doanh nghiệp kinh doanh để sản phẩm này đi vào hoạt động hiệu quả.