Một khu nhà ở xã hội tại Bình Dương |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đề án có hiệu lực từ ngày 3/4.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng hơn 1,06 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Để đạt được mục tiêu, Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, địa phương phải xác định diện tích đất xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Nhà ở xã hội cũng sẽ là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành, là một hạng mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương. Một số quy định sẽ được bổ sung như huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và huy động vốn nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất cho những nhóm này thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ.
Gói 120.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội: Lãi suất ban đầu từ 8,3 - 8,7%
Quy định lựa chọn chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng khuyến khích xã hội hóa. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sẽ đồng thời làm chủ đầu tư xây hạ tầng khu nhà lưu trú công nhân. Họ có thể tự xây nhà lưu trú hoặc bàn giao cho Ban quản lý khu công nghiệp để chuyển giao đất có hạ tầng cho Tổng Liên đoàn lao động hoặc doanh nghiệp khác xây nhà lưu trú.
Phần 20% diện tích thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án. Các tỉnh, thành phải trích phần tiền sử dụng đất của dự án nhà thương mại, khu đô thị để xây hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư xây nhà xã hội sẽ không phải nộp lại tiền sử dụng đất được miễn khi bán nhà.
Doanh nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà xã hội cho người lao động trong đơn vị thuê lại. Địa phương phải công khai quỹ đất xây nhà ở xã hội để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư; bố trí ngân sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.
Chính phủ yêu cầu các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng ưu tiên xây dự án độc lập nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở vị trí thuận tiện, quy mô lớn, đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản quan tâm hơn đến nhà ở xã hội.
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.
Số dự án đang được triển khai là 401 với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Về nguồn giải ngân vốn hỗ trợ, đến nay cả nước đã thực hiện giải ngân được 3.695 tỷ đồng cho 10.237 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Dự báo về nhu cầu nhà ở xã hội, đề án tính toán giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 2,4 triệu căn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,2 triệu căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1,16 triệu căn. Bên cạnh đó, có khoảng 1,2 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp cũng có nhu cầu về nhà ở.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu